Hé lộ cách tiếp cận của tân Tổng thống Mỹ với Trung Quốc

Chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden có thể sẵn sàng sửa đổi những chính sách của người tiền nhiệm với Trung Quốc.

Theo thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 25/1 (giờ địa phương), chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden có kế hoạch xem xét liên ngành các biện pháp trừng phạt từ thời cựu Tổng thống Donald Trump bao gồm thuế quan thương mại và việc đưa một số công ty Trung Quốc vào danh sách đen. Tuyên bố trên cho thấy chính quyền của ông Joe Biden có thể sẵn sàng sửa đổi những chính sách của người tiền nhiệm.

Trong phát biểu của mình, nữ phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết: "Chúng tôi bắt đầu từ cách tiếp cận kiên nhẫn trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc. Do vậy, chúng tôi sẽ tham vấn với các đồng minh, với các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa".

Tuyên bố của bà Jen Psaki cho thấy chính quyền của tân Tổng thống Mỹ có thể sẵn sàng sửa đổi những chính sách của người tiền nhiệm. Bản thân Tổng thống Joe Biden chưa từng đề cập đến sự thay đổi trong cách tiếp cận với Bắc Kinh.

Trả lời tờ New York Times vào tháng trước, ông cho biết sẽ không ngay lập tức thực hiện bất kỳ động thái nào về thuế quan đối với khối lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 350 tỷ USD của Trung Quốc.

Ba tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc - gồm China Mobile, China Unicom Hong Kong và China Telecom Corp - đã yêu cầu Sàn chứng khoán New York xem xét lại quyết định loại bỏ cổ phiếu của họ ra khỏi thị trường theo chỉ thị của ông Donald Trump hồi tháng 11/2020. Ba công ty trên đã đưa ra lời kêu gọi trên chỉ vài giờ sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1.

Chính quyền của ông Joe Biden có thể sẵn sàng sửa đổi những chính sách tiếp cận Trung Quốc của người tiền nhiệm.

Chính quyền của ông Joe Biden có thể sẵn sàng sửa đổi những chính sách tiếp cận Trung Quốc của người tiền nhiệm.

Theo học giả hai nước, quan hệ Mỹ - Trung hiện nay nên được định nghĩa là quan hệ giữa các đối thủ cạnh tranh. Dựa vào những bài học trong quá khứ cũng như thực trạng hiện nay, có thể rút ra một số dự báo.

Thứ nhất, trong 5 đến 10 năm nữa, trạng thái cân bằng Mỹ-Trung mới sẽ có thể được khôi phục. Điều kiện cần quan trọng nhất là sự khởi đầu cho một mối quan hệ thương mại mới tương xứng với trạng thái cân bằng mới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Do vậy, thay vì áp đặt, ép buộc, Mỹ và Trung Quốc phải nỗ lực tái cấu trúc lại quan hệ, tái kết nối hai nền kinh tế, trên cơ sở cùng có lợi. Một số tiến triển gần đây như việc hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc Bắc Kinh cân nhắc việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay việc hoàn tất đàm phán hiệp định đầu tư song phương (giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), cho thấy rằng sự khác biệt giữa Trung Quốc, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây của Mỹ có thể được giải quyết một cách hòa bình, mở đường cho một trạng thái cân bằng mới trong quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai.

Thứ hai, việc ông Joe Biden được bầu làm Tổng thống Mỹ đã mở ra cơ hội để hai nước làm việc cùng nhau nhằm cải thiện quan hệ song phương. Tuy nhiên, thực tế tồn tại quan hệ hai nước bị tổn hại nghiêm trọng dưới thời chính quyền ông Donald Trump đã tạo ra những định kiến. Trên thực tế, cạnh tranh thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc không phải về vị thế đứng đầu hay tầm ảnh hưởng chi phối hệ thống toàn cầu, mà là trở thành một quốc gia tốt hơn.

Do đó, thay vì đổ lỗi cho những thất bại, cả Mỹ và Trung Quốc cần xác định phải thay đổi từ trong nội tại để hướng đến những chính sách tốt hơn cho người dân của mình. Trung Quốc lạc quan rằng quan hệ Mỹ-Trung dưới thời chính quyền ông Joe Biden sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng nếu cả hai bên không nỗ lực.

Kế tiếp, hai nước cần kiểm soát tốt sự cạnh tranh và phải xác định được điểm dừng. Trung Quốc hy vọng trong tương lai, hai nước sẽ giải quyết được những vấn đề khác biệt hiện nay, nhất là về thương mại. Tiến trình này có thể mất nhiều thời gian nhưng các chuyên gia cho rằng Trung Quốc lạc quan là sẽ có kết quả.

