Hé lộ bí ẩn về những vùng chết chóc trên biển

Sự tồn tại của những vùng biển chết chóc ở Vịnh Oman đã được nhận biết cách đây khoảng 50 năm nhưng các nhà khoa học mới đo được biên giới của nó thay đổi ra sao trong những thập niên qua.

Kết quả thu được tồi tệ hơn nhiều so với những gì dự đoán và càng làm tăng lo ngại về những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vùng biển dữ, vào là chết

Vùng chết chóc ở Vịnh Oman đã được nhận diện từ cách đây 50 năm, song trong suốt một thời gian dài các nhà khoa học không thể giám sát tình trạng của nó.

"Biển Ảrập là vùng chết chóc lớn nhất và dày đặc nhất trên thế giới. Cho tới giờ, không ai biết rõ tình trạng của nó tồi tệ tới mức nào vì nạn cướp biển, các cuộc xung đột trong khu vực khiến vùng biển trở thành nơi quá nguy hiểm để tới thu thập dữ liệu", Tiến sĩ Bastien Queste thuộc Trường khoa học môi trường của Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) cho hay.

Hiện giờ, tình hình trong vùng đã "hạ nhiệt" một chút và các nhà khoa học đã điều một số thiết bị lặn không người lái tới tới các vùng chết chóc. Kết quả thu được cho thấy, sự suy giảm của ôxy và sự phát triển của các vùng chết tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán. Các vùng biển chết đã lên tới gần 165.000km2, rộng hơn nhiều bang Florida hoặc Scotland.

"Những vùng biển ít hoặc hoàn toàn không có ôxy rất rộng lớn và ngày càng mở rộng. Đại dương đang bị nghẹt thở", tiến sĩ Queste tổng kết.

Nguồn gốc những vùng biển chết chóc?

Dù các khu vực không ôxy có thể hình thành một cách tự nhiên, nhưng vùng biển chết chóc tại Vịnh Oman lại do con người gây ra, các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan không khí và đại dương quốc gia Mỹ cho biết.

Có rất nhiều yếu tố dẫn tới sự hình thành các vùng chết chóc trên biển. Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng nhất là ô nhiễm dinh dưỡng. Phân bón mà người nông dân sử dụng cuối cùng lại đổ ra biển theo đường nước thải và phá vỡ chu trình ni-tơ, nuôi sống tảo biển.

Theo giải thích của các nhà khoa học, quá trình vi khuẩn ở biển ăn tảo phân hủy là vô hại song vi khuẩn lại sử dụng ôxy cho các chức năng sống còn của nó. Khi vi khuẩn phát triển, nguồn cung cấp ôxy bị cạn kiệt tới mức nguy hiểm.

Hậu quả thảm khốc với con người?

"Mọi loài cá, cây cối thủy sinh và các loài vật khác đều cần ôxy, nếu không chúng không thể sống sót. Đó là vấn đề môi trường thực sự, tác động mạnh tới con người vì chúng ta quá dựa vào đại dương để lấy thức ăn và tạo việc làm", tiến sĩ Queste lý giải.

Tuy nhiên, đó không phải mối đe dọa duy nhất mà các vùng chết chóc trên gây ra.

Khi nguồn cung cấp ôxy ở biển suy giảm, chu trình ni tơ bị ngắt quãng thường xuyên hơn, dẫn tới phát thải ni-tơ ô-xít vào khí quyển, các nhà khoa học thuộc trường Khoa học môi trường UAE giải thích. Loại khí này mạnh hơn các-bon đi-ô-xít 30 lần trong việc tạo ra hiệu ứng nhà kính khiến trái đất của chúng ta nóng lên.

Vấn đề tiếp theo sẽ là tác động nhà kính sẽ khiến tình hình trầm trọng hơn. Các nhà khoa học cho rằng khi nước biển ấm lên thì khả năng giữ ôxy của nó suy giảm, khiến các vùng chết chóc trên biển mở rộng.

Theo Hoài Linh/Vietnamnet

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/he-lo-bi-an-ve-nhung-vung-chet-choc-tren-bien/20210228094017149