Hé lộ điệp viên siêu hạng trong 'bộ tứ' khiến Mỹ-Âu chao đảo

Đó là Harold Adrian Russell Philby, thường được gọi là Kim Philby, một thành viên trong 'Bộ tứ gián điệp thành Cambridge' nổi tiếng.

Những thông tin tình báo vô giá

Kim Philby chào đời đúng ngày đầu năm 1912, trong một gia đình công chức Anh cao cấp. Ông có cảm tình với đất nước Xô-viết và được tình báo viên Liên Xô Arnold Deutsch tuyển mộ khi còn ngồi trên giảng đường Trinity College thuộc Đại học Cambridge.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của Philby chính là lập danh sách những người mà tình báo Liên Xô có thể tuyển mộ. Và ông đã hoàn thành xuất sắc màn “ra mắt” của mình khi chiêu mộ được Guy Burgess và Donald Maclean cùng một số nhân vật quan trọng khác.

Điệp viên Kim Philby. Ảnh: Telegraph

Điệp viên Kim Philby. Ảnh: Telegraph

Khi nội chiến nổ ra ở Tây Ban Nha, Philby đến đây đưa tin cho tờ The Times. Và chính trong thời gian này, Philby được tình báo Anh tuyển mộ, trở thành điệp viên hai mang cùng lúc cung cấp thông tin cho cả người Nga và người Anh.

Sau khi nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, Philby trở về Anh và được cơ quan tình báo Anh MI-6 tiếp nhận vào làm việc. Chỉ trong vòng bốn năm sau đó, ông thăng tiến nhanh chóng, trở thành người phụ trách Bộ phận chống Liên Xô và phong trào Cộng sản quốc tế trong MI-6. Philby hoàn thành tốt công việc đến mức được ghi nhận là “chuyên gia chống cộng sừng sỏ”.

Trên thực tế, nhờ cương vị của mình, Philby nắm được tất cả những kế hoạch của tình báo Anh nhằm bắt giữ các điệp viên Liên Xô và sử dụng quyền lực của mình để chặn lại hoặc cảnh báo sớm cho phía Liên Xô.

Philby cũng nắm được danh tính những điệp viên người Anh và người Mỹ đang làm việc tại Liên Xô nên có thể giúp Moscow loại bỏ hoặc vô hiệu hóa những người này bằng cách cố tình chuyển cho họ những thông tin sai. Chính những hoạt động phá hoại của Philby đã khiến cho hai cơ quan tình báo tinh nhuệ của Anh là MI-5 và MI-6 gặp nhiều khó khăn.

Philby đã chuyển cho phía Liên Xô những thông tin tình báo giá trị, giúp Liên Xô phá vỡ âm mưu của nước Đức phát xít lập liên minh quân sự với Anh, Mỹ chống đất nước Xô-viết. Ông cũng cung cấp nhiều tin tức về các kế hoạch chiến tranh của Đức, Nhật Bản và phe Đồng minh, qua đó giúp Liên Xô có được các đối sách phù hợp và giảm được thương vong, tốn kém cho Hồng quân trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc.

Năm 1949, Philby được chỉ định làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Anh ở Washington, phụ trách hoạt động trao đổi thông tin giữa các cơ quan tình báo Anh và Mỹ. Trên cương vị này, ông được tiếp cận và chuyển cho KGB những thông tin mật vô cùng nhạy cảm mà Anh - Mỹ trao đổi cho nhau. Giá trị của ông vì thế càng to lớn. Theo đánh giá của tình báo viên Liên Xô nổi tiếng Yuri MoZin, Philby là “điệp viên vĩ đại nhất trong thế kỷ 20” và việc tuyển mộ được ông từng được lãnh đạo KGB xem là một kỳ công.

