Hé lộ chiêu 'độc' dụ khách hàng của Địa ốc Aliaba: Những chiếc 'bánh vẽ' và lời hứa ngọt ngào

Lời hứa có sổ đỏ với số vốn bỏ ra cực ít, thu lợi nhuận siêu khủng của Địa ốc Aliaba đã khiến nhiều người mắc lừa.

Lời hứa có sổ đỏ với số vốn bỏ ra cực ít, thu lợi nhuận siêu khủng của Địa ốc Aliaba đã khiến nhiều người mắc lừa.

Ông Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Alibaba và em trai vừa bị bắt ngày 18/9 sau 3 năm hoạt động và gây nhiều tai tiếng trên thị trường.

Được biết, trước đó, vào tháng 5/2016, doanh nghiệp Địa ốc Alibaba được thành lập với vốn điều lệ một tỷ đồng, với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Thái Lĩnh (khi đó 28 tuổi) - em trai ông Luyện. Công ty có 3 cổ đông, trong đó ông Lĩnh nắm 10%, bà Võ Thị Thanh Mai 10% và ông Luyện chiếm 80%.

Hơn một năm sau đó, vốn điều lệ của doanh nghiệp tăng lên 20 tỷ đồng và 9 tháng sau, vào tháng 9/2017 doanh nghiệp này tăng vốn lên thành 1.600 tỷ đồng, tương đương mức tăng gấp 80 lần. Tuy nhiên, theo giới thiệu trên website, hiện vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 5.600 tỷ với 20 công ty con, 2.600 nhân sự.

Về hoạt động đầu tư, Alibaba cũng tự quảng cáo đang triển khai 45 dự án bất động sản, gần 18.000 sản phẩm.

Tuy nhiên, thực tế, Alibaba đã tự "vẽ" hàng chục dự án không có thực ở nhiều tỉnh, thành hoặc chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư của chính quyền địa phương.

Lời hứa có sổ đỏ với số vốn bỏ ra cực ít, thu lợi nhuận siêu khủng của Địa ốc Aliaba đã khiến nhiều người mắc lừa. Ảnh: Vietnamnet

Lời hứa có sổ đỏ với số vốn bỏ ra cực ít, thu lợi nhuận siêu khủng của Địa ốc Aliaba đã khiến nhiều người mắc lừa. Ảnh: Vietnamnet

Trong số dự án do Alibaba phân phối, có dự án được quy hoạch dùng để làm đất nghĩa trang, đường cao tốc và khu công nghiệp, trồng cây lâu năm..., hoặc một số nơi được quy hoạch là đất ở nhưng các cá nhân sở hữu đều chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng. Dựa trên hồ sơ tự vẽ đó, Alibaba tiến hành quảng cáo, sau đó chia lô, bán nền huy động vốn, thu tiền của khách hàng.

Cuối năm 2017, Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực III - 3 mới đang được chính quyền TP.HCM mời gọi đầu tư, chưa giải phóng mặt bằng và chưa có quy hoạch chi tiết 1/500. Công ty Địa ốc Alibaba và doanh nghiệp trực thuộc là Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM dù chưa thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư tại dự án này, đã tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền, thu tiền đặt chỗ của khách hàng. Sau khi có cảnh báo của cơ quan quản lý và dưới sức ép của khách hàng, Alibaba phải trả lại tiền cho khách đã đặt cọc.

Đồng Nai là địa phương mà doanh nghiệp này hoạt động mạnh nhất, đặc biệt trong hơn một năm gần đây. Riêng huyện Long Thành, theo Bộ Công an có 27 dự án liên quan đến Công ty Alibaba tại xã Phước Bình (3 dự án), xã An Phước (một dự án), xã Long Phước (21 dự án)... Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tổ chức quảng cáo, mua bán đất. Tuy nhiên, thực tế khu đất mà đơn vị này quảng cáo có dự án đều do nhiều cá nhân đứng tên trên sổ đỏ và chưa được cơ quan có thẩm quyền nào chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như cấp phép thành lập khu dân cư. Thậm chí, doanh nghiệp còn vẽ bản đồ vị trí phân lô chồng lên các thửa đất của hộ dân kế cận với diện tích lớn rồi rao bán.

Cũng với phương thức tương tự, Alibaba đưa đội ngũ về Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu đất rộng gần 135.000 m2 ở xã Châu Pha (thị xã Phú Mỹ) do ông Nguyễn Ngọc Sự (thường trú Hà Nội) đứng tên sở hữu đất trồng cây lâu năm được làm đường, vỉa hè, kéo điện rồi phân lô bán nền dưới danh nghĩa dự án Alibaba Tân Thành Center City 1. Hơn một năm qua, trong căn nhà rộng hàng trăm m2 được xây ở mặt tiền khu đất, hàng chục người mặc đồng phục địa ốc Alibaba túc trực dẫn khách đến xem, mua đất nền với giá từ 500 triệu đồng mỗi lô. Công ty này cũng cam kết sẽ làm được sổ đỏ cho khách mua và lợi nhuận tối thiểu 30% mỗi năm.

Alibaba cũng quảng cáo bán dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City (xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân). Thực tế, khu đất được quảng cáo đang được trồng cây keo lá tràm, chưa giải phóng mặt bằng do ông Nguyễn Thái Lĩnh nhận chuyển nhượng lại của các hộ dân….

Liên quan vụ việc, một khách hàng ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ, để “dụ” khách, cách chăm sóc khách hàng của nhân viên công ty Alibaba rất tốt khi mời chào.

“Người dân nghèo như chúng tôi, nghe tư vấn nói có thể mua đất với giá rẻ nên cũng thích. Họ hứa hẹn sẽ có sổ đỏ, thủ tục pháp lý đầy đủ. Vì thế, tôi cùng em gái đã đầu tư 700 triệu vào một dự án đất nền ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”.

Cũng theo người này, nhân viên công ty hứa là sau 12 tháng sẽ có sổ đỏ, nhưng chờ mãi vẫn không thấy gì. Nóng ruột nên anh đã đến công ty hỏi. Họ không nói giật tiền của anh nhưng cứ hứa hẹn để kéo dài. Cứ mỗi lần anh hỏi, nhân viên luôn trấn an như “anh cứ để đó đi, chắc chắn sẽ có lời” và việc này lặp lại rất nhiều lần.

Tuy nhiên, nhận thấy tình hình không ổn, thời gian kéo dài hơn 1 năm mà sổ đỏ vẫn không có, đất sở hữu lại ở xa nên anh và em gái quyết tâm đến công ty để lấy lại tiền vào tháng 12/2018.

Sau hơn 4 tiếng đồng hồ trao đổi, phía công ty Alibaba mới chịu hoàn trả tiền gốc cho khách hàng.

Còn theo một chuyên gia bất động sản, công ty Địa ốc Alibaba chỉ là đơn vị phân phối, ăn hoa hồng từ chủ đất, nhưng họ lại sẵn sàng trả lợi nhuận lên đến 45%/15 tháng để nhằm lôi kéo khách hàng. Ngoài ra, khi ngày càng nhiều khách hàng phát hiện ra mô hình “kinh doanh đa cấp” đầy rủi ro thì sẽ đồng loạt đến hạn thanh lý rút tiền. Khi đó, công ty Alibaba sẽ rơi vào cơn khủng hoảng thực sự vì dòng tiền cạn kiệt, thu không đủ bù chi.

Vũ Đậu (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/kinh-doanh/he-lo-chieu-doc-du-khach-hang-cua-dia-oc-aliaba-nhung-chiec-banh-ve-va-loi-hua-ngot-ngao-a293587.html