Tân Tổng thống Joe Biden đã thể hiện rất rõ mong muốn thúc đẩy quan hệ với các đối tác ASEAN. Làm việc với ASEAN không phải vì những vấn đề có liên quan đến Trung Quốc, mà vì có lợi cho Đông Nam Á, có lợi cho Mỹ, vì một tầm nhìn tích cực.

Tuy nhiên, việc xây dựng lại tầm nhìn tích cực này không dễ dàng và sẽ đặt ra thách thức rất lớn cho chính quyền ông Joe Biden. Mỹ có nên quay lại CPTPP hay không? Về mặt chính trị là rất khó, nhưng điều này rất quan trọng cho vị thế của Mỹ trong khu vực.

Đó là cơ hội để ông Joe Biden thay đổi tình hình. Cạnh tranh hiện tại đang không có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc. Đối với khu vực, vấn đề không phải là về cạnh tranh sức mạnh giữa hai cường quốc, mà là ở chỗ khu vực muốn được dẫn dắt như thế nào? Khảo sát từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) cho thấy khu vực khá hài lòng với cấu trúc an ninh và kinh tế mà Mỹ đã giúp duy trì ở khu vực trong một thời gian dài.

Điều họ không hài hài lòng là việc ông Donald Trump hướng tới chủ nghĩa bảo hộ và theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trước tiên". Điều này hy vọng sẽ thay đổi và ông Joe Biden sẽ có cơ hội để thay đổi tình hình. Tuy nhiên, để làm được việc này, tân chủ nhân Nhà Trắng sẽ phải xây dựng cho Mỹ được bốn nhóm liên minh khác nhau trên các lĩnh vực.

Lĩnh vực đầu tiên là an ninh. Mỹ cần đặt trọng tâm vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều này Mỹ có thể thực hiện được thông qua Bộ Tứ Kim cương (QUAD), nhưng Bộ Tứ không phải là tất cả vì không thể có mặt ở mọi lúc, mọi nơi để giải quyết các vấn đề liên quan.

Nên Bộ Tứ cần có thêm Hàn Quốc, cần có thêm một số nước Đông Nam Á, một yếu tố thiết yếu của liên minh an ninh khu vực. Đây là liên minh dễ dàng nhất trong 4 nhóm liên minh mà ông Joe Biden cần xây dựng. Thứ hai là về lĩnh vực kinh tế, dù rất khó nhưng là thiết yếu đối với Mỹ.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực này, đảm bảo cho một sân chơi kinh tế công bằng, đẩy lùi bảo hộ và tham nhũng. Đây là liên minh mà ông Joe Biden đã nhắc đến rất nhiều trong khi người tiền nhiệm Donald Trump không thể thực hiện được trước đây.

Về lĩnh vực công nghệ, đây là lĩnh vực đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu hình thành liên minh, cụ thể là trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nước đã thảo luận về một liên minh công nghệ đảm bảo một môi trường mạng tự do và rộng mở.

Liên minh công nghệ quan trọng đối với các nước dân chủ trong việc theo đuổi các mục tiêu quan tâm, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, mà cả trong việc duy trì nền dân chủ.

Cuối cùng là lĩnh vực quản trị, ông Joe Biden cần xây dựng liên minh quản trị lớn hơn nữa, không chỉ với các nước dân chủ, bởi vì phần lớn những người bạn thân cận nhất của Mỹ ở châu Á không phải nước dân chủ.

Vấn đề ở đây là việc thế giới muốn được quản trị như thế nào, nguyên tắc cơ bản nào nên được áp dụng trong quản trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ông Joe Biden có cơ hội tốt để đưa các nước ngồi lại với nhau và thảo luận.

Một số dấu hiệu tích cực trong việc xây dựng liên minh an ninh, kinh tế, công nghệ và quản trị đã xuất hiện thời gian qua, chẳng hạn thông qua việc Anh muốn mời Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại London năm 2021.

Điều này sẽ cần thảo luận rộng hơn nữa. Nếu ông Joe Biden làm được điều này thì đó sẽ là dấu hiệu tích cực không chỉ cho khu vực Đông Nam Á mà cả thế giới, là cơ hội để ông Biden lấy lại vị thế dẫn dắt Mỹ đã bỏ lại những năm qua.

Đây không phải là quay lại quá khứ 5 hay 10 năm trước mà là tiến tới một thế giới mới, một thế giới đa phương hơn. Mỹ không chỉ cần phải chia sẻ sức mạnh cho các đối tác mà cần cho họ tiếng nói lớn hơn trong hệ thống. Đây là điều khó khăn đối với người Mỹ, nhưng lại rất quan trọng trong tương lai.

Dù vậy, bức tranh tổng thể quan hệ Mỹ-Trung được dự báo sẽ không có nhiều thay đổi, nhưng triển vọng sẽ không xấu thêm trong thời gian tới.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/he-lo-cach-tiep-can-cua-tan-tong-thong-my-voi-trung-quoc-628895/