Hãy mở lòng đón nhận 'Kiều' với hình ảnh, âm thanh và câu chuyện của một tác phẩm điện ảnh

Khi một tác phẩm văn học đã trở thành kiệt tác, hoặc được chứng nhận bởi thời gian, tức là có nhiều giá trị và tất nhiên hấp dẫn nhiều nhà làm phim. Tuy nhiên, phim chuyển thể bao giờ cũng chịu sự so sánh với bản gốc. Khi chuyển thể sang phim, bắt buộc phải có sự thay đổi, nếu không sẽ chỉ là hình ảnh minh họa của tác phẩm văn học. Vấn đề ở đây là thay đổi cái gì, thay đổi như thế nào để tác phẩm điện ảnh có sức sống riêng. Để làm được điều này, tài năng đạo diễn rất quan trọng.Khi một tác phẩm văn học đã trở thành kiệt tác, hoặc được chứng nhận bởi thời gian, tức là có nhiều giá trị và tất nhiên hấp dẫn nhiều nhà làm phim. Tuy nhiên, phim chuyển thể bao giờ cũng chịu sự so sánh với bản gốc. Khi chuyển thể sang phim, bắt buộc phải có sự thay đổi, nếu không sẽ chỉ là hình ảnh minh họa của tác phẩm văn học. Vấn đề ở đây là thay đổi cái gì, thay đổi như thế nào để tác phẩm điện ảnh có sức sống riêng. Để làm được điều này, tài năng đạo diễn rất quan trọng.

Những điểm sáng của phim Kiều

Trong hơn 200 năm ra đời và tồn tại, Truyện Kiều của Nguyễn Du là một "tượng đài" của văn học Việt. Thậm chí, cách đây gần một thế kỷ, năm 1924, nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã viết "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn". Nhưng cũng hơn 200 năm tồn tại, Truyện Kiều mới chỉ được chuyển thể 3 lần thành phim. Điều này cũng cho thấy, đây là tác phẩm đầy thách thức đối với nền nghệ thuật thứ bảy.

Sau hai bộ phim Sài Gòn Nhật thực, Kiều@ chỉ mang hơi hướng của tác phẩm Truyện Kiều, thì mới đây, bộ phim "Kiều" được xem là khá sát với Truyện Kiều cũng bị dư luận chê không tiếc lời.

Kiều và Thúc Sinh trong một cảnh phim

Kiều và Thúc Sinh trong một cảnh phim

Phim "Kiều" có kinh phí khoảng 30 tỉ đồng, quy tụ ê kíp hùng hậu như: tác giả kịch bản kiêm đạo diễn hình ảnh NSƯT Phi Tiến Sơn, điều hành sản xuất Trần Bửu Lộc (từng đạo diễn Cô Ba Sài Gòn), họa sĩ thiết kế Vi Ngọc Mai, quay phim Quyết Trần, nhà thiết kế phục trang Thủy Nguyễn, giám đốc âm nhạc Huy Tuấn, huấn luyện diễn xuất bởi Kathy Uyên…

"Kiều" là lát cắt giai đoạn Thúy Kiều gặp Thúc Sinh và tập trung vào câu chuyện tình tay ba đầy éo le giữa Thúy Kiều- Thúc Sinh- Hoạn Thư. Bộ phim bắt đầu từ cảnh Thúy Kiều (Trình Mỹ Duyên) bị bán vào lầu xanh với giá 400 lượng vàng. Chịu nhiều khổ cực dưới tay Tú Bà (ca sĩ Phương Thanh đóng), Kiều được Thúc Sinh (Lê Anh Huy) cứu khỏi lầu xanh.

Thấy chồng si mê người đẹp, Hoạn Thư (Cao Thái Hà) lên kế hoạch hãm hại nàng. Thúy Kiều từ đó trở thành người hầu ở Hoạn gia. Hoạn Thư được Hoạn Bà (NSND Lê Khanh đóng) tiếp sức, đã hành hạ tinh thần Kiều, mượnKiều để khiến Thúc Sinh phải đau đớn thì mới thỏa cơn ghen tức... Phim kết ngay ở diễn tiến của mối tình tay ba này.

Đạo diễn, diễn viên Mai Thu Huyền chia sẻ: "Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một tác phẩm văn học kinh điển mà bất cứ người Việt Nam nào cũng biết nên khi làm phim rất áp lực và cảm thấy khá liều lĩnh khi quyết định chuyển thể tác phẩm này đưa lên màn ảnh rộng. Thời lượng trung bình của 1 phim điện ảnh chỉ có 90 phút nên không thể mô tả chi tiết suốt quãng đời 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều với số lượng nhân vật rất lớn như trong truyện, vì vậy chúng tôi chỉ chọn một giai đoạn mà theo đánh giá của tôi và ê-kip là hấp dẫn nhất để đưa lên phim. Ngoài ra, đối tượng khán giả chính đến rạp xem phim hiện nay là giới trẻ nên phải lựa chọn cách tiếp cận mới, sáng tạo để phù hợp với thị hiếu của khán giả ngày nay".

