HĐND các tỉnh, thành phố xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

Nhiều tỉnh, thành phố tổ chức họp HĐND để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển năm 2018.

Tuyên Quang tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Đán/TTXVN

Trong 3 ngày từ 5-7/12, HĐND tỉnh Tuyên Quang khóa XVIII tiến hành kỳ họp thứ 5, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển chủ yếu năm 2018.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã thông qua Nghị quyết thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2018. Theo đó, Tuyên Quang tập trung huy động nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thu hút các dự án công nghiệp thuộc nhóm công nghệ mới hiện đại; chú trọng khai thác tiềm năng để phát triển du lịch, nhằm tạo việc làm, khai thác có hiệu quả điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử.

Tỉnh Tuyên Quang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, Tuyên Quang chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, cơ giới hóa các vùng chuyên canh; đổi mới công nghệ sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến các sản phẩm cây trồng, vật nuôi có lợi thế của tỉnh. Tỉnh tăng cường quản lý các lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao; đổi mới phương thức, lề lối làm việc, tăng cường ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân, nhất là ở cấp cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính…

Đồng chí Nguyễn Thế Giang (giữa), Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Đán/TTXVN

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP tăng trên 8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn gần 17%...

Năm 2017, kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát triển, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, đời sống nhân dân ổn định; 21/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với đồng chí Lê Thị Kim Dung (đã được điều chuyển giữ chức Bí thư Thành ủy Tuyên Quang); bầu đồng chí Nguyễn Thế Giang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang.

Nam Định tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến đầu tư

Tại kỳ họp thứ 5, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021, diễn ra từ ngày 5-7/12, HĐND tỉnh Nam Định đã thông qua các nghị quyết, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Cụ thể là Nghị quyết về xây dựng vùng huyện Ý Yên và Hải Hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các Nghị quyết về: Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực Phủ Dầy, huyện Vụ Bản; mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020…

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 (năm bản lề của giai đoạn 2015 - 2020), tỉnh Nam Định tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, phê duyệt quy hoạch đô thị mới tại các huyện, thành phố; xây dựng khu đô thị Rạng Đông gắn với xây dựng khu công nghiệp dệt may Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng). Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp về đầu tư tại vùng nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Nam Định tiếp tục tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là việc giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai cho doanh nghiệp thông qua đầu mối là Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, chỉ đạo các huyện đầu tư xây dựng các khu đô thị trung tâm, khu dân cư tập trung; đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án chậm tiến độ, tìm biện pháp xử lý các công trình tồn đọng như dự án bệnh viện 700 giường…

Năm 2017, Nam Định đã hoàn thành 18/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nam Định đạt cao nhất từ trước đến nay; tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt gần 1.400 triệu USD, tăng hơn 23% so với năm 2016.

Hà Nam quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại

Ngày 7/12, Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Hà Nam khóa XVIII đã họp phiên bế mạc. Kỳ họp đã thông qua 18 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết quan trọng thuộc thẩm quyền như: Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Nghị quyết về danh mục các dự án thu hồi đất, dự án chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa bổ sung năm 2017 và năm 2018; Nghị quyết về quy hoạch tài nguyên nước tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Nghị quyết quy định mức chi đảm bảo hoạt động của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035…

Cùng với việc tiếp thu, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, lãnh đạo các sở, ngành, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hà Nam đã trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND liên quan đến các lĩnh vực như: Hạ tầng giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi xuống cấp; tiến độ, chất lượng cung cấp nước sạch chưa đáp ứng yêu cầu; vấn đề ô nhiễm môi trường, quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân…

Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Phạm Sỹ Lợi, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam lưu ý: Để Nghị quyết của HĐND tỉnh sớm đi vào cuộc sống, ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh cần tiến hành cụ thể hóa các nghị quyết của HĐND tỉnh để triển khai thực hiện. Các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri; tích cực tham dự kỳ họp HĐND các huyện, thành phố để thông báo kết quả kỳ họp, các nội dung trả lời, kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri...

