Hé lộ bí mật về hoạt động của người nước ngoài ở Triều Tiên

Qua phân tích bản đồ di chuyển của người nước ngoài dùng điện thoại ở Triều Tiên, có thể thấy rằng nước này không quá khép kín như nhiều người tưởng.

Đầu năm 2018, hãng ứng dụng điện thoại di động Strava đã gây chú ý trong dư luận khi “Bản đồ nhiệt Toàn cầu” của họ tiết lộ sự di chuyển của những người sử dụng ứng dụng của hãng này trên khắp thế giới.

Hình ảnh một phụ nữ sử dụng điện thoại di động ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên vào tháng 4/2017. Ảnh: AFP.

Hình ảnh một phụ nữ sử dụng điện thoại di động ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên vào tháng 4/2017. Ảnh: AFP.

Lúc đó, phía Mỹ đã lập tức quan ngại khi giới phân tích an ninh cảnh báo rằng Bản đồ nhiệt Toàn cầu này sẽ vô tình tiết lộ cả các vị trí và thói quen của các căn cứ quân sự, bao gồm cả của các lực lượng quân sự Mỹ ở Iraq và Syria.

Góc Triều Tiên trong “bản đồ nhiệt” nói trên đã soi rọi chuyển động của các du khách nước ngoài và có thể của cả một bộ phận các công dân Triều Tiên bên trong lãnh thổ nước này.

Dữ liệu do Strava cung cấp chủ yếu không phải là của công dân Triều Tiên do điện thoại di động của họ bị giới hạn xuống các chức năng rất cụ thể như đọc báo của nhà nước và không truy cập được internet. Ngoài ra, các điện thoại này chỉ được cài các ứng dụng mà chính phủ Triều Tiên phê chuẩn.

Bài viết sau đây (bản gốc tiếng Anh là của tác giả Redfield) phân tích các “mẫu” nổi bật trong bản đồ nhiệt dành cho Triều Tiên và thảo luận các hàm ý về chính sách của Bình Nhưỡng đối với các mối liên hệ giữa công dân Triều Tiên và người nước ngoài.

Bài phân tích này không xét tới các địa điểm như thủ đô Bình Nhưỡng, thành phố Kaesong và núi Kumgang vì đây vốn là các điểm đến nổi tiếng đối với du khách nước ngoài.

Không bị bó buộc vào Bình Nhưỡng

Một suy nghĩ phổ biến trong những người theo dõi Triều Tiên nhưng không phải là công dân Triều Tiên, là người nước ngoài khi tới đây sẽ bị giới hạn vào việc thăm mỗi thủ đô Bình Nhưỡng.

Niềm tin trên được củng cố bởi lập luận cho rằng Triều Tiên không muốn người ngoài nhìn thấy cảnh nghèo túng của hàng chục triệu người dân sống ở khu vực bên ngoài thủ đô. (Thủ đô Bình Nhưỡng là nơi tập trung cao nhất những người trung thành với chế độ.)

Ảnh số 1, của hãng Strava.

Tuy nhiên, theo bức ảnh số 1, Triều Tiên sẵn lòng cho người nước ngoài tiếp cận khu vực ngoài thủ đô.

Khu vực địa lý đầu tiên được nhấn mạnh là thành phố Wonsan. Trong hình 1, mũi tên màu trắng ở góc trái phía trên chỉ về vị trí của Trại Thiếu nhi Quốc tế Songdowon.

Trại thiếu nhi này được khai trương vào thập niên 1960. Mục đích của trại là giúp người nước ngoài được tiếp xúc với văn hóa Triều Tiên, nhằm nuôi dưỡng mối quan hệ giữa Triều Tiên với các quốc gia khác.

Đáng lưu ý, trại này là phương tiện để trẻ em Triều Tiên tương tác với bạn bè đồng trang lứa đến từ các nước như Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Tanzania, và Ireland.

Tuy nhiên, các trẻ em Triều Tiên được đưa vào các cuộc tiếp xúc này thường thuộc “tầng lớp cốt lõi” của xã hội Triều Tiên. Giới phân tích phương Tây cho rằng chính phủ Triều Tiên tin tưởng rằng các trẻ em này sẽ rất kiên trung khi tiếp xúc với người nước ngoài và các em sẽ vẫn trung thành với đất nước Triều Tiên, do đó không đe dọa gây ra bất ổn nào cho chế độ chính trị của nước này.

