Hãy sống hết mình cho mỗi ngày

Một triết gia Ấn Độ ở thế kỷ trước đã nói một câu danh ngôn để đời: 'Hãy sống hết mình mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng ta được sống' (Every day should be passed as if were to be our last). Đây là một mệnh đề triết học hết sức rộng lớn, hết sức minh triết, đã là đề tài thi Triết học của nhiều cấp học ở nhiều trường trên thế giới.

Bài viết nhỏ này chỉ dám đề cập tới một ý nhỏ: Ta đang được may mắn sống trên cõi đời này và ta hãy sống hết mình vì nó.

Những ai có may mắn được tiếp cận với văn học, nghệ thuật Xôviết ở thế kỷ XX hẳn không quên tác phẩm vĩ đại “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Ostrovsky với những nhân sinh quan và thế giới quan vô cùng cao cả, vô cùng nhân ái, biết hy sinh vì người khác của nhân vật Paven Korchagin cùng đồng đội đã biết dũng cảm đương đầu với khó khăn gian khổ để dựng xây một xã hội mới. Không ai quên được những bài hát động viên con người với những lời ca bất hủ: “Người ta chỉ sống có một lần thôi/ Cho nên đời sống quý giá vô ngần/ Phải sống sao cho ra sống/ Để chết đi không còn luyến tiếc gì!”. Lời của bài hát này đã vang vọng trong nhiều năm cho đến mãi mãi trong tâm hồn những con người chân chính, biết yêu quý và muốn cống hiến cho cuộc sống tươi đẹp này mà ai cũng chỉ có may mắn được sống có một lần.

Vậy thì cái ý nghĩa số một của cuộc sống là gì? Có nhiều tác giả nêu nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nữ tiểu thuyết gia người Anh Georges Eliot (1819–1896) đã tổng kết một cách ngắn gọn nhất, đúc kết một ý nghĩa giản dị mà cao quý của cuộc sống như sau: “Chúng ta sống để làm gì, nếu chẳng phải để làm cho đời sống của nhau bớt khó khăn đi?”. Mãi cảm ơn Georges Eliot vì ông đã chỉ dẫn cho con người một lối sống vị tha, biết nâng đỡ, biết hy sinh vì người khác, vì đồng bào, vì đồng loại. Từ ý tứ này của Eliot ta càng hiểu rõ thêm ý nghĩa của bài hát Xôviết đã nêu: Phải sống sao cho ra sống, để chết đi không còn luyến tiếc gì. “Phải sống sao cho ra sống” là sự hy sinh tuyệt vời của các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã đánh tan bọn phát xít Hitler để cứu cả nhân loại trong cuộc chiến tranh Thế giới thứ hai (1939–1945). “Phải sống sao cho ra sống” là sự phấn đấu hy sinh suốt đời cho người bệnh của Mẹ Theresa, người đã được phong Thánh; của bà Florence Nintingale, người đã được nêu gương là “Ngọn đèn đứng gác” trong y văn thế giới. Và, còn biết bao tấm gương người tốt việc tốt trong xã hội mà ta gặp hàng ngày, hàng giờ đã và đang phấn đấu cho lý tưởng “phải sống sao cho ra sống”.

Vậy những kỹ năng sống nào giúp ta “sống cho ra sống”? Cần nhớ lời dạy của triết gia - nhà thơ Pháp Marie Jean Guyau (1854–1888): “Người ta chỉ được gọi là sống trọn vẹn khi người ta biết sống vì người khác”. Đây là kỹ năng sống mang tính kim chỉ nam cho từng con người, cho cả loài người, chỉ đáng tiếc là thực hành nó rất khó. Vì sao? Vì bản chất con người là “tham, sân, si” (lời Phật dạy). Ai sinh ra, lớn lên, nếu không được giáo dục kỹ lưỡng của gia đình, của nhà trường, của xã hội thì đều phát triển “cái tôi”, nghĩa là ích kỷ, tham lam, chỉ muốn hơn người, thấy ai xinh đẹp hơn, giầu có hơn đều có lòng ghen tức với người ta. Thế thì còn đâu mà vì người khác được nữa. Đặc biệt chúng ta đang sống ở thế kỷ XXI, tràn ngập những “cái tôi” từ phương Tây tràn sang cùng với sức mạnh của Công nghệ 4.0, của Tự động hóa, của Trí tuệ nhân tạo. Nhiều nhà giáo dục phương Đông đã rất lo ngại về thực tế mặt bằng Đạo đức xã hội ngày nay sa sút nghiêm trọng. Con cái bỏ rơi, vô ơn với ông bà, cha mẹ. Tỷ lệ ly dị trong các cặp vợ chồng trẻ ngày càng gia tăng vì những lý do đề cao đồng tiền, đề cao vật chất và hạ thấp nghĩa vụ, hạ thấp bổn phận làm người, làm vợ, làm chồng. Rất may ở nước ta, các nhà giáo dục, các nhà làm luật pháp, thông tin, văn hóa đã tổ chức những phong trào giáo dục, nêu gương những Anh hùng lao động, gương hy sinh tận tụy của những người tốt, việc tốt, đã như những ánh sáng mới, soi tỏ những con đường nhân sinh quan đúng đắn. Gương những người trước lúc ra đi còn có nguyện vọng hiến giác mạc mắt, hiến thận, hiến gan, hiến tim để cứu giúp người khác đã chẳng chứng minh cái kết quả của các phong trào giáo dục lòng Từ thiện, Nhân đạo đó sao. Rồi hàng triệu người đã hiến máu nhân đạo trên khắp cả nước để cứu chữa cho bao nhiêu bệnh nhân thập tử nhất sinh đã chẳng chứng minh cho cái đạo lý cao đẹp “sống vì người khác” đó sao?

