Hãy tiếp sức các thầy cô giáo

'Ác mẫu', 'bạo hành', 'là người hay là thú'… là những từ ngữ mấy ngày qua, dư luận xã hội đang nói về ngành giáo dục. Vụ việc cô giáo lên lớp 'suốt 3 tháng không nói gì với học sinh' ở huyện Nhà Bè chưa lắng xuống thì cộng đồng mạng lại một phen dậy sóng với đoạn video clip ghi lại hình ảnh cô giáo được cho là có hành vi bạo hành đối với trẻ tại một trường mầm non công lập có tiếng trên địa bàn quận 1.

Xâu chuỗi hàng loạt sự việc trước đó như cô giáo bắt học sinh quỳ, phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng, dùng thước đánh bầm tím chân học sinh, chưa bao giờ ngành giáo dục phải mang hình ảnh nặng nề bởi liên tiếp những tiêu cực nhiều đến thế.

Đã có rất nhiều bài báo phân tích, mổ xẻ nguyên nhân của bạo lực học đường, lấy ý kiến các chuyên gia cũng như bình luận, kiến nghị giải pháp dưới nhiều góc độ của những người trong và ngoài ngành giáo dục. Nhưng con số đó không thấm gì so với hàng triệu lời bình luận, ý kiến của độc giả sau mỗi bài viết đăng trên báo hoặc trên các diễn đàn xã hội. Áp lực vô hình đó khiến không chỉ giáo viên - người trực tiếp gây ra sai phạm - mà tất cả những người cùng chung tập thể sư phạm, từ hiệu trưởng, hiệu phó, các đồng nghiệp trong trường, thậm chí cả nhân viên bảo vệ đều sợ nghe điện thoại mỗi khi có cuộc gọi đến từ số máy lạ.

Chiều 10-4 vừa qua, người viết đã chứng kiến ánh mắt ngơ ngác, thậm chí sợ sệt của một giáo viên Trường Mầm non 30-4 (quận 1) vào giờ đón trẻ khi có quá nhiều người lạ, ống kính máy quay phim, chụp hình chĩa vào từng ngóc ngách trong trường khi sự việc cô giáo bạo hành đang trong quá trình xử lý và hiện cô giáo trong đoạn clip đã ngưng đứng lớp.

Hay trước đó, trong vụ cô giáo lên lớp “suốt 3 tháng không nói gì với học sinh”, khi sự việc đang được Ban giám hiệu Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè) làm rõ nguyên nhân và xem xét mức độ sai phạm thì đã có rất nhiều lời bình luận ác ý về giáo viên đó, từ nói công khai trước cổng trường đến gián tiếp qua các trang mạng xã hội như “cô giáo thần kinh”, “ác quỷ đội lốt người”… Áp lực khiến một người xin nghỉ phép tạm lánh về quê, người kia toan có ý định tự tử vì không muốn ảnh hưởng đến cả tập thể.

Giáo dục cũng như bất kỳ ngành nghề nào khác trong xã hội, ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm, không có ngoại lệ. Tuy nhiên, cách mà dư luận đang phán xét, quy trách nhiệm những người có liên quan đang bị chi phối quá nhiều bởi hiệu ứng đám đông, lấy cái sai của một người che lấp toàn bộ cố gắng của cả tập thể. Bên cạnh đó, giáo viên cũng là một người bình thường với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố trong cuộc sống, khó tránh khỏi những lúc có hành động bộc phát hoặc lời nói thiếu kiềm chế.

Dù mang trên mình sứ mệnh thiêng liêng là “trồng người”, song cũng đã và đang chịu không ít áp lực từ sứ mệnh đó, các thầy, cô giáo có quyền đòi hỏi được… sai lầm trong quá trình hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, miễn là sai lầm đó không gây hậu quả quá nghiêm trọng và không mang tính chất cố ý. Nhưng trên thực tế những vụ việc gần đây cho thấy, chỉ cần một lời tố giác, một hình ảnh tiêu cực bị tung lên mạng xã hội thì ngay lập tức giáo viên phải chịu áp lực khủng khiếp từ sự buộc tội của xã hội. Dù giáo viên đã nhận sai và sẵn sàng chịu mọi hình thức xử lý của đơn vị thì dư luận vẫn không ngừng lên án, không cho người phạm tội được hưởng bất kỳ sự khoan hồng nào để có cơ hội sửa chữa sai lầm.

Đặc biệt, khi học sinh đã hòa giải với cô giáo, cô trò ôm nhau khóc như một lời khẳng định gạt qua hết mọi hiểu lầm, cùng nhau phấn đấu vì kết quả thi học kỳ 2 phía trước; hay khi phụ huynh đã chấp nhận lời xin lỗi của giáo viên bạo hành con mình, đồng ý không cho con chuyển trường mà chỉ yêu cầu nhà trường tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn cho trẻ thì dư luận vẫn truy đến cùng sai phạm, thậm chí “ném đá” cả đơn vị, cả ngành giáo dục dựa trên lý lẽ “con hư tại mẹ”.

Cả nước hiện có hơn một triệu thầy, cô giáo đang công tác ở các bậc học. Mỗi người có hoàn cảnh sống và điều kiện công tác khác nhau. Vì vậy, sẽ rất bất công nếu vì một, hai hình ảnh xấu, mang tính chất cá biệt, xã hội lại “thương cảm” cho sự xuống cấp đạo đức của cả ngành giáo dục.

Lĩnh vực nào cũng có người làm tốt, người chưa. Xin hãy có cái nhìn công bằng và nhân văn hơn đối với những người đang gánh trên vai trọng trách đặc thù này! Chưa kể, dưới tác động của nền kinh tế theo cơ chế thị trường, mối quan hệ thầy - trò, giáo viên - phụ huynh và truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã ít nhiều thay đổi. Vì vậy khi có bất kỳ xung đột nào xảy ra trong trường học, cần xem xét trách nhiệm ở cả hai phía, người dạy lẫn người học. Và quan trọng hơn hết, sứ mệnh “trồng người” chỉ có thể hoàn thành khi niềm tin được tiếp sức…

THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hay-tiep-suc-cac-thay-co-giao-511377.html