Hãy trở về với Bác của chúng ta!

Thật may! Gần tám tháng, học giả Nguyễn Trần Bạt lâm bạo bệnh, nhưng dường như mệnh và đường âm đức còn dày nên các thày thuốc chưa phải bó tay. Ông Bạt tuổi độ quá thất tuần đã dần dà vượng lại. Và, thời điểm hiện tại đã nhúc nhắc đi lại được. Theo cái lẽ của quy luật sinh - lão - bệnh - tử may chưa vướng, chưa kịch đến cái thang trật cuối cùng!

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là điều hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là điều hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Bác Hồ với các cháu thiếu niên, nhi đồng Ảnh tư liệu: TTXVN

Thường thì phải tĩnh dưỡng khá lâu lâu cho cơ thể kịp hồi cố mọi nhẽ, nhưng theo hẹn đã thấy ông chĩnh chiện ngay tại cái phòng quen thuộc ở đại bản doanh Công ty chỗ đường Thái Hà. Hơi xanh lẫn hơi sút, nhưng cặp mắt vẫn sáng lên ánh nhìn sốt mến cố hữu. Ưu thời mẫn thế, trăn trở với thời cuộc dường như là thứ dưỡng khí không thể thiếu và bập vào công việc là cái cách nghỉ ngơi hữu hiệu với nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt?

Nhà báo Xuân Ba: Thưa anh Bạt, hình như có vẻ anh đang trăn trở nhiều về một cái gì đó?

Học giả Nguyễn Trần Bạt: Nói thật, tôi để cho tình cảm theo đuổi số phận của Đảng cộng sản Việt Nam. Tiếng thở dài của tôi trong bất kỳ thể loại báo chí nào mình từng can dự cũng là tiếng thở dài trước những khó khăn của Đảng. Tiếng cười, tiếng reo của tôi là niềm vui trước sự thắng lợi chính trị của những người cộng sản. Tại sao tôi lại chọn những người cộng sản để thể hiện tình cảm? Tôi nghiên cứu Đảng Cộng sản và bảo vệ nó dựa vào vận mệnh lịch sử của nó, tôi không săn đuổi quyền lợi gì xung quanh Đảng cả. Không ai có thể xuyên tạc động cơ của tôi khi bênh vực những người cộng sản. Tôi cho rằng những người cộng sản chính là số phận của dân tộc này. Tôi có nói với một quan chức trong một cơ quan quan trọng của Đảng rằng: Cho đến hết thế kỷ này, chưa ai làm gì nổi những người Cộng sản Việt Nam.

Vì tôi biết rõ rằng nhiệm vụ của người Việt trong thế kỷ thứ XX là giành độc lập và thống nhất dân tộc. Không thành công thì chúng ta không có dân tộc, không có đất nước như thế này. Thống nhất đất nước là sự lắp ghép các bộ phận khác nhau của một dân tộc lại và nó cũng đẻ ra một số vấn đề…

Bây giờ chúng ta than vãn về đạo đức cũng không phải là chuyện mới. Tôi trăn trở với vấn đề này không ít và tạm dùng ngôn ngữ tuổi teen là nói ngay cho vuông là xin trở lại với Bác của chúng ta để làm chỗ vịn, chỗ dựa!

Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn "Sửa đổi lối làm việc", tổng hợp và vạch rõ những căn bệnh bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của Ðảng ta. Ngày nay, khi chúng ta đang đẩy mạnh học tập, quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thì những giá trị lý luận và thực tiễn trong cuốn sách "Sửa đổi lối làm việc" của Người, một lần nữa được khẳng định và phát huy mạnh mẽ.

Nhà báo Xuân Ba: Trong di sản và cụ thể là trước tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh muốn trích và viện dẫn đoạn cẩm nang nào?

Học giả Nguyễn Trần Bạt: Đó là cuốn Sửa đổi lề lối làm việc. Năm 1947, Hồ Chí Minh viết cuốn này vì ông biết rằng cuộc kháng chiến sẽ thành công. Thắng người Pháp rồi, ông nghĩ ngay tới việc chuẩn bị cho các đồng chí của mình cầm quyền và ông thông báo nỗi lo lắng khi các đồng chí được mình trang bị vũ khí để cầm quyền ấy, liệu còn xem nhân dân là đứa em trong cùng một gia đình hay không.

