Hè của trẻ vùng quê

Do không có khu vui chơi giải trí trong khi các bậc phụ huynh luôn bận rộn với công việc, nên mùa hè của các em là mùa hè trên bờ đê, ruộng lúa...

Nhưng đó không phải là một mùa hè nghèo nàn như ta tưởng, mà là một mùa hè ăm ắp tiếng cười giòn tan.

Ở vùng quê trù phú, người xe vẫn còn thưa thớt, ruộng lúa cò bay thẳng cánh thì những “trò chơi” phổ biến nhất của trẻ em là mò cua, bắt ốc, bắn chim, bẫy cò và vô vàn “trò chơi” không biết gọi tên. Chúng sẽ không có hoặc ít đến những lớp học hè căng thẳng, cũng sẽ chẳng game online, tàu lượn, súng sơn, nhà phao... Dẫu tin chắc rằng, theo bản tính thích khám phá của trẻ con thì đứa nào mà chả mê những trò chơi sống động như trên thành phố.

Các cậu bé ở thôn Ba Du, gần trưa vẫn hì hục bắt cá dưới mương nước - Ảnh: Nguyễn Phúc

Trời đã gần trưa, nhưng giữa mương nước của cánh đồng làng Ba Du (xã Hải Ba, H.Hải Lăng, Quảng Trị), ba cậu nhóc vẫn bì bõm, be bờ tát nước để bắt cá. Mồ hôi nhễ nhại, chân tay lấm láp bùn đen, Quốc Nhật, một cậu bé có 2 cái răng cửa thật to, lém lỉnh nói: “Cứ hai, ba ngày là bọn cháu lại chơi trò này một lần. Trò này vui vì vừa được chơi vừa có cá. Sáng nay, bọn cháu ra muộn nên gần trưa rồi mà chưa được bao nhiêu”.

Nói đoạn, cậu bé nhỏ nhất trong nhóm, phụ trách giữ “chiến lợi phẩm” giở rọ ra cho tôi xem mấy con cá rô, cá mại bé tí nhảy tanh tách. Có vẻ như 3 chú nhóc này quyết tâm đến hết mùa hè này sẽ khám phá hết cánh đồng làng, tát hết những con cá quanh quẩn đâu đây. Tôi hỏi: “Bắt cá để làm gì?” thì Tuấn Anh, một trong ba cậu bé cười khẩy: “Chú hỏi vui vậy. Thiếu gì việc. Nếu cá nhiều và to thì đưa cho mẹ ra chợ bán, còn vừa vừa thì bọn cháu cũng được một bữa cháo ngon”.

Cách đoạn mương không xa là hai cậu bé khác đang “bắt cá một cách thư sinh hơn” - đứng câu. Hai cặp mắt cứ nhìn hau háu vào chiếc phao trôi trên mặt nước, hễ thấy động là cố sức kéo cần. “Hôm nay, bọn cháu câu được nhiều nhưng toàn là cá nhỏ”, một cậu bé quay lại than thở. Và cũng với câu hỏi “bắt cá để làm gì” thì hai cậu nhỏ này ngơ ngác, thật thà nói: “Cũng chả biết để làm gì, không có việc gì làm thì ra câu vậy thôi”. Có vẻ như với hai “ông cụ non” này câu cá chỉ là một thú tiêu khiển tao nhã.

Em Quốc Nhật (trú thôn Ba Du, xã Hải Ba, H.Hải Lăng, Quảng Trị) hăng hái tát nước bắt cá

Còn nhớ cuối vụ lúa rồi, ở Hải Lăng, chuột không biết từ đâu ra từng đàn về phá hoại mùa màng. Và cái nỗi khổ ấy của bà con nông dân lại trở thành trò chơi mới cho lũ nhóc làng quê, ấy là bẫy chuột. “Không gì vui bằng đi bẫy chuột chú ạ, vì vừa được ăn mà vừa có tiền. Này nhé, bắt được con chuột to thì về nhà làm được bữa ngon, còn cái đuôi chuột đem lên hợp tác xã bán, mỗi cái được 400 đồng. Thời cao điểm cứ mỗi ngày bọn cháu bắt được cả trăm con”, hất chiếc mũ màu đỏ chót, một trong hai cậu bé câu cá khoe.

Nói vậy không có nghĩa là mọi trò chơi của trẻ nông thôn đều an toàn. Bởi ở đâu đó vẫn có những cái chết thương tâm bởi những trận thi bơi tự phát, những cái sẩy chân xuống vực, xuống khe. Ở đâu đó vẫn có những tiếng nổ chát chúa, mang sự kinh hãi cho nhiều gia đình bởi trò đi tìm phế liệu của con trẻ.

Nhưng trong cuộc sống, có nơi đâu là thực sự an toàn tuyệt đối? Đôi mắt nào và vòng tay nào của cha mẹ có thể dõi theo con cái mình 24/24 suốt 365 ngày? Vấn đề là những sự trải nghiệm ấy sẽ giúp các bạn nhỏ vững vàng hơn để vượt qua nhiều thử thách tiếp theo. Vậy thì cớ gì mà các bậc phụ huynh không thử một lần cho con em có một “mùa hè trên ruộng đồng”, và những cán bộ Đoàn - Hội nông thôn hãy “vào cuộc và cùng chơi” với các em... Bởi, người Việt vốn sinh ra trên ruộng đồng và khi về với ruộng đồng sẽ được chăm bẵm lớn khôn, sẽ thơm và chắc như hạt gạo.

Nguyễn Phúc

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/he-cua-tre-vung-que-21399.html