Lẽ dĩ nhiên để rèn luyện phẩm chất làm người, đức hạnh làm người là một quá trình phấn đấu suốt đời, không phút nào được ngơi nghỉ. Đúng như nhà triết học vĩ đại người Thụy sĩ – Jean Jacques Rousseau (1712–1778) đã tổng kết: “Đức hạnh là một cuộc chiến và để sống trong nó, chúng ta phải luôn chiến đấu với bản thân mình”.

Chiến đấu với bản thân mình là chiến đấu với cái tôi, ích kỷ, hẹp hòi, bảo thủ, chỉ muốn “ăn người”... Nhà văn, luật sư và chính trị gia người Pháp Francois Antoine Boissy (1756–1826) đã thẳng thắn lên án: “Chỉ sống vì mình thì không đáng gọi là sống”.

Cũng với cái ý giáo dục con người của Boissy, ca dao Việt Nam cũng có một lời nhắc nhở rất hay: “Ích kỷ hại nhân, hại người thì ít, hại thân thì nhiều”.

Xin tạm sơ kết lại trong mấy ý: Ai cũng chỉ được sống hạnh phúc dưới ánh mặt trời lung linh chói lọi có một lần, nên ta phải hết sức trân trọng cái hôm nay, cái ở đây, cái ngay bây giờ. Cái quá khứ, dù có huy hoàng hay gian khổ cũng đã là quá khứ. Cái tương lai thì còn xa vời, biết lúc nào đến. Sao không biết quý trọng nâng niu cái hiện tại, biết yêu quý và xả thân vì nó mới thực là xứng đáng, mới thực là thành công, mới thực là con người trưởng thành và hiểu rõ lẽ sống thực tế có đạo lý. Cần nhớ lời nhắc nhở của thiên tài soạn kịch người Anh gốc Ireland Bernard Shaw (1856–1950): “Đừng tiếc cái hôm qua, đừng đợi cái ngày mai và quan trọng nhất là đừng bỏ cái hôm nay”.
Chúng ta đang sống ở cuối thập niên thứ hai của thế kỷ XXI nên cũng cần phải bắt kịp với nhịp sống mới, tức là nhịp sống của Thế giới mạng, của Tự động hóa, của văn minh công nghiệp. Vấn đề là ở chỗ phải biết cân bằng giữa quyền lợi với nghĩa vụ, giữa đóng góp với hưởng thụ. Ta không thể nào đồng ý với một triết gia người Đức đã quá khắt khe khi dạy các sinh viên: “Đời là một bổn phận chứ không phải một cuộc vui chơi”. Sống như thế thì cay nghiệt quá, vất vả quá, cần phải biết cách hài hòa.

Ta cũng không nên tán đồng với cái khẩu hiệu sống gấp sau đây ở một tiệm bán kem lớn ở Bangkok: “Life is ice cream, enjoy it before it melts” (Đời là một ly kem, ăn nhanh lên trước khi nó chảy hết). Sống như thế thì chụp giật quá, vội vàng quá, khốn khổ quá, còn gì là thi vị nữa.

Để khép lại bài viết về kỹ năng “Hãy sống hết mình mỗi ngày” tưởng không gì khái quát hơn, không gì cụ thể hơn, không gì thiết thực hơn là ta nên theo cách suy nghĩ khôn ngoan của người Trung Đông: “Hãy cố gắng làm việc như phải sống đến 100 năm, hãy cố gắng hưởng thụ cuộc đời như ngày mai phải chết”.

Trần Hữu Thăng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/hay-song-het-minh-cho-moi-ngay-tintuc444225