Thừa Thiên - Huế thực hiện ba chương trình trọng điểm

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Từ ngày 7-9/12, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức kỳ họp thứ V. Trong ngày làm việc đầu tiên, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VII đã thông qua nhiều nội dung quan trọng; trong đó có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Cụ thể, HDND tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt chỉ tiêu phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 7,5 - 8%; thu ngân sách nhà nước đạt 6.830 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 16.000 lao động; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 5%...

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu cho biết: Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tập trung thực hiện ba chương trình trọng điểm về phát triển du lịch - dịch vụ; phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính.

Tỉnh khai thác thế mạnh về du lịch - dịch vụ, phấn đấu thu hút từ 4 - 4,2 triệu lượt khách tham quan, tăng 10-12% (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40 - 45%); khách lưu trú đạt khoảng 2 triệu lượt, tăng 10%; doanh thu du lịch đạt 4.200 - 4.300 tỷ đồng, tăng khoảng 15%. Tỉnh hỗ trợ giải phóng mặt bằng hạ tầng khu công nghiệp; kêu gọi đầu tư nhà ở, hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ công nhân gắn với phát triển khu công nghiệp; mở rộng đầu tư bến số 3 cảng Chân Mây để tăng năng lực vận tải và thu hút khách đến Huế bằng đường biển. Về cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Thừa Thiên - Huế duy trì định kỳ 3 tháng/lần tổ chức diễn đàn đối thoại trực tuyến "Trao đổi và tháo gỡ" của lãnh đạo tỉnh với cá nhân, tổ chức...

Năm 2017, thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp nhưng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nỗ lực phấn đấu đạt 12/13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2017 tăng 7,76% so với năm 2016, thuộc nhóm cao so với các tỉnh khu vực miền Trung. Năm 2017 là năm thứ hai được tỉnh xác định là "Năm doanh nghiệp" với nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực...

Đồng Tháp phát triển du lịch gắn với sản phẩm đặc trưng

Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa IX diễn ra trong hai ngày 6 và 7/12 đã thông qua 28 nghị quyết, trong đó có những nghị quyết quan trọng về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; vốn đầu tư phát triển; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020…

Năm 2018, Đồng Tháp tập trung vào ba chương trình trọng tâm, đó là tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh chương trình khởi nghiệp; thúc đẩy phát triển du lịch gắn với sản phẩm đặc trưng và tạo dựng hình ảnh địa phương.

Năm 2017, ước tăng trưởng GRDP của Đồng Tháp đạt 6,04%, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,47 triệu đồng, thực hiện đạt 13/16 chỉ tiêu đề ra trong năm 2017. Kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển. Nhiều dự án nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả bước đầu. Toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh trong năm qua liên tục được cải thiện. Kết quả đánh giá các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, quản trị và hành chính công cấp tỉnh đều nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Năm 2017, tỉnh đã thu hút thêm 33 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký trên 3.500 tỷ đồng. Các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn diễn ra sôi nổi.

Bình Dương: Chất vấn nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực giao thông

Bình Dương đang chịu sức ép về phát triển kinh tế công nghiệp dẫn đến tình trạng dân số cơ học tăng nhanh. Toàn tỉnh có hơn hai triệu người, trong đó có hơn một triệu người là dân nhập cư đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn bị quá tải, đường xá xuống cấp, ùn tắc giao thông, ngập nước. Đây là vấn đề được đặt ra trong phiên chất vấn ngày 7/12, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đoàn Ngọc Như Tâm, Tổ đại biểu thành phố Thủ Dầu Một nêu tình trạng ngập cục bộ trong thời gian dài trên các tuyến đường khi trời mưa và triều cường vẫn diễn ra, gây khó khăn cho cuộc sống người dân và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra do người tham gia giao thông tránh các vũng nước trên đường. Sau các đợt giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, các điểm ngập cũ lại ngập sâu hơn, có nơi người dân cắm cây cảnh báo tại nơi có hố ga bị mất nắp đậy và bị nước che lấp.

