Hé lộ cách Azerbaijan dụ S-300 Nga lộ diện để phá hủy

Azerbaijan dùng một máy bay 'mồi nhử' để dụ S-300 lộ diện, sau đó triển khai UAV tự sát do Israel sản xuất để phá hủy hệ thống của Nga.

Lực lượng Azerbaijan đã sử dụng một phương pháp tinh vi để phá hủy hệ thống phòng không S-300 do Nga chế tạo trong cuộc xung đột với Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh hồi năm ngoái.

Theo tiết lộ của trang tin Middle East Eye, phương pháp đó chính là kết hợp giữa những máy bay một động cơ từ thời Liên Xô với máy bay không người lái (UAV) “tự sát” do Israel chế tạo.

Azerbaijan dùng máy bay mồi nhử để dụ S-300 lộ diện

Chiến lược chiến đấu của Azerbaijan dựa trên việc sử dụng công nghệ UAV tiên tiến tại lãnh thổ miền núi tranh chấp. Chiến thuật này đã giúp Azerbaijan đánh bại lực lượng Armenia trong cuộc chiến kéo dài 44 ngày.

Hệ thống tên lửa S-300 tại cuộc tập dượt lễ duyệt binh Ngày chiến thắng ở Moscow (Nga) năm 2009. Ảnh: Creative Common/Vitaly V Kuzmin/Middle East Eye

Hệ thống tên lửa S-300 tại cuộc tập dượt lễ duyệt binh Ngày chiến thắng ở Moscow (Nga) năm 2009. Ảnh: Creative Common/Vitaly V Kuzmin/Middle East Eye

Theo quân đội Azerbaijan, Armenia chịu thiệt hại lớn về vũ khí của Nga, trong đó có sáu hệ thống S-300.

Một quan chức cấp cao, người được thông báo về tác chiến UAV của Azerbaijan nói với Middle East Eye rằng ban đầu Baku thấy rất khó phát hiện ra S-300 – hệ thống được che giấu và khó phát hiện.

Theo nguồn tin trên, giải pháp đơn giản của Azerbaijan là nước này cần một máy bay “mồi nhử” để dụ và xác định S-300. Azerbaijan sau đó bắt đầu triển khai máy bay nông nghiệp và tiện ích một động cơ Antonov An-2 thời Liên Xô có giá không quá 100.000 USD và luôn có sẵn.

Các kỹ sư của Azerbaijan đã cải biến những máy bay này thành UAV bằng cách thay thế phi công bằng một bộ kit cho phép điều khiển từ xa.

“Những chiếc Antonov sẽ xuất hiện trên radar như UAV cấp quân sự chính hiệu và kích hoạt hệ thống S-300. Và sau đó đạn tuần kích (hay còn gọi UAV tự sát - loitering munitions) Harop do Israel sản xuất sẽ tấn công hệ thống của Nga” – quan chức trên cho biết.

Một hình ảnh vệ tinh được truyền thông Nga công bố hồi tháng 10-2020 cho thấy Azerbaijan đã đưa 50 máy bay hai tầng cánh An-2 tới sân bay Yevlakh, gần TP Ganja của Azerbaijani.

Ngày 1-10-2020, ông Shushan Stepanyan, người phát ngôn của quân đội Armenia cho biết lực lượng nước này đã bắn rơi một chiếc An-2 nhưng không thấy phi công nhảy dù. Điều này dấy lên nghi ngờ máy bay đang được sử dụng như UAV, thu thập thông tin về hệ thống phòng thủ của Armenia.

Ông Can Kasapoglu, giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại viện chính sách EDAM trụ sở Thổ Nhĩ Kỳ nói với Middle East Eye rằng phương pháp này là một cách tiếp cận sách giáo khoa đối với vũ khí Nga.

“Cũng như người Armenia, quân đội Nga sẽ không kích hoạt hệ thống của họ trừ phi họ nhìn thấy mối đe dọa trên radar. Azerbaijan thậm chí không cần thay đổi hình dạng của những chiếc Antonov, chúng chỉ cần xuất hiện dưới dạng UAV quân sự trên radar” – ông Kasapoglu nói.

Trong cuộc xung đột kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11-2020 ở Nagorno-Karabakh, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã cung cấp hỗ trợ chưa từng có cho Azerbaijan.

Tháng 11-2020, Armenia và Azerbaijan nhất trí một lệnh ngừng bắn sau sáu tuần giao tranh dữ dội, sau khi quân đội Azerbaijan chiếm TP chiến lược Shusha.

Lệnh ngừng bắn trao quyền kiểm soát hành chính một số khu vực miền núi cho Azerbaijan, vấp phải giận dữ từ những người Armenia.

Armenia và Azerbaijan bị cáo buộc cố ý tấn công bừa bãi dân thường

Theo đài RT, theo báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế, trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020, cả quân đội Armenia và Azerbaijan cố ý tấn công dân thường, chứ không đơn thuần là chống lại lực lượng đối phương.

Một binh sĩ Armenia khai hỏa trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh năm 2020. Ảnh: Armenian Defense Ministry / PAN Photo / Handout / REUTERS

Báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế tiết lộ hai bên đã tiến hành những cuộc tấn công không cân xứng và bừa bãi nhằm vào những khu vực dân cư, giết chết hàng chục người dân và làm bị thương hàng trăm người khác một cách trái phép.

“Cả chính phủ Armenia lẫn chính phủ Azerbaijan đều phủ nhận tiến hành tấn công bừa bãi vào khu vực dân cư và sử dụng đạn chùm, mặc dù có bằng chứng không thể chối cãi là họ đã làm như vậy” – báo cáo nêu rõ.

Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, số lượng lớn các cuộc tấn công chỉ ra rằng chúng không phải ngẫu nhiên mà có lẽ nằm một phần của chiến lược có chủ ý nhằm gây sức ép và đe dọa đối phương.

“Không có chính phủ nào có thể tuyên bố một cách đáng tin cậy rằng họ không biết gì về các cuộc tấn công nhằm vào khu vực dân cư, sử dụng vũ khí không chính xác bừa bãi gây nguy hiểm cho dân thường”- báo cáo cho biết.

Khi nghiên cứu báo cáo, tổ chức Ân xá Quốc tế nói chuyện với các nhân chứng và nạn nhân của 10 cuộc tấn công vào lãnh thổ Azerbaijan, trong đó có một cuộc tấn công ở Ganja khiến 21 người chết. Về phía Armenia, họ không tìm thấy trường hợp chết hàng loạt nào tương tự, song các cuộc pháo kích thường xuyên của Azerbaijan vào Karabakh đã giết chết hơn 50 dân thường.

Báo cáo kêu gọi Baku và Yerevan điều tra một cách khách quan những vi phạm luật nhân đạo quốc tế, đề nghị hai bên bồi thường đầy đủ và thỏa đáng cho các nạn nhân.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/he-lo-cach-azerbaijan-du-s300-nga-lo-dien-de-pha-huy-970382.html