Hãy nhắc thật nhiều rằng anh rất yêu em!

Những độc giả Việt yêu thơ hình như ai cũng thuộc một bài hay ít nhất một câu thơ của Olga Berggoltz, bởi bà được coi là 'nữ hoàng thơ tình nước Nga'. Đọc thơ Olga, người phụ nữ nào cũng tìm thấy bóng dáng mình trong đó, tâm trạng mình trong đó và cánh mày râu thì sẽ hiểu nhiều hơn một phần nhân loại được tôn vinh là 'phái đẹp'. Nhà thơ, dịch giả Bằng Việt - người có công đem rất nhiều thơ Olga đến với bạn đọc Việt chia sẻ: 'Sự bộc bạch nội tâm đầy cuốn hút và cách thể hiện giản dị mà hết sức chân thành trong thơ Berggoltz cũng là một thế mạnh đủ sức gây ấn tượng, ngay khi người đọc bắt nhịp được với 'điệu tâm hồn đích thực' của tác giả: 'Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ/ Cái nóng êm ru màu trời không chói/ Mùa hè rớt - cho những người yếu đuối/ Cứ ngỡ ngàng như mới bắt đầu xuân!/ Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng/ Khe khẽ như không nhẹ nhàng phơ phất/ Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất/ Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu!' (Mùa hè rớt)

Nữ thi sĩ nổi tiếng nước Nga Olga Berggoltz và tượng

Nữ thi sĩ nổi tiếng nước Nga Olga Berggoltz và tượng

HỒNG NHAN TRUÂN CHUYÊN

Olga Berggoltz sinh năm 1910 tại Saint-Peterburg. Năm 1924, Olga bắt đầu có thơ đăng trên báo tường. Năm 1925, cô gia nhập nhóm văn chương thanh niên “Thế hệ”. Năm 1926, Olga kết hôn với nhà thơ Boris Kornilov và con gái đầu lòng Ira ra đời. Olga Berggoltz đi Kazakhstan làm phóng viên của báo Thảo nguyên Xô Viết rồi trở về Leningrad làm biên tập ở một số tờ báo và xuất bản một số tập thơ, truyện và gây được tiếng vang. Cũng trong giai đoạn này, Olga ly dị Kornilov và cưới Nikolay Molchanov. Cuối thập niên 1930, Berggoltz liên tục gặp bi kịch trong cuộc sống. Hai con gái là Irina và Maya lần lượt qua đời. Năm 1938, đến lượt Boris Kornilov bị kết án nhầm và bị xử bắn, bản thân Olga cũng bị bắt giam vì liên hệ với “kẻ thù của nhân dân”. Năm 1939, bà được trả tự do. Trong suốt 900 ngày Leningrad bị bao vây, Olga Berggoltz ở lại thành phố quê hương, bà làm việc ở đài phát thanh, hàng ngày kêu gọi người dân bảo vệ thành phố của mình. Thời gian này, bà viết những trường ca nổi tiếng về những người bảo vệ thành phố Leningrad: Nhật ký tháng hai và Trường ca Leningrad. Olga Berggoltz có câu nói nổi tiếng được khắc trên bức tường của nghĩa trang Liệt sĩ Leningrad: “Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên.”

Có lẽ những biến động trong cuộc sống riêng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách và con người Olga. Bà sống cô độc và khép kín. Nhà thơ Bằng Việt kể: “Bản thân tôi dù dịch thơ Berggoltz đã khá lâu và cũng sang nước Nga thường xuyên, nhưng tôi chưa một lần gặp bà dù tôi đến Hội Nhà văn Liên Xô nhiều lần, đến cả Chi hội Nhà văn Moskva, Chi hội Nhà văn Leningrad nay là Saint Petersburg và nhiều tỉnh, thành khác, gặp gỡ và nghe khá nhiều nhà thơ Liên Xô nổi tiếng đọc thơ, nhiều người cùng thế hệ của bà. Hình như càng về cuối đời, Olga càng có phần sống khép kín”. Phải chăng một phần vì thế mà thơ Olga càng lắng đọng và lấp lánh kết tinh cảm xúc?