Về ý kiến trên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương Trần Bá Luận cho rằng, trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Dọc hai bên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, người dân tự ý san lấp mặt bằng, mương dọc, hạ lưu thoát nước để xây dựng nhà, công trình, vật kiến trúc lấp hạ lưu thoát nước, dẫn đến ngập nước khi trời mưa. Một số tuyến đường nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của thủy triều, nên thường xuyên xảy ra ngập nước khi triều cường kết hợp mưa. Để giải quyết tình trạng ngập nước trên nhiều tuyến đường, trong nhiều năm qua, UBND tỉnh Bình Dương thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp, tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể, xử lý từng vị trí ngập nước, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thoát nước trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Huỳnh Thị Tuyết Hạnh, tổ đại biểu thành phố Thủ Dầu Một cho rằng, hiện nay với sự phát triển kinh tế- xã hội cũng như tăng dân số cơ học càng ngày càng đông, việc quy hoạch đô thị, hạ tầng cơ sở càng ngày càng phức tạp. Chính vì vậy, nếu không có các giải pháp triệt để và sự phối hợp của các ngành thì ngành Giao thông vận tải không thể hoàn thành các nhiệm vụ để đưa cơ sở hạ tầng cũng như quy hoạch hạ tầng giao thông ngày càng tốt hơn. Với tốc độ phát triển hiện nay, không riêng gì Sở Giao thông vận tải, tất cả các sở, ngành đều có vai trò rất quan trọng. Điều quan trọng nhất là cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ngành chức năng để có thể tháo gỡ vấn đề về cơ sở hạ tầng. Tình trạng tăng dân số cơ học cũng gây ra ùn tắc giao thông, như ùn tắc trên tuyến Quốc lộ 13 hay đường Mỹ Phước-Tân Vạn.

Đề xuất các giải pháp phát triển giao thông trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Trung, tổ đại biểu thị xã Thuận An mong muốn ngành Giao thông vận tải phát triển xứng tầm với phát triển của tỉnh. Theo ông Trung, thực tế thời gian vừa qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Dương hết sức nỗ lực trong việc phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tốc độ phát triển đô thị của tỉnh, cũng như tốc độ phát triển công nghiệp quá nhanh đã làm nảy sinh một số vấn đề khiến người dân cảm thấy chưa hài lòng. Hạ tầng giao thông ở tỉnh Bình Dương hiện chưa có sự chuẩn bị tốt cho sự phát triển là một thành phố thông minh.

Ông Trung đề nghị, trước mắt tỉnh Bình Dương cần tập trung hoàn thiện những tuyến giao thông trong nội thành. Về lâu dài, tỉnh cần đẩy mạnh liên kết giao thông trong vùng, bởi vì Bình Dương nằm trong trục giao thông phát triển của vùng phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai. Nếu tỉnh chỉ phát triển hệ thống giao thông trong phạm vi của riêng Bình Dương thì chưa thể hiện được sự liên kết vùng phía bên ngoài là trục chung quanh giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Điều đó về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Thanh Hóa đặt mục tiêu tăng trưởng trên 15%

Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng: Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, về kế hoạch đầu tư công năm 2018, về chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020...

Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Năm 2018, Thanh Hóa đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng trên 15%, tổng thu ngân sách đạt 21.817 tỷ đồng, thêm một huyện và 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thành lập mới 3.000 doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, Thanh Hóa tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hoàn thành điều chỉnh mở rộng quy hoạch xây dựng khu Kinh tế Nghi Sơn. Tỉnh Thanh Hóa cũng tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút nguồn vốn đầu tư đạt 103.000 tỷ đồng.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề cử tri quan tâm như quản lý giá thuốc chữa bệnh còn nhiều bất cập, có sự khác nhau giữa giá trên thị trường, giá niêm yết tại các hiệu thuốc và giá tại các bệnh viện, việc lạm dụng khám chữa bệnh, thanh toán tiền thuốc ngoài danh mục; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh... Các vấn đề trên đã được lãnh đạo các sở, ngành trả lời thẳng thắn và cam kết sẽ giải quyết những tồn tại liên quan đến ngành được giao quản lý.

