Hé lộ con đường Nga phá tan xung đột Triều Tiên

Mối quan hệ của Moscow với Trung Quốc, Mỹ và hai miền Triều Tiên định hình các mục tiêu chính sách của Nga.

Mối quan hệ của Moscow với Trung Quốc, Mỹ và hai miền Triều Tiên định hình các mục tiêu chính sách của Nga.

Vào ngày 7/7/ 2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố rằng Washington sẽ gia tăng áp lực ngoại giao lên Nga để đảm bảo rằng Moscow sẽ giúp Mỹ kiềm chế sự khiêu khích của Triều Tiên đối với Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngay trước cuộc họp thượng đỉnh G20 giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, ông Tillerson cũng nói rằng đối thoại ngoại giao có thể giúp giảm bớt bất đồng giữa Washington và Moscow về Triều Tiên.

Bất chấp lời tuyên bố lạc quan này từ Tillerson, việc Nga bác bỏ tuyên bố của Mỹ về việc Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào ngày 4/7, cũng như phản đối việc tăng cường các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại Triều Tiên cho thấy, tiến trình ngoại giao chưa có nhiều hiệu quả để làm giảm căng thẳng Washington- Moscow về Bình Nhưỡng.

Những động thái này có thể được giải thích bằng hai yếu tố.

Thứ nhất, chiến lược ưu tiên của Nga đối với mối đe dọa từ Triều Tiên tương phản rõ rệt với chính sách sử dụng ngoại giao cưỡng chế của Washington. Moscow nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy ngoại giao liên Triều và đã thúc giục Hàn Quốc ngừng tham gia vào các biện pháp an ninh do Mỹ dẫn đầu trên bán đảo Triều Tiên – điều đang khiến Bình Nhưỡng tức giận.

Ông Moon Jae in gặp gỡ ông Putin bên lề G20. (Nguồn: Cơ quan báo chí và thông tin Nga)

Thứ hai, Nga đang tăng cường vị thế trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ngày càng quan trọng với Trung Quốc.

Chiến lược của Nga đối với khủng hoảng Triều Tiên

Kể từ khi Bình Nhưỡng tăng tốc độ các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân từ đầu năm 2016, Nga đã nổi lên như là bên ủng hộ quốc tế hàng đầu đối với một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Trái ngược với sự tập trung của Washington về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên bằng bất kỳ phương tiện nào cần thiết, chiến lược của Nga tập trung vào việc kiềm chế Triều Tiên thông qua ngoại giao có mục tiêu.

Ưu tiên đầu tiên trong chiến lược của Moscow là thúc đẩy ngoại giao trực tiếp giữa Bình Nhưỡng và Seoul. Để đạt được điều này, ông Putin đã phối hợp làm việc để tăng cường mối quan hệ của Moscow với Hàn Quốc. Ngày 29/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác với Nga và bày tỏ sự lạc quan rằng Moscow có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự cải thiện quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Điện Kremlin đã đáp lại tuyên bố của ông Moon và bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác ngoại giao với Triều Tiên bằng cách đưa ra một kế hoạch để ngoại giao liên Triều hồi sinh. Ngày 25/5, ông Putin đã đề nghị gửi một đại sứ đến Bình Nhưỡng để tìm hiểu các ý định của Triều Tiên, và chuyển các điều kiện ngoại giao của Triều Tiên cho Seoul.

Ngoài việc tăng cường cam kết với Seoul, Nga đã sử dụng ngoại giao để thúc giục Triều Tiên chấm dứt các hành động gây thêm căng thẳng đối với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong cuộc họp vào ngày 30/ 4 với Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Han Song Ryol, Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora đã kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế và tránh các hành động khiêu khích làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi những động thái trên vẫn còn hạn chế, các nỗ lực của Nga để thúc đẩy các thỏa hiệp từ Bình Nhưỡng và Seoul nhấn mạnh sự cam kết của Kremlin đối với ngoại giao liên Triều. Kể từ khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi khôi phục các cuộc đàm phán sáu bên về cuộc khủng hoảng Triều Tiên kể từ tháng 4/2016, một bước tiến rõ rệt đối với đối thoại ngoại giao liên Triều sẽ đánh dấu việc hoàn thành một mục tiêu lâu dài của Nga.

Ưu tiên thứ hai của Nga là thuyết phục Hàn Quốc rút khỏi các biện pháp an ninh do Mỹ dẫn dắt nhằm chống lại Bình Nhưỡng. Trong một tuyên bố chung gần đây với các đối tác Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố sự phản đối của họ đối với các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn do Hoa Kỳ và Hàn Quốc thực hiện trên bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù Seoul vẫn tiếp tục tham gia các cuộc tập trận quân sự do Mỹ lãnh đạo, một tuyên bố gần đây của Moon Chung-in, một cố vấn cấp cao trong chính quyền Hàn Quốc, kêu gọi giảm quy mô các cuộc tập trận quân sự, đã thu hút được sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách Nga. Ông Putin cũng đề cập đến sự bất đồng giữa Hàn Quốc và ông Trump về các khoản thanh toán cho hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để nhắc lại sự phản đối của ông đối với việc triển khai hệ thống này tại Hàn Quốc.

