HDTC phát triển thế nào sau cổ phần hóa?

Khi có nhà đầu tư tâm huyết với chiến lược phát triển vững chắc, HDTC đã có bước tăng trưởng ngoạn mục …

Khi có nhà đầu tư tâm huyết với chiến lược phát triển vững chắc, HDTC đã có bước tăng trưởng ngoạn mục …

Nhà đầu tư mạo hiểm

Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) tiền thân là doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100 % vốn, trực thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV. Vào những thập niên 80, HDTC được đánh giá là con chim đầu đàn của ngành địa ốc TP.HCM.

Thực hiện chủ trương thoái vốn ở các doanh nghiệp Nhà nước tại TP.HCM, ngày 3/11/2005, UBND TP.HCM có Quyết định số 5603/QĐ-UBND về việc xác định giá trị doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa của HDTC là 3.196.252.635.420 đồng. Trong đó, giá trị thực tế phần góp vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 2.200 tỷ đồng.

Để kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, UBND TP.HCM chỉ giữ lại 30% vốn điều lệ tại HDTC, tương đương 67.257.000 cổ phần; số cổ phần bán ưu đãi cho người lao động của công ty là 702.500 cổ phần, tương đương 0,32%; số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là là 78.000.000 cổ phần, tương đương 34,79% vốn điều lệ; còn lại 34,89%, tương đương 78.230.500 cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai trên sàn cho nhà đầu tư thông thường.

Ngoài số cổ phần bán ưu đãi cho người lao động của công ty, thì gần toàn bộ 70% cổ phần đã được chào bán công khai cho các nhà đầu tư.

Được biết, Công ty cổ phần Việt Hân sau đó đã được UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất, chọn làm nhà đầu tư chiến lược mua 34,79% cổ phần. Sau đó qua phiên đấu giá công khai, công ty mua thêm được 17,35% cổ phần, tổng cộng là 52,14%. Ngoài ra, một số nhà đầu tư khác cũng đã đấu giá thành công để sở hữu 8,67% cổ phần tại HDTC.

HDTC đã hỗ trợ TP.HCM gần 3000 tỷ đồng mở rộng đường Lương Định Của rộng 30 m, giúp thông thương cho người dân Thành phố được thuận lợi cũng như là đòn bẩy góp phần làm cho giá bất động sản tại KĐT An Phú - An Khánh tăng cao

HDTC đã hỗ trợ TP.HCM gần 3000 tỷ đồng mở rộng đường Lương Định Của rộng 30 m, giúp thông thương cho người dân Thành phố được thuận lợi cũng như là đòn bẩy góp phần làm cho giá bất động sản tại KĐT An Phú - An Khánh tăng cao

Cần nhắc lại, trước khi thoái vốn thành công, HDTC đã nhiều lần trầy trật mời gọi nhà đầu tư tham gia vào quá trình tái cơ cấu, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này nhưng đều thất bại. Theo các nhà đầu tư, nhìn vào bản cáo bạch thì tổng tài sản của HDTC thời điểm đem ra chào bán là không có gì đáng kể. Các quỹ đất sạch của Công ty đều đã được đem bán hoặc hợp tác với đối tác, phần còn lại chỉ là đất da beo chưa đền bù, giải phóng mặt bằng nên không có nhà đầu tư chịu mạo hiểm để mua cổ phần chào bán.

Theo Bản cáo bạch tại thời điểm cổ phần hóa, HDTC sở hữu một số tài sản, đáng chú ý nhất là 131 ha đất khu đô thị mới An Phú - An Khánh. Tuy nhiên, nhiều tài sản trong thể hiện trong bản cáo bạch thực tế đã bị lãnh đạo tại đây bán đi hoặc đem đi liên doanh, liên kết, hợp tác với đơn vị khác. Trước khi cổ phần hóa, mặc dù đất chưa đền bù giải tỏa nhưng nhiều khu đất đã bị bán cho đối tác với giá rẻ. Sau khi nhà đầu tư mới tiếp quản thì phát hiện hàng trăm đất nền bị bán với giá 2 triệu đồng/m2, đến nay nhà đền bù hàng trăm triệu đồng/m2 để đền bù, giải phóng mặt bằng số đất đã bị bán rẻ mạt trước đó.

Do đó, với việc xác định giá trị doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa của HDTC là 3.196.252.635.420 đồng, nhiều nhà đầu tư khẳng định mức giá này là quá cao so với thực tế tài sản sở hữu của HDTC. Thế nên, việc nhà đầu tư chi ra 1.700 tỷ đồng để sở hữu 70% cổ phần tại HDTC được đánh giá là là con số rất cao, rất mạo hiểm tại thời điểm đó.

Đại diện HDTC cho biết, mặc dù phải mua cổ phần HDTC với giá cao như vậy, nhưng các cổ đông và ban lãnh đạo đã đưa ra định hướng tầm nhìn chiến lược, quyết tâm đưa HDTC phát triển lớn mạnh không ngừng. Ví dụ tại dự án khu đô thị mới An Phú – An Khánh, lãnh đạo HDTC đã chi hàng nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng khu dân cư, ủng hộ gần 3000 tỷ đồng cho Thành phố giải tỏa mở rộng đường Lương Định Của nên giá trị khu đất hiện nay đã tăng lên rất cao.