Một đại biểu chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 9,08%; chương trình xây dựng nông thôn mới bình quân mỗi xã đạt 14,6 tiêu chí, cao hơn bình quân chung của cả nước. Trong năm, Thanh Hóa ước đón 7 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 27%...

Đà Nẵng tập trung phát triển các ngành kinh tế then chốt

Chiều 7/12, kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX đã tiến hành phiên bế mạc, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Trong đó có Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2018 được các đại biểu HĐND thành phố thông qua với mục tiêu tổng quát: Phát huy thành công sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng 2017, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thành phố, thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới công nghệ. Thành phố đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, tập trung phát triển các ngành kinh tế then chốt, có khả năng cạnh tranh; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; tăng cường quản lý trật tự, văn minh đô thị. Thành phố cũng xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu phát triển Đà Nẵng thành một trung tâm kinh tế của khu vực và tăng cường khả năng liên kết vùng; điều chỉnh quy hoạch chung về phát triển đô thị theo hướng bền vững, xứng tầm, văn minh, hiện đại, trung tâm của khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Một số chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2018 đã được các đại biểu thông qua, theo đó tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tăng 9-10% so với ước thực hiện năm 2017; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 8,8-9,8%; tỷ lệ hộ nghèo còn lại cuối năm 2018 theo chuẩn thành phố còn 1,25%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 3,4%...

Bạc Liêu thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

Từ ngày 5-7/12, HĐND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Kỳ họp thứ 5, khóa IX nhằm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và quyết nghị nhiều vấn đề, nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực.

Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh: Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển, với 16/20 chỉ tiêu do Nghị quyết HĐND tỉnh giao đạt và vượt kế hoạch đề ra là sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh.

HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018 với tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP từ 6,5-6,7%. Nghị quyết tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 20 chỉ tiêu cụ thể cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các mục tiêu quan trọng cần tập trung là: Tiếp tục phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước; chú trọng công nghiệp năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững và quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội, thực hiện tốt an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Các đại biểu HĐND tỉnh Bạc Liêu đã thông qua 18 nghị quyết trên các lĩnh vực, trong đó đáng quan tâm là Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Nghị quyết phê chuẩn Đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động giai đoạn 2018 - 2020; Nghị quyết thông qua tổng số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2018.

Cần Thơ sẽ đưa vào vận hành Nhà máy xử lý chất thải rắn

Nhà máy xử lý chất thải rắn tại Cần Thơ sẽ được đưa vào vận hành cuối tháng 6/2018 là thông tin được ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ báo cáo, trả lời cử tri và đại biểu vào chiều 7/12, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Cần Thơ khóa IX.

Trả lời đại biểu về công tác xử lý rác thải trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: Hiện nay, trung bình khối lượng chất thải rắn trên địa bàn khoảng 650 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 90%. Khối lượng chất thải trên toàn địa bàn thành phố được thu gom, vận chuyển và xử lý tại các bãi rác Ô Môn, Cờ Đỏ và Thốt Nốt, cơ bản đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải trong thời gian Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tại huyện Thới Lai xây dựng. Về tiến độ thi công Nhà máy xử lý chất thải rắn đến nay chủ đầu tư đã thực hiện đạt khoảng 50% tiến độ tổng thể xây dựng, dự kiến đến ngày 30/6/2018 nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức...

Tại kỳ họp này, HĐND thành phố Cần Thơ cũng đã thông qua nhiều nghị quyết, gồm: Nghị quyết về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; Nghị quyết về việc quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Nghị quyết về phát triển ngành cơ khí đến năm 2025; Nghị quyết về việc thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất và các dự án cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/hdnd-cac-tinh-thanh-pho-xac-dinh-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam-2018-20171207194502001.htm