Ngày 1/6, ông Putin lập luận rằng THAAD đe dọa đến an ninh của Nga. Nga đã cố gắng truyền đạt ý kiến chống lại THAAD của mình tới Hàn Quốc bằng cách nhấn mạnh khả năng phòng thủ hạn chế của hệ thống này đối với pháo binh Triều Tiên. Trong khi Hàn Quốc không có khả năng quay lưng lại với việc triển khai THAAD, Nga tin rằng họ có thể khai thác những bất đồng thường niên định kỳ giữa Seoul và Washington, và cuối cùng giúp thuyết phục Hàn Quốc chấp nhận một chính sách đối ngoại “bồ câu” hơn đối với Bình Nhưỡng.

Chiến lược Triều Tiên của Nga và mối quan hệ Moscow - Bắc Kinh

Ngoài việc chứng minh rằng Moscow có thể thúc đẩy các giải pháp xây dựng đối với các khủng hoảng quốc tế, Nga đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với chiến lược Triều Tiên của Washington nhằm tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc. Hợp tác giữa Nga và Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Triều Tiên đã được tăng cường, vì cả hai nước đều phản đối mạnh mẽ các cuộc tập trận quân sự của Mỹ được cho là nhằm chống lại Bình Nhưỡng.

Trong khi Trung Quốc vẫn là đồng minh quốc tế hàng đầu của chính quyền Triều Tiên, Nga cũng đã tăng cường mối quan hệ với Bình Nhưỡng, với hy vọng được coi là một đối tác trọng tài bình đẳng cùng với Trung Quốc chứ không phải là một đối tác thứ cấp chịu ảnh hưởng lập trường từ Bắc Kinh.

Khi đồng thuận trong việc lên án Mỹ và các cuộc họp tham vấn, Trung Quốc và Nga củng cố thông điệp rằng hai bên đang xây dựng một mặt trận thống nhất về vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

Nhận được sự đánh giá cao của Trung Quốc như một đối tác trọng tài bình đẳng có thể có những ý nghĩa tích cực sâu rộng đối với chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương của Nga. Bằng việc chứng minh rằng nước này có thể có ảnh hưởng ngoại giao ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và hành động độc lập với ảnh hưởng từ Trung Quốc, Nga sẽ tăng cường được sự tin cậy của mình như là một đối tác chiến lược đối với các nước Đông Nam Á đang tìm kiếm sự cân bằng liên kết với Washington.

Nếu Nga khẳng định được vị thế quyền lực to lớn của mình ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương thông qua việc tham gia vào ngoại giao liên Triều, các nhà hoạch định chính sách của Kremlin tin rằng Trung Quốc có thể chấp nhận điều này.

Quan điểm tích cực của Trung Quốc đối với chiến lược Triều Tiên của Nga có thể vẫn không thay đổi ngay cả khi Moscow điều chỉnh (gia tăng) sự hiện diện quân sự ở biên giới bán đảo Triều Tiên. Theo chuyên gia Lyle Goldstein thuộc trường Hải chiến Hoa Kỳ, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tin rằng việc triển khai hạm đội Nga ở Thái Bình Dương sẽ là đối trọng với các cuộc diễn tập quân sự của Mỹ và Nhật Bản cũng như mang lại lợi ích cho chiến lược quân sự khu vực của Trung Quốc. Những đánh giá tích cực về sự tham gia của Nga từ các quan chức Trung Quốc cho thấy sự tham gia rộng rãi của Nga vào bán đảo Triều Tiên có thể giúp chuyển đổi quan hệ đối tác với Bắc Kinh từ một trục quan hệ “thuận tiện” thành một liên minh thực sự.

Mặc dù mức độ cam kết của Nga đối với việc Washington sử dụng ngoại giao cưỡng chế chống lại Triều Tiên vẫn còn chưa rõ ràng nhưng lời tuyên bố chính thức của Kremlin cho thấy chiến lược của Nga đối với Triều Tiên ngày càng trở nên cụ thể. Sự tham gia rộng rãi của Nga vào bán đảo Triều Tiên có nghĩa là những bất đồng của Moscow với Washington về Triều Tiên sẽ chưa thể giảm bớt trong tương lai gần.

(Theo The Diplomat)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/he-lo-con-duong-nga-pha-tan-xung-dot-trieu-tien-246699.html