Hé lộ chiến lược chống bà Harris của ông Trump

Đội ngũ tranh cử của ông Trump sẽ xoáy sâu vào những động thái và quan điểm trong quá khứ của bà Kamala Harris có mâu thuẫn với đường lối tranh cử hiện tại của ứng viên Joe Biden.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 13-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đặt nghi vấn thượng nghị sĩ Kamala Harris, liên danh tranh cử vừa công bố của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, có thể không đủ điều kiện để tham gia kỳ bầu cử vào tháng 11 tới.

“Tôi vừa có tin rằng bà Harris dường như không đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết để tham gia tranh cử vì bà ấy không sinh ra ở nước Mỹ. Chắc chắn rằng đảng Dân chủ sẽ kiểm tra thông tin đó nhưng dù gì đi nữa thì chuyện này vẫn rất nghiêm trọng” - đài CNN dẫn lời ông Trump cho hay.

Vấn đề mà nhà lãnh đạo này nhắc tới là việc bà Harris chào đời ở TP Oakland thuộc bang California vào năm 1964 nhưng lại có cha là người Jamaica còn mẹ là người Ấn Độ, cả hai người đều là dân nhập cư, không phải người Mỹ bản xứ. Hiện nhiều chuyên gia đã lên tiếng bác bỏ và ông Trump cũng cam kết không nhắc đến giả thuyết trên, có thể thấy đương kim tổng thống đang cảm nhận được sức ép lớn dần từ liên danh Biden - Harris và đang tìm cách đối phó.

Ông Trump sẽ đánh vào quá khứ của bà Harris?

Trước mắt, hãng tin Reuters cho rằng một chiến dịch “tấn công phối hợp” của ông Trump và các đồng minh đảng Cộng hòa nhắm vào bà Harris nhiều khả năng đã bắt đầu ngay sau khi quyết định của ông Biden được công bố hôm 11-8.

Đơn cử, đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump cùng ngày hôm đó đã tổ chức một cuộc họp báo trực tuyến với các PV để công kích lập trường ban đầu mà bà Harris đưa ra khi bà còn vận động tranh cử vị trí ứng viên tổng thống chính cho đảng Dân chủ năm 2019.

Ở thời điểm đó, bà ủng hộ các đề xuất về chính sách gây tranh cãi như Thỏa thuận xanh - một kế hoạch thúc đẩy tốc độ chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, hay chương trình Medicare for All - chương trình bảo hiểm y tế công cộng cho toàn dân Mỹ. Tuy nhiên, một bộ phận cử tri và bản thân ông Biden đến nay không ủng hộ hai đề xuất này vì chúng vấp phải vấn đề giống nhau là chi phí duy trì quá lớn, lên tới hàng trăm tỉ USD một năm, buộc chính phủ phải tăng thuế để bổ sung ngân sách bù vào.

Mặt khác, trong thời gian bà Harris còn giữ chức trưởng công tố viên bang California nhiệm kỳ 2011-2017, bà được nhận xét là “dễ dãi với lực lượng cảnh sát” khi sẵn sàng xử án nhẹ hơn hay tha bổng cho các sĩ quan phải hầu tòa. Một trường hợp điển hình là vụ hai cảnh sát của bang này bắn chết hai người vào tháng 7-2012. Bà Harris lúc đó kết luận là cả hai nạn nhân đều bất tuân mệnh lệnh cảnh sát nên hai sĩ quan có quyền nổ súng.

Trong bối cảnh vấn đề bạo lực cảnh sát đang chia rẽ sâu sắc xã hội Mỹ - hậu quả của đợt biểu tình rầm rộ phản đối cái chết của người đàn ông da màu George Floyd vào tháng 5, những thông tin như vậy sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và uy tín của chính khách này.

Có thể thấy dù bà Harris có thay đổi trong quan điểm về chính sách để phù hợp với đường lối mà chiến dịch của ông Biden đang theo đuổi, quá khứ của bà vẫn sẽ là “mỏ vàng” để đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump khai thác nhằm tô vẽ bà Harris là một nhân vật cực đoan, cô lập bà khỏi nhóm cử tri trung lập. Nhóm cử tri này sẽ còn lo ngại hơn trước viễn cảnh người kế nhiệm ông Biden sẽ là một người cực đoan như bà Kamala Harris khi ứng viên này tuyên bố sẽ không tái tranh cử nhiệm kỳ hai nếu đắc cử.

