Hãy tha cho cá chép!

Không biết từ khi nào người dân Hà Nội đã (buộc phải) quen với hình ảnh hàng ngàn người tràn kín lòng đường Tây Sơn mỗi khi mùa dâng sao giải hạn về. Và thế là diễn ra cảnh tréo ngoe, bạn có thể bị công an xử lý nếu bất cẩn khi tham gia giao thông trên đoạn đường gần đó, nhưng với người lấn chiếm lòng đường thì lại được công an cắt cử bảo vệ!

Thời mới mở cửa, mọi người cũng mới bắt đầu quay trở lại sinh hoạt tín ngưỡng, thôi thì chúng ta còn “nghe ngóng”. Cả năm mới có một lần dâng sao, thôi thì nhường nhịn một bộ phận người dân có tín tâm. Cầu mong những gì an ổn, tốt đẹp đương nhiên là điều đáng khích lệ. Nhưng nhiều năm, trước tình hình vẫn có xu hướng tăng trưởng đều đặn, nhiều chức sắc Phật giáo đã lên tiếng: dâng sao giải hạn (khác với cầu an) không phải là lễ được quy định trong Phật giáo. Và điều quan trọng nữa là không nhà chùa nào lại quy định một số lệ phí đi kèm với mỗi “hồ sơ” giải hạn. Tùy tâm mới là tinh thần đạo Phật.

Một số người cho rằng chùa chiền không phải nơi cầu cúng mà là nơi để tĩnh tâm tu học. Xin thưa những việc đó không loại trừ nhau. Tất nhiên là những thầy tu sẽ thiên về việc mở mang tri thức, và dẫn dắt người dân cũng là một sứ mệnh của họ. Nhà chùa nói nộp tiền dâng sao giải hạn đi, dân thường ai mà chả nghe, chả muốn nương nhờ gửi gắm… Cho nên việc này khó mà trách người dân được. Họ mải làm mải ăn, đâu có thời gian nghiên cứu sự khác nhau giữa Đạo giáo, Phật giáo hay bái vật giáo (!). Cho nên nếu một số người có đi cúng vái hòn đá, con rắn hay con cá… cũng nên được thông cảm. Nếu nhân đó mà họ có hành động quá khích ảnh hưởng đến cộng đồng, đến xã hội - cứ theo luật mà xử thôi.

Sự mong mỏi những điều tốt đẹp xảy đến với mình, với gia đình mình, đất nước mình… là nhu cầu, là bản năng của mỗi người. Sự đời càng nhiều vấn đề phức tạp ngoài tầm tay, thì lòng mong mỏi trong người ta càng nhiều. Nhưng xem ra như Việt Nam vẫn còn yên bình so với khá nhiều nơi trên thế giới đầy rẫy bất ổn này.

Việc các tục lệ xưa nay người người nhà nhà vẫn cắm đầu cắm cổ làm theo không cần nghĩ, nay được mang ra mổ xẻ cũng là tín hiệu tốt của một xã hội dần tiến tới văn minh. Có những phong tục từng là biểu hiện của tiến bộ nhưng nay đã không còn phù hợp, bỏ bớt âu cũng là sự thường. Giống như niềm tin vào Ông già tuyết sẽ được hoan nghênh khi ta còn là đứa trẻ, chứ lớn lên rồi thì phải thôi.

“Bản thân việc đốt vàng mã là việc đốt hình nhân thế mạng thay người thật trong các tôn giáo của phương Tây, phương Đông trước đây. Khi nhà Hán của Trung Quốc nghĩ ra việc này, nó mang ý nghĩa thay cho việc hiến sinh người thật để tế thần. Như vậy là rất tiến bộ, văn minh”, GS.TS Đỗ Quang Hưng cắt nghĩa trên báo chí. Ngày nay con người đã vượt thời mông muội một khoảng khá xa, nên việc nâng tầm hành động thêm một bước cho phù hợp với nhận thức là điều cần thiết. Không thể nào đánh đổi môi trường, đánh đổi chính sức khỏe của bản thân cũng như tương lai của các thế hệ tiếp nối bằng việc chặt đốn những cánh rừng vô tội vạ để đáp ứng những nhu cầu quá xa xỉ như sản xuất vàng mã để đốt và thu lại CO2 chứ cũng không có gì hơn. Những người ở bên kia thế giới (nếu họ vẫn ở đó) chắc cũng chẳng vui vẻ gì khi người thân ở hạ giới phải hít khói độc vì mình. Mà nếu họ phải trông chờ vào mấy mảnh giấy tái chế để “sống” ở dưới thì cũng chẳng có quyền năng gì để mà phù hộ chúng ta đâu. Nên tốt nhất đừng trở thành gánh nặng của họ thông qua việc xin xỏ.

À mà đừng tưởng tục hiến sinh đã biến mất khỏi Việt Nam! Đơn cử trong lễ cúng ông Táo, người dân tùy ý vẫn đốt cá chép giấy hoặc thả cá chép sống hoặc cả hai cách cho chắc. Nhưng cá sống vừa thả xuống đã có người chờ sẵn để bắt đem bán lại hoặc đơn giản đem về rán. Thế chả phải là cúng bái để cho vui, cho… đỡ rảnh hay sao?!

Nói chung trong thời đại mở cửa thông tin này, ai không tìm hiểu trước khi hành động chỉ có thiệt. Không khéo lại lâm vào tình trạng cả đời cứ xì xụp khấn khứa hai chữ “hạ mã”. Rồi lại bảo sao đời mình toàn “xuống ngựa”, mãi chả “lên xe”…

Nguyễn Mạnh Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/hay-tha-cho-ca-chep-1246950.tpo