Hãy ngưng giải cứu vải thiều, dưa hấu!

(VnMedia) - Theo các chuyên gia, với những loại nông sản chỉ có một mùa, thu hoạch trong thời gian ngắn như vải thiều, cần phải có biện pháp sơ chế hoặc chế biến để tránh tình trạng năm nào cũng phải "giải cứu".

Cần phải ngưng giải cứu nông sản

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 chuyên đề Nông nghiệp: "Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt", bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, con át chủ bài của nông nghiệp Việt Nam là chất lượng và giá trị gia tăng.

Liên quan đến câu chuyện “giải cứu” nông sản đang diễn ra thời gian qua, bà Kim Hạnh thẳng thắn chia sẻ: “"Chúng ta nên ngưng "giải cứu", và tìm giải pháp đi sâu vào chế biến. Vải thiều chỉ có một mùa nên cần tìm cách chế biến để quả vải "không chỉ có một mùa" nữa". Tuy nhiên, theo bà Hạnh, muốn làm được những điều này cần nghiên cứu thị trường và sản phẩm".

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cũng cho rằng, vải thiều là sản phẩm có chu kỳ ngắn nên cần khâu chế biến sâu.

Theo ông Toản, vấn đề căn cốt là chất lượng sản phẩm phải đáp ứng được tiêu chuẩn thị trường. “Một quả chôm chôm mất 9 năm đàm phán mới có thể xuất khẩu đã cho chúng ta thấy các về đề cần tháo gỡ. Ngoài ra, Việt Nam cần đầu tư hạ tầng thương mại. Hiện chúng ta có hơn 8.000 chợ gồm chợ đầu mối, chợ loại II, siêu thị nhưng hành vi tiêu dùng của người dân là "tiện đâu mua đó" chưa phân loại”, ông Toản chia sẻ.

Chúng ta nên ngưng "giải cứu", và tìm giải pháp đi sâu vào chế biến. Ảnh minh họa

Về dài hạn, ông Toản cho biết, mấu chốt là tổ chức nông dân lại với nhau, liên kết với nông dân bằng mô hình hợp tác xã. Toàn bộ phần đầu vào giao cho hộ nông dân, đầu ra giao cho hợp tác xã. Như vậy người nông dân có thể kiểm soát cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cũng chia sẻ, át chủ bài của nền nông nghiệp vẫn là cơ chế chính sách ngoài dòng vốn.

"Theo tôi thấy, các doanh nghiệp hiện chưa mạnh dạn đầu tư. Về thị trường, hiện nay Việt Nam có 6 thị trường xuất khẩu chính chiếm tới 77% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việc lệ thuộc một số thị trường chính cũng là vấn đề. Vì vậy, Việt Nam cần thay đổi quy mô sản xuất giúp doanh nghiệp tìm kiếm thêm cơ hội. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới", ông Hải cho hay.

Doanh nghiệp nông nghiệp cần áp dụng công nghệ

Cũng tại Diễn đàn, ông Vũ Trường Ca - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lina Network cho rằng, mặc dù nông nghiệp Việt Nam đang được Chính phủ đẩy mạnh hỗ trợ tốt, có nhiều chính sách giúp đỡ người nông dân, nhưng các doanh nghiệp vẫn luôn gặp phải trường hợp được mùa mất giá, được giá mất mùa, hay mất mùa và mất luôn cả giá, và thường xuyên phải tiến hành giải cứu. "Như vậy có thể thấy, nông nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường", ông nhận định.

Theo ông Ca, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu xem thị trường cần gì và nếu ứng dụng được công nghệ thì sẽ giải quyết bài toán dễ dàng. Bởi, thị trường cần phải có sản phẩm minh bạch, bất biến, an toàn, chuẩn hóa, truy xuất mọi lúc mọi nơi liên kết chuỗi với nhau.

"Công nghệ Blockchain hiện nay trên thế giới rất mạnh, có thể thay thế, đảo lộn toàn bộ hoạt động của xã hội trong tương lai. Đơn cử như câu chuyện của Internet 25 năm trước, có nhiều người nói rằng không quan tâm. Thế nhưng ngày nay Internet len lỏi vào từng hộ gia đình. Đối với Blockchain cũng tương tự như Internet 25 năm về trước, hiện nay quy mô phát triển thế giới còn rất sơ khai, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để ứng dụng công nghệ này", ông Trường Ca nói.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Công ty VietTrace Verified cho biết, Blockchain được nhắc đến như một phương thức có thể được dùng trong các mô hình nông nghiệp và mang lại tính ứng dụng khá cao. Nhưng hiện nay, tính ứng dụng của công nghệ Blockchain vào sản xuất nông nghiệp hầu như là mô hình thử nghiệm chứ chưa có mô hình thực tế cụ thể áp dụng rộng rãi.

"Chúng tôi cần một mô hình công nghệ thật tốt để liên kết với nông dân và áp dụng tính thực tiễn của nó vào sản xuất một cách hiệu quả nhất có thể", bà Hồng Minh nói.

Ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc công ty Agricare lại cho rằng, đầu tiên là phải thay đổi toàn bộ thói quen tập quán và tư duy của bà con nông dân. Bên cạnh đó, phải trang bị tư duy và công cụ cho nhà quản lý, nhất là nhà quản lý địa phương.

Trước vấn đề trên, ông Thắng đề xuất, Việt Nam cần có hành lang pháp lý tốt nhất cho việc này, nhất là ưu tiên công nghệ sáng chế trong nước.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201806/hay-ngung-giai-cuu-vai-thieu-dua-hau-605018/