Chiến dịch “tấn công phối hợp” của ông Trump và các đồng minh đảng Cộng hòa nhắm vào bà Harris đã bắt đầu ngay sau khi quyết định của ông Biden được công bố hôm 11-8. Ảnh minh họa: CNN

Chiến dịch “tấn công phối hợp” của ông Trump và các đồng minh đảng Cộng hòa nhắm vào bà Harris đã bắt đầu ngay sau khi quyết định của ông Biden được công bố hôm 11-8. Ảnh minh họa: CNN

Đòn công kích sẽ phản tác dụng

Dù vậy, về mặt cá nhân, các trợ lý của ông Trump cũng buộc phải thừa nhận bà Kamala Harris là một đối thủ đáng gờm, theo tờ The New York Times. Một cuộc thăm dò dư luận do công ty khảo sát Ipsos công bố hôm 12-8 cho biết cứ 10 nghị sĩ Dân chủ thì có chín người ủng hộ bà Harris là ứng viên phó tổng thống của đảng này.

Một cuộc khảo sát tương tự thực hiện trong hai ngày 11 và 12-8 của Ipsos cũng cho thấy 60% người Mỹ nhận xét việc lựa chọn bà Harris, một phụ nữ da màu gốc Á, làm ứng viên phó tổng thống là “một cột mốc quan trọng” đối với nước Mỹ.

Việc bà Harris tham gia đồng hành cùng ông Biden sẽ tạo ra nhiều biến số mới khiến Tổng thống Donald Trump phải hết sức chú ý. Bà Harris thuộc làn sóng chính trị gia trẻ mới nổi nên sẽ không dễ đoán như tầng lớp truyền thống như ông Biden.

Giáo sư khoa học chính trị SEAN HOLMES,ĐH Harvard (Mỹ)

Thượng nghị sĩ bang California cũng được đánh giá là nhận được nhiều sự ủng hộ hơn ông Biden trong các nhóm cử tri chiến lược như nhóm nữ giới, nhóm cử tri trẻ hay thậm chí là một bộ phận cử tri đảng Cộng hòa. Theo kết quả thăm dò của Ipsos, 60% phụ nữ Mỹ cho biết họ có cái nhìn thiện cảm đối với bà Harris, trong khi tỉ lệ này đối với ông Biden là 53%. Phụ nữ là lực lượng chiếm số lượng áp đảo trong các cuộc bầu cử ở Mỹ do tỉ lệ đi bầu cao hơn nam giới. Trong khi đó, 21% cử tri đảng Cộng hòa đã đăng ký đi bầu cử có ấn tượng tốt với bà Harris. Ông Biden chỉ nhận được 13%.

Với danh tiếng ngày càng tăng của bà Harris, chiến dịch công kích của đội ngũ Tổng thống Trump có thể bị hiểu nhầm là đang phân biệt đối xử đối với phụ nữ da màu đầu tiên có tấm vé chạy đua vào một vị trí lãnh đạo cấp cao trong chính phủ Mỹ. Điều này sẽ làm phức tạp hơn nỗ lực gia tăng sự ủng hộ trong nhóm cử tri nữ giới.

Bà Sarah Longwell, một thành viên trong nhóm thực hiện cuộc thăm dò dư luận của Ipsos, cho biết các cố vấn của ông Trump cần phải cẩn trọng hơn khi đưa ra những phát ngôn nhằm chống lại liên danh Biden - Harris nói chung và bà Kamala Harris nói riêng. Đã có những ý kiến cảnh báo về việc tái diễn kịch bản giống cuộc cạnh tranh giữa Tổng thống Trump và ứng viên Hillary Clinton trong kỳ bầu cử năm 2016 khi ông Trump bị bắt lỗi phát ngôn, dùng những lời lẽ đao to búa lớn để triệt hạ đối thủ.

Mặt khác, tỉ lệ ủng hộ ông Trump đã sụt giảm nghiêm trọng thời gian gần đây do cách xử lý của ông đối với đại dịch COVID-19, tình trạng suy thoái kinh tế và các vấn đề bất ổn nội bộ như phong trào biểu tình. Bất kỳ động thái nào có nguy cơ làm ảnh hưởng hơn nữa hình ảnh vốn đang khá tiêu cực trong mắt cử tri đều là bước đi thiếu khôn ngoan.

Chọn bà Harris, ông Biden quyên được 48 triệu USD

Đài CNN ngày 15-8 dẫn lời một phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ứng viên Joe Biden tuyên bố chỉ hai ngày sau khi công bố chọn bà Kamala Harris làm ứng viên phó tổng thống, ông Biden đã quyên được gần 48 triệu USD tiền ủng hộ. Hiện ông Biden và các nhóm liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông đã huy động được xấp xỉ 140 triệu USD. Dù vậy, các con số này vẫn kém xa con số 175 triệu USD mà Tổng thống Donald Trump huy động được chỉ trong tháng 7.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/he-lo-chien-luoc-chong-ba-harris-cua-ong-trump-932203.html