Hãy thay đổi để hội nhập!

Trước kia, nước ta là nước nông nghiệp sản xuất quy mô nhỏ. Do sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, khí hậu và khả năng kỹ thuật thấp nên mỗi năm nhà nông chỉ làm 2 vụ lúa (chiêm và mùa), thời gian còn lại làm thêm ít hoa màu ở ruộng nhà, vườn nhà. Thời gian rảnh rỗi nhiều, nên sau Tết Nguyên đán bà con tổ chức lễ hội ở địa phương, bởi vậy nên trong 1 năm, nước ta có tới gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ, tập trung chủ yếu vào mùa Xuân, có những lễ hội kéo dài hàng tháng. Cũng bởi vậy nên ca dao cổ mới có câu: Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà... Dần dà việc đi lễ hội đầu năm trở thành thói quen, phong tục, tập quán 'ăn chơi' sau Tết Nguyên đán.

Ngày nay, sản xuất của đất nước đã bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, theo đó, sản xuất nông nghiệp cũng có bước phát triển với mùa vụ nối tiếp nhau, sản phẩm ngày càng đa dạng, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu và thực tế là đã trở thành quốc gia có thứ hạng cao về xuất khẩu nông sản. Vậy nhưng thói quen “ăn chơi” trong tháng Giêng vẫn tồn tại trong nhiều người, không chỉ ở nông thôn mà còn trong cả tâm thức một số không nhỏ cán bộ, viên chức, công chức. Bởi vậy, sau những ngày nghỉ Tết chính thức, là chuỗi ngày không ngắn, kéo dài đến hết tháng Giêng, có khi sang cả tháng Hai, tháng Ba để người ta du xuân, đi lễ hội, đi cúng lễ ở đền, chùa, phủ, miếu,… ở khắp các địa phương khác nhau nhằm cầu tài, cầu lộc cho bản thân, gia đình,… trong năm mới. Thói quen này đã đem đến nỗi bức xúc và hình ảnh không đẹp trong mắt người dân, đối tác làm ăn đối với nhiều đơn vị, nhất là các công sở.

Thật ra việc du xuân, đi lễ đầu xuân là nét văn hóa mang đặc sắc Việt Nam, qua đó giáo dục tinh thần yêu nước và là một lĩnh vực có thể khai thác phục vụ ngành công nghiệp không khói - du lịch, đem lại công ăn việc làm cho nhiều người, giúp tăng thu nhập cho cư dân địa phương. Nhưng vấn đề đặt ra là, quản lý sao cho các lễ hội có những điểm khác biệt. Đặc biệt là việc quản lý cán bộ, viên chức, công chức để họ không bỏ bê công việc, dùng thời gian của những ngày làm việc cũng như phương tiện của Nhà nước vào việc du xuân, lễ bái này. Đồng thời cần giáo dục ý thức tiết kiệm, xóa bỏ sự ồn ào, chen lấn, thói vụ lợi thực dụng ích kỷ, đốt vàng mã và những trò mê tín dị đoan của người đi lễ cho cả cộng đồng. Quản lý chặt chẽ để loại bỏ kiểu kinh doanh chặt chém và các trò chơi, các kiểu kinh doanh phản văn hóa, nhất là khi cúng ta đã, đang hội nhập sâu với thế giới.

Hiền Trang

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/hay-thay-doi-de-hoi-nhap-post1972.html