HĐND tỉnh giám sát thực hiện Quy hoạch phát triển GD&ĐT tại TP Hạ Long

Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề, sáng 7/10, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, làm việc với thành phố Hạ Long về thực hiện Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chất lượng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên trên địa bàn.

Theo báo cáo của TP Hạ Long, giai đoạn 2015-2020, sự nghiệp GD&ĐT của thành phố có sự phát triển toàn diện và đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến tháng 8/2020, toàn thành phố có 120 trường học, trong đó có 22 trường ngoài công lập, 2.423 lớp (Mầm non: 47 trường; Tiểu học: 21 trường; THCS: 19 trường; TH&THCS: 16 trường; THPT: 17 trường) và 175 nhóm lớp độc lập tư thục, 1 Trung tâm GDNN&GDTX. So với năm 2015 (thành phố Hạ Long và Hoành Bồ chưa sáp nhập), tăng 5 trường, 25 nhóm lớp độc lập tư thục. Quy mô, mạng lưới trường lớp phát triển cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người học trên địa bàn. Toàn thành phố có 68.963 học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông, tăng 16.615 học sinh so với dự báo quy mô, số học sinh độ tuổi đi học đến năm 2020 của Quy hoạch.

Đồng chí Vi Bích Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hạ Long báo cáo việc thực hiện Quy hoạch phát triển GD&ĐT và chất lượng Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn.

Đồng chí Vi Bích Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hạ Long báo cáo việc thực hiện Quy hoạch phát triển GD&ĐT và chất lượng Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn.

Được sự quan tâm của tỉnh, thành phố, các đơn vị trường học trên địa bàn đã được đầu tư hệ thống trang thiết bị công nghệ dạy học tiên tiến. Cụ thể: 33 trường với 244 nhóm lớp mầm non được đầu tư Bộ thiết bị vận động mầm non thông minh; 16 trường với 26 phòng cấp tiểu học, THCS được đầu tư phòng học ngoại ngữ; 4 trường tiểu học được đầu tư bộ thiết bị đổi mới phương pháp dạy học; 38 trường với 833 phòng học được đầu tư phòng học thông minh… mang lại hiệu quả tích cực trong việc đổi mới phương pháp dạy học.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được sắp xếp, bố trí hợp lý, cơ bản đủ về số lượng và nâng cao chất lượng (tính đến tháng 7/2020 có 100% giáo viên đạt chuẩn, 89% trên chuẩn). Giáo dục ngoài công lập được quan tâm, có bước phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Chất lượng giáo dục toàn diện của thành phố Hạ Long tiếp tục được duy trì và nâng cao, là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, thành phố Hạ Long cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Đó là quy mô, cơ cấu, chất lượng đội ngũ nhà giáo chưa phù hợp, còn thiếu giáo viên các môn học, cấp học. Tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh dẫn đến hiện tượng quá tải về số lớp trên trường, số học sinh trên lớp tại những địa bàn đông dân cư, ảnh hưởng đến công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học chưa đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm GDNN&GDTX và vẫn còn thiếu, nhất là tại một số trường, điểm trường trên địa bàn các xã vùng cao của thành phố. Tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS mới đạt 10%, chưa đạt mục tiêu…

Cùng với chủ động rút kinh nghiệm, đề ra một số giải pháp chủ yếu khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới, thành phố Hạ Long đề nghị tỉnh kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT tiếp tục tham mưu việc hướng dẫn thực hiện đầy đủ các nội dung Nghị quyết số 102 ngày 3/7/2020 của Chính phủ (đề xuất giải pháp thực hiện xã hội hóa buổi học thứ 2 trong ngày đối với cấp học mầm non và tiểu học); hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Nghị định số 16 ngày 14/2/2015 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để có thể hướng dẫn một số trường công lập ở vùng có điều kiện triển khai thực hiện tự chủ theo lộ trình đề ra; bổ sung vị trí việc làm cho giáo viên Tin học phục vụ chương trình, sách giáo khoa mới. Thành phố cũng đề nghị tỉnh giao chỉ tiêu biên chế giáo viên theo năm học; tiếp tục có những chính sách, nghị quyết hỗ trợ giáo viên, học sinh các xã vùng cao, vùng khó khăn trên địa bàn thành phố; đồng thời xem xét kéo dài thời gian thụ hưởng của các đối tượng theo Nghị quyết 222 ngày 12/12/2015.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Hạ Long là thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh, với tổng số học sinh chiếm 1/3 học sinh toàn tỉnh. Đặc biệt, sau sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp huyện đặt ra những yêu cầu mới đối với lĩnh vực GD&ĐT trên địa bàn. Thời gian tới, thành phố cần tập trung rà soát kế hoạch phát triển GD&ĐT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên cơ sở tốc độ gia tăng dân số, từ đó ưu tiên dành quỹ đất, bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn 2021-2025, phục vụ phát triển mạng lưới, quy mô trường, lớp. Đồng chí cũng đề nghị thành phố Hạ Long tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho GD&ĐT; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thu Phương

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202010/hdnd-tinh-giam-sat-thuc-hien-quy-hoach-phat-trien-gdampdt-tai-tp-ha-long-2503898/