HĐND tỉnh Hà Tĩnh giám sát công tác quản lý rừng, đất rừng tại các doanh nghiệp

Sáng 23/10, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Hà Tĩnh có các cuộc làm việc với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Chúc A (Hương Khê) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2019.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền chủ trì buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Chúc A

*Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Chúc A quản lý tổng diện tích 14.881 ha, trong đó rừng phòng hộ 6.465,68 ha (rừng tự nhiên 6.434 ha, rừng trồng 6,62 ha, đất trống 21,09 ha) và rừng sản xuất 8.416 ha (rừng tự nhiên 7.870 ha, rừng trồng 545 ha).

Từ năm 2016 tới tháng 9/2019, lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị tuần tra, phát hiện 50 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, thu giữ 87,475 m3 gỗ các loại, tạm giữ 1 xe ô tô, 2 cưa xăng; phối hợp xử lý 2 vụ vi phạm chặt phá rừng, phạt tiền 30 triệu đồng.

Ông Dương Văn Thắng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Chúc A báo cáo công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp của công ty

Từ đầu năm tới nay, nhờ chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng nên trên địa bàn không có vụ cháy rừng nào xảy ra.

Rừng và đất lâm nghiệp được giao cho các hộ nhận khoán nên hiệu quả quản lý, bảo vệ tốt hơn. Việc giao khoán đã tạo được việc làm cho các hộ nhận khoán cũng như một số lao động trên địa bàn, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, bảo vệ môi trường, cảnh quan, nguồn nước, đất đai.

Trưởng phòng Tài chính Doanh nghiệp Sở Tài chính Nguyễn Tân Mỹ: Kinh phí bảo vệ rừng phòng hộ thấp, chỉ đạt 85% theo đơn giá khoán (255.000 đồng/300.000 đồng/ha/năm), suất đầu tư bình quân/ha thấp hơn so với diện tích rừng có cùng điều kiện.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Chúc A là doanh nghiệp đặc thù làm dịch vụ công ích, hưởng lương nhận khoán bảo vệ rừng theo định mức nhà nước nên không có nguồn thu nào khác. Trong khi đó, đơn giá khoán bảo vệ rừng thấp nên khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đời sống lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Vì vậy, công ty mong muốn hàng năm được tỉnh bố trí, phân bổ kinh phí quản lý, bảo vệ rừng kịp thời; đồng thời, có cơ chế hỗ trợ đơn giá khoán hàng năm...

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Chúc A cần năng động, sáng tạo mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền yêu cầu Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Chúc A phải phối hợp tốt hơn nữa với các cấp chính quyền, lực lượng chức năng cũng như các hộ dân được giao khoán rừng để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng một cách tốt hơn, xử lý kịp thời khi có các vụ việc phát sinh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị công ty cần tăng cường công tác bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, canh gác để không xảy ra các vụ cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng.

Bên cạnh việc giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu, hỗ trợ giải quyết kiến nghị, đề xuất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Chúc A về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay kinh phí hoạt động, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền cũng yêu cầu công ty này cần có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn để đời sống cán bộ được ổn định.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng chủ trì buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn.

*Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Cát – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn cho biết, công ty được nhà nước nước giao quản lý hơn 19.903 ha rừng và đất lâm nghiệp, 96% là rừng tự nhiên; trong đó có hơn 7.673 ha rừng phòng hộ, 12.229 ha rừng sản xuất. Công ty hiện có 3 phòng, 1 xí nghiệp sản xuất gạch tuynel Kim Thành, 1 trang trại chăn nuôi lợn nái với tổng số 113 lao động.

Thực hiện Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/ 2016 của Chính phủ, Công ty đã khoán chu kỳ cho 20 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 70,87 ha. Đối với diện tích đất trống, rừng trồng, đất vườn tạp, Công ty tiến hành giao khoán bảo vệ phát triển rừng theo công đoạn cho các hộ gia đình, cá nhân là cán bộ công nhân viên cư trú hợp pháp trên địa bàn các xã lân cận với diện tích 19.812,23ha. Việc cắm mốc ranh giới tại thực địa đã cơ bản hoàn thành, hiện đang chờ cơ quan có thẩm quyền thực hiện xây dựng hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn Lê Tiến Cát: Công ty là đơn vị đầu tiên trong cả nước được Tổ chức chứng nhận GFA cấp chứng chỉ “Quản lý rừng theo hướng bảo tồn các dịch vụ hệ sinh thái tập trung vào việc duy trì trữ lượng cacbon rừng”

Do thực hiện tốt công tác quản lý, tuyên truyền nên trên tổng diện tích công ty quản lý không có tình trạng tranh chấp, lấn chiếm. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn công ty được giao quản lý, sử dụng không để xảy ra cháy rừng; công tác bảo tồn được quan tâm, giám sát thường xuyên nên cơ bản các loại động vật, thực vật, hệ sinh thải rừng tự nhiên được bảo vệ nguyên vẹn, không để xảy ra các tác động xấu ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của rừng.

Nhiều diện tích rừng được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn bảo vệ, phát triển

Đặc biệt, năm 2017, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn là đơn vị đầu tiên trong cả nước được Tổ chức chứng nhận GFA (một trong những tổ chức của Hội đồng Quản lý rừng thế giới) cấp chứng chỉ “Quản lý rừng theo hướng bảo tồn các dịch vụ hệ sinh thái tập trung vào việc duy trì trữ lượng cacbon rừng”.

Bên cạnh những thuận lợi, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn cũng đang gặp một số khó khăn như: việc cấp nguồn ngân sách để chi trả công tác quản lý, bảo vệ rừng chậm và thiếu; trang thiết bị, các công trình hạ tầng phục vụ bảo vệ rừng không được đầu tư, xuống cấp, gây khó khăn trong công tác bảo vệ rừng.

Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn: Những năm qua, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn đã quyết liệt, năng động, sáng tạo trong công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn đề nghị tỉnh tiếp tục đề nghị Chính phủ thực hiện việc chi trả kinh phí bảo vệ rừng theo định mức lao động đã ban hành và cho phép công ty được thực hiện kế hoạch theo phương án quản lý rừng bền vững đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kịp thời chi trả kinh phí bảo vệ rừng; đề nghị hỗ trợ kinh phí để xử lý 959,87 ha rừng nứa bị chết hàng loạt để chống suy thoái rừng, mất rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định…

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Trần Hữu Khanh: Đề nghị công ty tiếp tục làm tốt công tác khoán rừng và đất lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng.

Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn. Đặc biệt, công ty đã năng động, sáng tạo mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh; bám sát các tổ chức quốc tế để làm các thủ tục về cấp chứng chỉ rừng bền vững…

Thay mặt đoàn giám sát, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng ghi nhận Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn những năm qua đã có những nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, ổn định đời sống cho người lao động.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh lưu ý công ty tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng; thực hiện tốt chế độ đời sống cho người lao động; thường xuyên làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, phối hợp với các lực lượng trong việc bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng...

Đối với những đề xuất, kiến nghị của Công ty cũng như những ý kiến góp ý của các thành viên, đoàn giám sát ghi nhận, tổng hợp báo cáo, đưa vào nội dung kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-tri/hdnd-tinh-ha-tinh-giam-sat-cong-tac-quan-ly-rung-dat-rung-tai-cac-doanh-nghiep/181097.htm