Cũng cần nói thêm Nhân dân trong tâm hồn Hồ Chí Minh như một nỗi thương cảm, nỗi day dứt, như mục tiêu sống của ông. Nhân dân của chúng ta có một lịch sử lâu dài hàng trăm năm với thân phận đau khổ và lép vế. Và Hồ Chí Minh đã phát hiện ra nhân dân Việt Nam bằng tất cả sự quan trắc về sự thiếu hụt, sự đau khổ, sự bất hạnh và thân phận lép vế của họ. Cuộc cách mạng mà Hồ Chí Minh tạo ra chính là vì nhân dân. Có thể kết luận rằng, mục tiêu số một, mục tiêu tổng thể của đời sống chính trị của Hồ Chí Minh là giải phóng và nâng đỡ nhân dân. Càng nghiền ngẫm, tôi càng hiểu ra một điều là ông quan tâm đến nhân dân của ông, còn cách mạng chỉ là một phương tiện. Nỗi khắc khoải chính trị, nỗi khắc khoải tâm hồn, nỗi khắc khoải văn hóa lớn nhất của Hồ Chí Minh là bảo vệ nhân dân. Những ai muốn tự nhận là học trò của Hồ Chí Minh thì phải hiểu rằng bài học lớn nhất mà Hồ Chí Minh để lại là nhân dân, họ chính là đối tượng trung tâm của đời sống tâm hồn, đời sống tinh thần của một nhà chính trị. Nếu không nhận ra điều đó thì không thể trở thành học trò của ông được.

Tôi khẳng định bản chất của việc học tập các tư tưởng của Hồ Chí Minh là học tập đạo đức của ông cụ. Đạo đức không phải là phẩm chất tinh thần như mọi người nghĩ, đạo đức là vũ khí chính trị, trau dồi đạo đức giống như công việc lau chùi, bảo quản súng.

Một khía cạnh của tầm nhìn Hồ Chí Minh là nỗi lo toan đau đáu của ông về phẩm hạnh của các đồng chí của mình. Trong cuốn Sửa đổi lề lối làm việc, Ông đã nhìn thấy nguy cơ về sự suy thoái chính trị của một tổ chức chính trị cầm quyền từ khi nó mới cầm quyền được một vài năm. Những nỗi lo về sự suy thoái, về sự tha hóa mà quyền lực mang lại cho phẩm hạnh của những nhà chính trị đã xuất hiện trong ông ngay từ ban đầu. Đấy là tầm nhìn lớn. Anh thử lật thử ngẫm cuốn sách mỏng Sửa đổi lề lối làm việc để thấy rằng mỗi trang, mỗi dòng, mỗi chữ của ông là nỗi lo đau đáu về sự tha hóa mà quyền lực mang lại cho các đồng chí của mình. Và nỗi lo ấy được xác nhận bởi thực tế tha hóa, bởi hiện tượng tham nhũng tràn lan như chúng ta đang thấy.

Tầm nhìn của Hồ Chí Minh bao trùm cả những mặt tiêu cực của con người. Tầm nhìn ấy lớn lắm, xa lắm. Thử nối tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với "Di chúc" của Người thì chúng ta sẽ thấy nỗi lo ấy là một đường cong liên tục, có lúc lên, có lúc xuống. Những tham số tham gia vào nỗi lo lắng của ông khác nhau trong từng giai đoạn của cuộc kháng chiến, của cuộc cách mạng, của đời sống chính trị, nhưng nó là một đường cong liên tục. Ông lo nghĩ và đau đáu về sự tha hóa do quyền lực tạo ra cho các đồng chí của mình. Ông dẫn dắt cuộc cách mạng đến ngày thành công bằng sự tiên lượng, bằng sự đánh giá một cách rất cụ thể, rất chi tiết tất cả ưu điểm cũng như thói hư tật xấu của các đồng chí của mình. Ông còn là người hoạch định được tầm nhìn của mình về con người một cách chi li đến mức hiểu được từng con người, từng đồng chí xung quanh. Ông cũng hiểu được tâm lý số đông trong các cộng đồng rộng hơn của các đồng chí của mình. Và ông luôn luôn có một nỗi lo, đó là sự “xổng ra” của các thói xấu sẽ gây hại cho nhân dân của mình. Đấy là nỗi lo lớn nhất và vĩ đại nhất của Hồ Chủ tịch. Đấy không còn là tầm nhìn nữa mà là sự đọc chính tả một cách chi li, lâu dài theo thời gian của một con người vĩ đại thấu hiểu tất cả các thói hư tật xấu của con người.