Chuyển mình sau cổ phần hóa

Theo Bản cáo bạch, mục tiêu cổ phần hóa HDTC chuyển hình thức sở hữu 100% vốn Nhà nước thành hình thức đa sở hữu, tạo sự thay đổi cơ bản về phương thức quản lý, từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển quy mô, tăng cường năng lực tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao nhằm nâng cao hiêu quả hoạt động của công ty, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước.

Trên thực tế, trong khi các công ty sau cổ phần hóa rơi vào tình trạng lỗ nhiều hơn lãi, người lao động mất việc làm, bộ máy nhân sự tan rã, nợ lương cán bộ công nhân viên triền miên dẫn đến khiếu kiện, tố cáo kéo dài, thì ở HDTC, bám sát mục tiêu cổ phần hóa, nhà đầu tư sau khi mua thành công cổ phần tại HDTC đã không “đem con bỏ chợ” mà giữ nguyên bộ máy, không tinh giảm nhân sự như các công ty cổ phần khác.

Hiện tại, tổng số cán bộ công nhân viên HDTC đã lên đến gần 1.000 lao động. Sau cổ phần hóa, phần lớn các công ty khác đều thay đổi bộ máy nhân sự mới để phục vụ cho những yêu cầu công việc cao hơn sau cổ phần hóa.

Tuy nhiên, HDTC vẫn bảo đảm quyền lợi và duy trì toàn bộ nguồn nhân sự cũ, bố trí lại bộ máy nhân sự đúng người, đúng việc để phát huy tối đa năng lực, sức sáng tạo và hiệu quả làm việc của người lao động, đồng thời có những chính sách tốt thu hút và tuyển dụng thêm nguồn nhân lực mới trình độ cao, có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, trong đó có cả nguồn nhân lực là các chuyên gia đầu tư, công ty tư vấn và thiết kế nước ngoài. HDTC thường xuyên tổ chức những khóa đào tạo nghiệp vụ để cán bộ công nhân viên củng cố và cập nhật những kiến thức mới, phục vụ cho yêu cầu công việc ngày càng cao.

Đối với các trường hợp CBCNV đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng có năng lực chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm và có nguyện vọng tiếp tục được cống hiến, ban lãnh đạo HDTC vẫn quan tâm, tạo điều kiện tốt để người lao động làm việc. Việc điều chỉnh lại mức lương tốt hơn để đáp ứng đời sống ngày càng cao của người lao động cũng làm cho CBCNV vô cùng phấn khởi, toàn tâm trong công việc được giao. Hàng năm, công ty còn tổ chức các chuyến du lịch trong và ngoài nước cho nhân viên nhằm tạo động lực làm việc, tái tạo sức lao động và khơi nguồn sáng tạo mới.

Là đơn vị cổ phần hóa có vốn tư nhân chiếm70%, tuy nhiên HDTC vẫn duy trì và phát huy công tác Đảng, Đoàn vững mạnh với 7 chi bộ đảng vững mạnh và hơn 80 cán bộ công nhân viên là đảng viên. Đảng Bộ và Đoàn Thanh niên thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, chăm sóc đời sống người lao động, các CBCNV gia đình có công với cách mạng, tạo môi trường làm việc vui tươi, năng động bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, đồng thời tham gia tích cực hoạt động phong trào của Tổng công ty…

Sau cổ phần hóa, HDTC đã có tốc độ tăng trưởng nhanh về doanh thu, lợi nhuận và các chỉ số tài chính ấn tượng. Sau hơn 3 năm cổ phần hóa, doanh thu tăng 8.23 lần, lợi nhuận tăng 6.35 lần, tổng tài sản tăng 1.35 lần so với thời còn là công ty nhà nước.

Khác với các cổ đông khác sau khi mua xong cổ phần Nhà nước thì công ty bị bán sớm, chia lợi nhuận để rút ruột công ty, thì tại HDTC, các cổ đông và ban lãnh đạo nơi đây đã có tầm nhìn chiến lược, đưa HDTC đi đúng quỹ đạo và không ngừng phát triển theo như yêu cầu cổ phần hóa của Nhà nước đề ra.

Theo đó, với phần lợi nhuận tăng lên, thay vì chia cho các cổ đông chiến lược và cổ đông mới, HDTC tiếp tục dùng để tái đầu tư, triển khai công tác đền bù, xây dựng cơ sở hạ tầng tại Khu đô thị An Phú – An Khánh (Quận 2) và Khu dân cư An Sương (Quận 12). HDTC cũng tự chi gần 3000 tỷ đồng hỗ trợ UBND TP.HCM giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng tại tuyến đường Lương Định Của, góp phần vào việc chỉnh trang đô thị. Đây là một bước tiến quan trọng, góp phần làm tăng giá trị của bất động sản, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và cải thiện cuộc sống người dân, thay đổi diện mạo tại khu vực.

Ngoài việc nâng cao giá trị Khu đô thị An Phú – An Khánh và Khu dân cư An Sương, với kinh phí đầu tư bằng nguồn vốn tự có, HDTC đã đầu tư thêm nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển và khu công nghiệp ở nhiều địa phương khác. Qua đây có thể thấy rằng HDTC đã và đang chuyển mình, mở rộng thị phần, phát triển thương hiệu HDTC trên toàn quốc, đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động vươn đến các lĩnh vực mới như bất động sản nghỉ dưỡng, khu công nghiệp,… tạo động lực phát triển bền vững cho công ty.

Khánh Vân

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/kinh-doanh/hdtc-phat-trien-the-nao-sau-co-phan-hoa-a286569.html