Thêm nữa, vẫn theo Hình 1, chuyển động của người nước ngoài có vẻ giới hạn quanh các công viên gần đó. Trong khi đó, ở bên ngoài khu vực này là một nhà tù của Triều Tiên, Kyo-Hwa-So, nằm cách trại thiếu nhi khoảng gần 5km. Còn một cơ sở lưu trú của nhà lãnh đạo thì chỉ cách trại thiếu nhi vài trăm bước chân.

Ảnh số 2, của Strava.

Khu vực địa lý thứ 2 nằm gần ngọn núi Chilbo ở tỉnh Bắc Hamgyong. Hình 2 cho thấy một ngôi làng mà người nước ngoài có thể tới đó để sống theo hình thức “homestay” (ở cùng nhà với người dân địa phương). Đây là một điều mới mẻ với Triều Tiên, bởi người ngoại quốc thường bị giới hạn vào các khách sạn được chọn sẵn, mà tại đó việc di chuyển của họ bị giám sát chặt chẽ.

Theo một đoạn video về homestay của nhóm du lịch kinh phí thấp Young Pioneer Tours, hiện không rõ liệu tất cả những công dân Triều Tiên cung cấp dịch vụ homestay có thuộc tầng lớp “cốt lõi” hay không, bởi quần áo họ mặc không giống với tầng lớp tinh hoa ở thủ đô và nước da của họ thường rám nắng, có thể do lao động trên cánh đồng.

Làm chủ cuộc chơi

Như vậy, có thể chính quyền Triều Tiên mạnh dạn để người nước ngoài tiếp xúc với cư dân địa phương ở những nơi xa thủ đô.

Tuy nhiên, Triều Tiên quy định homestay này chỉ kéo dài một năm với mỗi trường hợp và việc đó có thể bị hủy bỏ bất cứ lúc nào.

Khu vực địa lý thứ 3 được đánh dấu là Rason – tên này kết hợp từ tên của các thành phố Rajin và Sonbong.

Hình ảnh số 3, của Strava.

Trong Hình 3, mũi tên thứ nhất chỉ sang Rajin, mũi tên thứ 2 chỉ vào Sonbong, mũi tên thứ 3 biên giới Nga-Triều Tiên, và mũi tên thứ 4 là biên giới Trung Quốc-Triều Tiên.

Rason là một đặc khu kinh tế được thành lập vào năm 1991 nhằm “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư nước ngoài”.

Rason là một trung tâm quan trọng đối với Triều Tiên, bởi đây là thành phố duy nhất nơi Triều Tiên cho phép các doanh nghiệp thuộc sở hữu nước ngoài hoạt động và nơi người Triều Tiên, Trung Quốc và Nga có thể tương tác với nhau hàng ngày.

Năm 2013 hãng CNN công bố các bức ảnh cho thấy khi 40 người phương Tây đạp xe từ Trung Quốc sang Triều Tiên, họ đã được “hàng ngàn người” ở Rason chào đón. Những người dân địa phương này mặc đồ tương tự người ở thủ đô Bình Nhưỡng. Con đường của nhóm đạp xe này có đi qua nhiều ngôi làng.

Tóm lại, nhìn tổng thể, Bản đồ nhiệt Toàn cầu cho thấy người Triều Tiên, cụ thể là những người sống bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng, có nhiều sự tiếp xúc với người nước ngoài hơn người ta vẫn tưởng.

Việc chính quyền chấp nhận quá trình tiếp xúc này có thể xuất phát từ các lý do sau: 1- Họ muốn xây dựng một hình ảnh Triều Tiên mềm mại, hiện đại, nhân văn. 2- Họ muốn có thêm sự tương tác với nước ngoài, nhất là Trung Quốc, để thúc đẩy nền kinh tế Triều Tiên. 3- Chính quyền Triều Tiên tự tin rằng họ có thể làm chủ tốt tình hình.

Nhìn chung, đất nước Triều Tiên không quá khép kín như nhiều người vẫn nghĩ./.

Trung Hiếu/VOV.VN
Dịch từ The Diplomat

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/ho-so/he-lo-bi-mat-ve-hoat-dong-cua-nguoi-nuoc-ngoai-o-trieu-tien-771782.vov