Hãy trân quý Tiếng Việt!

Sinh thời, Bác Hồ muôn vàn kính yêu là Người luôn đề cao việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Với Người, khi viết, khi nói xét thấy ngôn ngữ thuần Việt không diễn tả được thì mới dùng đến các từ có âm Hán Việt hoặc tiếng nước ngoài. Ấy vậy, trong lúc chúng ta đang đề cao văn hóa nước nhà, thì san sát trên đường phố, đâu đâu cũng trưng biển tiếng nước ngoài. Đặc biệt là các khu đô thị, các khu chung cư đời mới … rất sính tiếng Tây với những cụm từ mỹ miều!

Người Việt Nam phải cùng nhau "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt"!: ảnh mang tính minh họa

Người Việt Nam phải cùng nhau "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt"!: ảnh mang tính minh họa

Khi bàn về sự “nhốn nháo” trong lạm dụng sử dụng tiếng nước ngoài, một bạn sinh viên đi xe ôm công nghệ kể: Có lần đưa một bác nông dân chính gốc quê ở Hà Tĩnh ra thăm con trai mới mua được căn hộ chung cư ở Hà Nội. Khi lên xe ngồi rồi, hỏi bác về đâu mà ông vẫn ú ớ không thể nhớ tên khu chung cư con mình sống là gì, đành đưa điện thoại cho xe ôm công nghệ đọc để chở đến.

“Ui trời, trước nó thuê là khu tập thể Kim Liên nói cái bắt xe ôm đến liền, nay cháu nó làm ăn được, mua căn hộ ở chung cư đời mới mà có ghi tên tiếng Việt Nam mô, tên tiếng Anh tui mần chi biết chữ mà đọc”- bác nông dân than thở. Theo bạn sinh viên lái xe ôm công nghệ (làm thêm kiếm thu nhập) thì ra khu đô thị đó tít tận Mỹ Đình. Không chỉ bác nông dân nọ mà đó là tình cảnh chung của những người thân ở quê ra thành phố thăm họ hàng, con cái, nếu muốn tìm đến địa chỉ chỉ còn cách, đưa địa chỉ cho xe ôm, xe taxi chở đến cho chắc.

Mặc dù chưa có thống kê chính thức và chắc cũng chẳng có con số thống kê từ ngành Văn hóa, nhưng theo những gì mắt thấy trong số các khu đô thị, căn hộ chung cư đời mới (xây trong vòng 15 năm lại đây) rất nhiều nơi sử dụng tiếng Anh để đặt tên. Tiếng Việt bị lép vế, các chủ dự án sử dụng rất ít! Trong khi đó, chẳng bàn đâu xa, ngay một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản họ chỉ sử dụng ngôn ngữ nước họ, không lai căng hóa. Không biết luật nước họ có quy định không hay do ý thức của các chủ đầu tư, nhưng tựu chung họ rất trân trọng tiếng nước họ.

Vậy tại sao ở Việt Nam đa số các chủ đầu tư lại ‘sính” lấy tiếng Anh, tiếng Tây đặt tên cho các khu chung cư, khu đô thị đời mới? Trả lời câu hỏi này, một số người cho rằng: Với doanh nghiệp, lợi nhuận là ưu tiên số một. Biết nhiều người có thu nhập trung lưu trở lên sính “Tây”, nên đặt tên bằng tiếng Tây cho các khu chung cư dễ bán hàng hơn.

“Một quý cô thành đạt, ở một khu chung cư mang tên Tây như Queen, như King… có lẽ thể hiện đẳng cấp hơn khi đặt tên như khu chung cư Nam Đồng, Tràng An đại loại thế”- một nhà phân tích nói. Ừ cứ cho đặt tên Tây cho “sang” để dễ bán nhà, nhưng với khách hàng xét cho cùng khi mua nhà đa số quan tâm đến 03 yếu tố: Vị trí, giá cả, chất lượng và tiện ích sử dụng. Nếu cả 3 yếu tố này đều đáp ứng được thì có đặt tên chung cư bằng Tiếng Việt gì chăng nữa chắc chắn khó còn căn hộ để bán chứ đừng nói ế. Bởi thế, xét cho cùng cũng lỗi bởi “trình” của các chủ đầu tư mà thôi.

Khi chúng ta đang nói và cổ vũ cho khẩu hiệu hành động “quốc gia khởi nghiệp” thì trước tiên chúng ta phải tự hào, gìn giữ những gì mà cha ông để lại, trong đó có “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Bác Hồ từng dạy: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Bởi vậy, hỡi những ai còn sính theo tiếng Tây, bỏ tiếng Việt để đặt tên theo tiếng Tây hãy xin một lần đọc những vần thơ của Lưu Quang Vũ: “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn/Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá/Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình”! Hoặc Huy Cận:“Nằm trong tiếng nói yêu thương/Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời/Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi/Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con/Tháng ngày con mẹ lớn khôn,/Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha/Đời bao tâm sự thiết tha/Nói trong tiếng nói lòng ta thuở nào…”!

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hay-tran-quy-tieng-viet-115945.html