NGƯỜI ĐÀN BÀ THƠ

“Em giấu giếm nỗi niềm khổ sở/ Của hờn ghen xuống tận đáy tâm hồn/ Tưởng tới anh cùng một cô gái nhỏ/ Không phải mình - tươi sáng, đáng yêu hơn! Mới chỉ nghĩ vậy thôi đã muôn mảnh tim rời/ Rạn vỡ cựa mình đau đớn trong lồng ngực/ Anh yêu ơi, giữa bao điều vô thức/ Hãy nhắc thật nhiều rằng anh rất yêu em/ Em lại trở về giản dị đáng yêu thêm/ Em sẽ không còn ghen tuông cay đắng nữa” (Em thầm cay đắng ghen tuông)

Điều nhận thấy trước tiên trong thơ Olga có lẽ là “vị đàn bà chân thật”, khi yêu nàng cũng ghen tuông, hờn giận, lo lắng như tất cả những người phụ nữ khác và luôn mong đợi nghe người đàn ông của mình nói một câu muôn thuở: Hãy nhắc thật nhiều rằng anh rất yêu em!

“Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi!/ Mưa thầm thì rơi mãi lúc chia ly/ Mưa tối rầm nhưng ấm áp nhường kia/ Mưa run rẩy trong ánh trời chớp lóa/ Anh hãy cố vui lên dù con đường hai ngả/ Tìm hạnh phúc bình yên trong ấm áp cơn mưa!”(Mùa lá rụng).

Một thời, câu “Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi” từ bài thơ Mùa lá rụng đã trở thành quen thuộc với nhiều người Việt khi nói đến vẻ mong manh, quyến rũ, tinh tế “chết người” của phái nữ. Thơ Olga Berggoltz đưa độc giả về thế giới lãng mạn nhưng không cầu kỳ, gần gũi nhưng không thô ráp nên dễ đồng điệu cùng người đọc:

“Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn/ Em mới hiểu, bây giờ anh có lý/ Dù chuyện xong rồi, Anh đã xa cách thế!/ Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo...” (Bài thơ cuộc đời - Gửi Boris Kornilov).

Người đàn bà trong thơ Olga là người đàn bà đã trải qua nhiều khúc ngoặt của cuộc sống, nàng không quá hồn nhiên, quá ngơ ngác. Nàng hiểu mình và hiểu đời. Nàng chấp nhận số phận, tin yêu đến tận cùng bởi vì nàng biết giá trị của mất mát và hạnh phúc. “Không phải thế! Anh được yêu, anh có biết/ Vĩnh viễn anh là yêu dấu của em/ Em không tha thứ cho anh điều gì hết/ Cũng chẳng buông đôi tay ấm dịu hiền/ Anh không khiến em xa lánh được anh đâu/ Dù phẫn nộ, hay buồn đau thống khổ/ Em nhìn thấu chặng đường dài gian khó/ Rất xa xăm và bí ẩn với đời anh/ Chỉ có em đủ sức cùng anh/ Chỉ có em thôi/ bên anh trên con đường anh xa lắc!” (Không phải thế! Anh được yêu…).

Dù cuộc đời trải qua nhiều cay đắng, bất hạnh nhưng Olga vẫn giữ tình yêu nồng nàn trong trái tim, khát vọng tin yêu trong tâm hồn. Tình yêu dạt dào như sông Neva nơi quê hương nữ thi sĩ đã lan tỏa cùng nhiều thế hệ người yêu thơ Việt Nam, để nhớ mãi về một người đàn bà thơ cùng những áng thơ tình tuyệt tác: “Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm/ Ta biết lắm thời gian đang tiễn biệt/ Nhưng mãi đến bây giờ ta mới biết/ Yêu thương - giận hờn - tha thứ - chia li...” (Mùa hè rớt)

VŨ THANH HOA

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202003/hay-nhac-that-nhieu-rang-anh-rat-yeu-em-893712/