Được đặt tên cho một quảng trường ở Moscow

Thời gian Philby ở Washington chính là lúc nguy cơ ông bị phát giác bắt đầu gia tăng. Bằng cách chặn các liên lạc của Liên Xô, giới chức Mỹ phát hiện ra rằng có kẻ phản bội trong hàng ngũ nhân viên ngoại giao ở đại sứ quán của họ ở nước ngoài và thông báo cho phía Anh.

Người bị nghi ngờ chính là Donald Maclean – một thành viên trong "Bộ tứ Cambridge", thời gian này làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Washington rồi đại diện phía Anh trong Hội đồng Anh - Mỹ - Canada, nhờ đó mà có thể cung cấp cho Tình báo Liên Xô những thông tin bí mật hạt nhân.

Philby phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là vừa phải tìm ra được kẻ chỉ điểm trong hàng ngũ KGB, vừa tìm cách bảo vệ Maclean, cũng là bảo vệ bản thân.

Giữa năm 1951, nhận thấy khả năng đường dây gián điệp Cambridge bị phát giác là rất cao nên Philby đã liên lạc với Burgess – một thành viên khác của “Bộ tứ” để nhờ người này dàn xếp cho Maclean bỏ trốn tới Nga. Tuy nhiên, Burgess vì quá sợ hãi nên cũng trốn luôn cùng với Maclean tới Moscow, khiến hai thành viên đầu tiên trong đường dây gián điệp nổi tiếng bị phanh phui.

Vì Philby từng ở cùng Burgess và Mclean nên mọi nghi ngờ của cơ quan phản gián Anh nhanh chóng đổ dồn về phía ông. Ông bị MI-6 thẩm vấn và buộc phải từ chức trước khi bị sa thải.

Sau khi rời khỏi lực lượng tình báo Anh, Philby quay trở lại nghề báo. Năm 1956, ông tới Lebanon với tư cách phóng viên thường trú ở Trung Đông của các tờ The Observer và The Economist. Đến năm 1960, Philby được MI-6 tuyển mộ lại.

Một năm sau đó, Thiếu tá Anatoliy Golitsyn của KGB đào tẩu sang Mỹ. Khi bị tình báo Anh thẩm vấn, ông ta xác nhận Philby chính là “Kẻ thứ 3” trong đường dây gián điệp Cambridge đã cùng với Burgess và Maclean cung cấp thông tin cho Liên Xô. Song, đầu năm 1963, Philby trốn thoát thành công tới Liên Xô.

Tháng 7/1963, phía Liên Xô thông báo cho phép Philby tị nạn chính trị và được mang quốc tịch Liên Xô. Những năm sau đó, Philby hỗ trợ đào tạo điệp viên cho nhiều nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa. Ông cũng giữ vai trò cố vấn cho KGB trong công tác nghiên cứu về các hoạt động tình báo của phương Tây.

Năm 1965, Philby vinh dự được nhận Huân chương Lenin, phần thưởng cao quý cho những đóng góp của ông cho Liên Xô. Ảnh của ông thậm chí được in lên tem của Liên Xô.

Điệp viên huyền thoại Kim Philby qua đời ở Moscow ngày 11/5/1988 vì bệnh tim mạch. Tang lễ của ông được tổ chức hết sức long trọng. Tháng 11/2018, tên ông được chính quyền thủ đô Moscow đặt cho một quảng trường lớn ở quận Yasenevo.

Bộ tứ gián điệp thành Cambridge gồm: Harold Adrian Russell Philby (1912-1988); Anthony F. Blunt (1907-1983); Guy Francis de Moncy Burgess (1910-1936) và Donald Maclean (1915-1983). Họ đã thâm nhập vào các cơ quan tình báo đầu não của Anh, cung cấp thông tin quan trọng cho chính quyền Xô-viết.

Nguyên Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/chan-dung/he-lo-diep-vien-sieu-hang-trong-bo-tu-khien-my-au-chao-dao-579700.html?vnn_source=trangchu&vnn_medium=box-the-gioi1