Một năm sau chiến dịch phong tỏa vì Covid-19: Làn sóng thứ 2 xuất hiện tại Ấn Độ

Đã 1 năm kể từ ngày đầu tiên phong tỏa, Ấn Độ đang đối diện làn sóng Covid thứ 2.

Làn sóng bùng phát Covid-19 thứ 2 xảy ra với Ấn Độ là điều đã được dự báo từ trước. Đây đơn giản là chu kỳ tất yếu của dịch bệnh, đặt trong bối cảnh 3/4 dân số Ấn Độ chưa từng tiếp xúc với virus, chưa có kháng thể với virus SARS-CoV-2. Điều đó có nghĩa Ấn Độ chưa thể có miễn dịch cộng đồng. Chính vì điều này, đại dịch Covid-19 có thể lắng xuống trong một khoảng thời gian nhất định với sự quyết liệt của chính quyền nhưng lại đã tiếp tục tăng trở lại chỉ trong vài tuần của tháng 3.

Ảnh minh họa: India Express.

Ảnh minh họa: India Express.

Hôm qua (30/3), Ấn Độ ghi nhận thêm hơn 56.200 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, đưa tổng số người mắc Covid-19 tại nước này kể từ đầu dịch vượt qua mốc 12 triệu, số người tử vong là hơn 162.000 người. Tính trong 31 ngày qua, tổng số ca dương tính mới tại Ấn Độ đã là 1 triệu, có ngày số ca mắc mới tiến gần tới mốc 70.000 người nhiễm. Đặc điểm của đợt dịch lần này là số ca nhiễm mới chủ yếu tập trung tại 1 vài bang như Maharashtra, Kerala, Tamil Nadu, Andhra Pradesh, Karnataka, và Uttar Pradesh.

Tốc độ lây nhiễm của đợt bùng phát thứ 2 cao hơn đáng kể so với đợt lây nhiễm đầu tiên. Ví dụ trong các ngày từ 14 đến 22/3, số ca dương tính mới tại Ấn Độ tăng tới 150%. Đây là con số đáng quan ngại bởi số ca vẫn đang tăng khi mà chính quyền các địa phương đã thực hiện biện pháp phong tỏa cục bộ, giới nghiêm ban đêm.

Thực tế, chính quyền Trung ương và các bang tại Ấn Độ vẫn duy trì các khuyến cáo và dự phòng Covid-19 suốt thời gian qua. Đặc biệt, năng lực xét nghiệm của nước này đã tăng liên tục trong suốt 1 năm qua để có thể sớm khoanh vùng dịch. Tuy nhiên, việc số ca Covid-19 mới giảm trong khoảng 4 tháng qua đã gây ra tâm lý chủ quan, tự mãn trong người dân.

Tại nhiều địa phương, người dân đã bỏ quên quy tắc đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Đây cũng là điều không thể tránh khỏi khi mà Ấn Độ đã dỡ bỏ gần như toàn bộ các lệnh phong tỏa, hạn chế kéo dài suốt 1 năm qua để khôi phục lại nền kinh tế.

Ấn Độ đẩy mạnh tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19

Ngay từ khi đại dịch bùng phát, Ấn Độ đã xác định tiêm chủng vaccine cho người dân là vũ khí lâu dài để có thể khống chế dịch bệnh. Chính vì thế mà nước này đã dành nhiều tiền của, công sức để nghiên cứu, phát triển các loại vaccine ngừa dịch bệnh này, cũng như mua hợp tác với nước ngoài để mua bản quyền sản xuất thuốc. Lợi thế của Ấn Độ là có ngành công nghiệp dược phẩm rất phát triển, với quy mô lớn.

Đây là điều kiện để Ấn Độ có thể tăng tốc sản xuất hàng loạt các loại vaccine để đáp ứng nhu cầu đang rất cao của thị trường ở cả trong nước và thế giới. Hiện tại, Ấn Độ đang sản xuất vaccine Covishield do Đại học Oxford và công ty dược AstraZeneca nghiên cứu bào chế, và vaccine Covaxin do nước này tự phát triển. 4 công ty Ấn Độ cũng đã đạt được thỏa thuận sản xuất vaccine Sputnik V của Nga ở trong nước. Vaccine Covid-19 đang được Ấn Độ sử dụng như công cụ ngoại giao với thế giới.

Ở trong nước, Ấn Độ đã chuẩn bị rất chu đáo cho chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 kể từ đầu tháng 1. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại của Ấn Độ là tốc độ tiêm chủng có thể không đạt được các mục tiêu đặt ra. Tới nay, nước này đã chủng ngừa được cho khoảng 61 triệu người, tương đương 4,3% dân số. Với tốc độ này, Ấn Độ cần tập trung rất nhiều mới có thể hoàn thành mục tiêu tiêm cho 250 triệu người vào tháng 8. Theo tính toán, mỗi ngày, Ấn Độ cần tiêm được 3,65 triệu liều vaccine và kéo dài liên tục trong khoảng 4 tháng tới.

Việc chính phủ Ấn Độ hạn chế xuất khẩu vaccine vì các mục đích thương mại và ngoại giao có thể cũng vì lý do dịch đang bùng phát trở lại. Nước này phải ưu tiên các mục tiêu trong nước trước khi đáp ứng các đơn hàng của nước ngoài. Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ cũng phải giải tỏa áp lực của dư luận khi tình hình dịch bệnh ở trong nước đang diễn biến phức tạp. Việc xuất khẩu vaccine vào lúc này có thể bị hiểu sai, tác động tới tâm lý của người dân nói chung.

Kịch bản Ấn Độ phải đối mặt

Tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ đang chuyển từ xấu sang tệ hơn. Đây là cảnh báo của một quan chức cấp cao Cơ quan Cải cách thể chế quốc gia (NITI Aayog) hôm qua (30/3). Nếu không thể ngăn chặn sớm đợt bùng phát này, mọi sinh hoạt xã hội sẽ tiếp tục gián đoạn, thậm chí dịch còn có thể lan rộng hơn sang các bang khác. Khi đó, kinh tế Ấn Độ sẽ khó có thể phục hồi trở lại bình thường.

Điểm đáng chú ý là các bang đang có số ca tăng mạnh đều là các bang chủ lực kinh tế của đất nước. Bài toán hiện tại là duy trì mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa đảm bảo kinh tế tăng trưởng. Dự báo cho thấy đợt lây nhiễm hiện tại sẽ kéo dài khoảng 100 ngày, đạt mốc cao nhất vào cuối tháng 4, và khoảng 2,5 triệu người sẽ mắc bệnh trong thời gian này.

Các biến chủng của virus SARS-CoV-2 gây lây nhiễm mạnh như biến chủng tại Anh, Brazil và Nam Phi cùng biến chủng kép mới được cập nhật đều đã được ghi nhận tại Ấn Độ. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy đây là nguyên nhân của lần bùng phát này. Vấn đề chủ yếu vẫn là sự tự mãn, không tuân thủ phòng dịch của người dân.

Hiện tại, giải pháp chống dịch của Ấn Độ vẫn là tiếp tục xét nghiệm, cách ly và phong tỏa cục bộ. Bên cạnh đó là đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine cũng là chìa khóa của vấn đề. Tuy nhiên, chiến dịch này có thành công hay không còn tùy thuộc vào ý thức tự giác và sự hợp tác của người dân./.

Phan Tùng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/mot-nam-sau-chien-dich-phong-toa-vi-covid-19-lan-song-thu-2-xuat-hien-tai-an-do-846992.vov