Tầm nhìn là một đại lượng chung chung, nó lệ thuộc vào chất lượng trí tuệ đằng sau cặp mắt ấy. Chỉ có tầm nhìn không thôi thì chưa đủ, tầm nhìn chỉ phỏng đoán các tình huống chính trị chứ không đủ để tổ chức đời sống chính trị. Chi li đến mức đo đếm khuyết tật của con người và tai họa mà con người có thể gặp trong đời sống mới đủ để tổ chức đời sống chính trị.

Nhốt quyền lực vào lồng

Nhà báo Xuân Ba: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng nhắc tới câu “nhốt quyền lực vào lồng”.

Học giả Nguyễn Trần Bạt: Điều đó cho thấy Tổng Bí thư khẳng định lại thể chế là rất quan trọng. Xây dựng thể chế để kiểm soát quyền lực là rất quan trọng. Nhưng quyền lực ấy chỉ được nhốt nếu thể chế ấy được biểu hiện ra ngoài bằng đạo đức. Thể chế là phương tiện, công cụ khoa học nhưng đạo đức là điều kiện cần và đủ để thể chế có giá trị và được tin cậy.

Sở dĩ Hồ Chí Minh chú ý tới việc trau dồi đạo đức vì ông biết rằng đạo đức chính là vũ khí chính trị, trau dồi đạo đức giống như duy tu, bảo quản súng. Ông cụ có nỗi lo ngay từ khi các đồng chí của mình chuẩn bị trở thành cán bộ về khả năng họ sẽ bắt nạt nhân dân. Đấy là tầm nhìn chính trị. Nhìn thấy các thói hư tật xấu có thể xổng ra từ các đồng chí của mình là mức cao nhất của tầm nhìn chính trị. Chúng ta đều biết rằng, để xây dựng nhà nước người ta có rất nhiều công cụ khoa học, tất cả các công cụ đó về bản chất đều hướng tới việc hạn chế và kiểm soát quyền lực nhà nước. Hồ Chí Minh không nói nhiều đến kiến thức hay lý luận về vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước, nhưng ông có những nỗi lo còn lớn hơn cả kiến thức và lý luận. Bắt đầu từ tình yêu nhân dân mà Hồ Chí Minh hình dung ra sự tha hóa của quyền lực, và bắt đầu từ sự lo lắng cho thân phận của con người mà Hồ Chí Minh thức tỉnh về sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực. Ông chớm hiểu giá trị của quyền lực trong những năm đầu cầm quyền, ông mường tượng và quan sát được những mối nguy hiểm của việc sử dụng quyền lực. Sửa đổi lề lối làm việc có giá trị như một sự thông báo với xã hội chúng ta rằng, luôn luôn cần có các cách thức để kiểm soát quyền lực, nếu không thì đối tượng phải chịu tất cả các thất thiệt do việc lạm dụng quyền lực là nhân dân.

Vì không thể lý tưởng hóa con người một cách hoàn toàn được nên con người luôn luôn đi tìm những cách thức, công cụ để hạn chế việc lạm dụng quyền lực công, đấy là công việc phổ biến trên toàn thế giới. Việc rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức mà Hồ Chí Minh nói trong cuốn sách chính là một đóng góp của ông vào kho tàng các biện pháp để kiểm soát quyền lực. Vậy đóng góp ấy có giá trị không? Cùng với sự phát triển và đa dạng hóa của đời sống thì kiểm soát bằng đạo đức chiếm tỷ lệ không cao trong kiểm soát quyền lực công, nhưng giá trị của nó thì vĩnh viễn. Lúc nào, ở đâu và vào thời đại nào con người cũng phải rèn luyện đạo đức để không lạm dụng quyền lực. Trong thời đại của chúng ta, song song với việc học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh trong việc sử dụng quyền lực công, xã hội vẫn phải xây dựng các thể chế để kiểm soát quyền lực. Xây dựng thể chế để kiểm soát một cách hiệu quả và chặt chẽ việc sử dụng quyền lực nhà nước là nhiệm vụ của những người còn sống. Nhưng trong khi xây dựng thể chế, chúng ta phải luôn nhớ rằng nếu không có đạo đức thì thể chế được xây dựng chỉ có thể hạn chế được cái xấu mà không tạo ra được cái tốt. Ứng dụng các bài học đạo đức từ tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” chính là một cách thức để làm cho thể chế hoạt động có hiệu quả. Chúng ta không thể đối lập hay tách rời giữa đạo đức và thể chế, bởi vì xây dựng thể chế là công việc của nhà cầm quyền, còn rèn luyện đạo đức là để nhân dân thừa nhận nhà cầm quyền. Nếu nhân dân không tin tưởng vào đạo đức của nhà cầm quyền thì nhà cầm quyền sẽ không có cơ hội và điều kiện để xây dựng thể chế.

Không chỉ có thế, việc học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh còn có giá trị ở chỗ nó hướng dẫn mỗi người tìm kiếm tự do cho chính mình. Mỗi con người, dù là người có quyền hay không có quyền mà không có đạo đức thì sẽ bị kiểm soát bằng thể chế, mà kiểm soát bằng bất kỳ cái gì đều là mất tự do. Cho nên, càng rèn luyện, tu dưỡng để có sự trong sáng và ngay thẳng trong tâm hồn thì chúng ta càng tự do. Tự do gắn liền với đạo đức và không bao giờ xa rời đạo đức.

Xuân Ba: Chất lượng cuộc sống có tỷ lệ thuận với thể chế?

Nguyễn Trần Bạt: Chất lượng cuộc sống không phụ thuộc vào thể chế. Mọi người cứ đổ vạ cho thể chế. Tôi nói rằng không có bất kỳ lực lượng nào giữ được trật tự ở Việt Nam nếu không phải là chế độ này. Không phải là chúng ta không có thực tế. Đất nước chúng ta đã chứng kiến một thực tế thất bại với hơn 600 tỷ đô la (thậm chí có những ước tính lên tới hơn 900 tỷ đô la) của người Mỹ với sự huy động 6 triệu lượt người tham gia vào chiến tranh, trong đó 3 triệu lượt người trực tiếp sang Việt Nam và để lại hơn 57.000 người Mỹ thiệt mạng. Quay lại vấn đề của chúng ta, đâu đó trong giới trí thức chưa hiểu được giá trị của Chủ nghĩa Cộng sản đối với vận mệnh của dân tộc mình. Chủ nghĩa Cộng sản không biết có phải là phổ quát đối với các giá trị khác không, nhưng riêng với giá trị độc lập dân tộc của Việt Nam thì Chủ nghĩa Cộng sản là thứ không thể thay thế được, ít nhất cho đến hết thế kỷ này.

Xuân Ba: Hồ Chủ Tịch từng nói “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”?

Nguyễn Trần Bạt: Hạnh phúc không phải là một chỉ số cố định. Hạnh phúc là một giá trị tinh thần. Người Việt nhiều khi không hiểu giá trị hạnh phúc của mình, đi đòi cái lớn hơn khả năng của mình. Người Việt Nam chỉ kém trong việc thống kê thôi, chứ còn kể ra tường tận thì chẳng kém ai cả.

Chúng ta đôi khi tưởng rằng có cái gì hay hơn, lớn hơn thế, nhưng làm gì có. Dần dần anh sẽ thấy người Việt Nam về mặt thống kê học đang từ từ bước lên các bậc cao của phát triển và hạnh phúc. Người Việt đôi khi không biết là mình khá giả. Có những đồng nghiệp của tôi có mức lương nếu tính theo sức mua thì xấp xỉ bằng mức 20.000 USD ở Mỹ, thế mà họ có thấy hạnh phúc đâu. Người Việt nhiều khi đo hạnh phúc bằng những cảm giác vớ vẩn của mình chứ không dựa trên trí tuệ tổng hợp. Nhầm lẫn như thế thì làm sao đo được cảm giác hạnh phúc.

Xuân Ba: Xin cảm ơn sự nhiệt thành tận bờ sát góc của nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt. Hôm nay có lẽ ta tạm dừng ở đây. Như anh nói chúng ta sẽ tiếp tục quan sát thực tế… Một thực tế đặc thù sinh động mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nói, lò đã nóng lên rồi thì không có ai đứng ngoài cuộc cả.

Học giả Nguyễn Trần Bạt và nhà báo Xuân Ba. Ảnh: PV

“Ứng dụng các bài học đạo đức từ tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” chính là một cách thức để làm cho thể chế hoạt động có hiệu quả. Chúng ta không thể đối lập hay tách rời giữa đạo đức và thể chế, bởi vì xây dựng thể chế là công việc của nhà cầm quyền, còn rèn luyện đạo đức là để nhân dân thừa nhận nhà cầm quyền. Nếu nhân dân không tin tưởng vào đạo đức của nhà cầm quyền thì nhà cầm quyền sẽ không có cơ hội và điều kiện để xây dựng thể chế”.

Học giả Nguyễn Trần Bạt

Xuân Ba (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/hay-tro-ve-voi-bac-cua-chung-ta-1407018.tpo