Tạo hình Kiều trong bộ phim cùng tên

Đạo diễn Mai Thu Huyền nói thêm: "Bộ phim chỉ là một lát cắt về cuộc đời của Thúy Kiều, xoay quanh mối quan hệ tình cảm và những ràng buộc giữa 3 nhân vật chính: Thúy Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư với thông điệp đề cao khát vọng tình yêu và tự do, cũng như nỗi thống khổ của phận đàn bà thời xưa".

Điểm sáng của bộ phim là diễn xuất của Cao Thái Hà trong vai Hoạn Thư. Với kinh nghiệm 10 năm theo đuổi điện ảnh, nữ diễn viên 30 tuổi đã thể hiện được bi kịch người phụ nữ không có được tình yêu của chồng mình - nỗi đau tột cùng của người phụ nữ trong mọi thời đại. Bên cạnh đó, diễn xuất của hai diễn viên trẻ trong vai Thúy Kiều - Thúc Sinh cũng được ghi nhận là tròn vai.

Dù chỉ là một lát cắt của Truyện Kiều nhưng thông điệp của "Kiều" chưa bao giờ là cũ và chuyện phim cũng mang giá trị vượt thời gian.

Điểm mạnh không thể phủ nhận của bộ phim đó chính là những cảnh quay quá đẹp trải dài khắp chiều dài đất nước. Được biết, ê kíp sản xuất đã có hành trình hơn 2.000 km từ miền Bắc về miền Trung, đến những nơi vách núi cheo leo, rừng sâu hun hút, thác nước hoang sơ tại Huế, Cao Bằng, Quảng Trị, Quảng Bình, Phú Thọ, TP.HCM... để quay hình bối cảnh "đẹp như mơ" cho phim "Kiều".

Hãy khích lệ những tác phẩm văn học lên phim

Trước làn sóng "khen – chê" về phim Kiều, người viết bài này liên tưởng đến nhận định của diễn viên Hạnh Thúy chia sẻ mới đây trên trang cá nhân rằng nhiều người viết phê bình phim như "đòn thù". Viết như thế có khi làm phim xong nhiều người không dám chiếu.

Một cảnh trong phim Kiều

Đạo diễn Trần Cảnh Đôn cho rằng với những tác phẩm văn học kinh điển, bao giờ cũng có nhiều cách tiếp cận, diễn giải hoặc lựa chọn những lát cắt khác nhau tùy theo mục đích. Và lần này, tôi thích cách tiếp cận của tác giả bộ phim "Kiều" (đạo diễn, nhà sản xuất Mai Thu Huyền) vừa công chiếu. Rất sáng tạo nhưng cũng giữ được nét tinh túy của tác phẩm. Lát cắt Kiều- Thúc Sinh – Hoạn Thư cũng là một lựa chọn thông minh thú vị. Ai cũng biết đưa một tác phẩm đồ sộ của cụ Tố Như lên phim là một sự dũng cảm, thậm chí liều lĩnh, khi mà câu chuyện và tính cách của nhân vật đã quá quen thuộc trong dân gian bao đời nay. Tuy nhiên đạo diễn đã tạo nên bất ngờ trong cách xử lý của mình, nhất là với vai Hoạn Thư và Đạm Tiên.

Sau khi xem xong phim "Kiều", Nhà Kiều học, đạo diễn, diễn viên Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Phim làm có nghề, đầu tư kỹ lưỡng, hơn đứt nhiều phim thương mại khác cùng loại về bối cảnh, trang phục, đạo cụ.

Diễn viên Quyền Linh đánh giá: ""Kiều" là một bộ phim thu hút mà tôi muốn được xem đi xem lại".

Còn nhà sản xuất Minh Hà chia sẻ: "Kiều là một bộ phim cổ trang cực kỳ đẹp và hoành tráng. Tôi nghĩ với cái tâm vô cùng lớn dành cho văn học Việt Nam, cùng với công sức, tiền của, nhiệt huyết mà các nhà làm phim tư nhân đã bỏ cho bộ phim cổ trang Kiều thì rõ ràng xứng đáng để cổ vũ, khích lệ, để dòng phim này còn được nhiều nhà sản xuất, đạo diễn khác cùng bắt tay làm, giúp đa dạng về thể loại, thêm nhiều màu sắc cho điện ảnh Việt".

Đúng vậy, hãy mở lòng với những sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật đừng bằng đôi mắt quá khắt khe mà cần cái tâm khích lệ đối với những sáng tạo.

Nền điện ảnh lớn của Trung Quốc với các tác phẩm kinh điển Tây Du Ký, Thần điêu đại hiệp cũng phải có đến dăm bản khác nhau, rồi chuyện khen chê là điều dĩ nhiên. Và không phải vì quá khen rồi mà người đi sau không dám tiếp tục làm, hay ngược lại vì chê mà nhụt chí dừng bước. Hãy cứ để các nhà làm phim Việt Nam dũng cảm chuyển thể các tác phẩm văn học nổi tiếng thành phim.

Khi xem một tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ văn học, cần sự công tâm của công chúng với tinh thần thoát khỏi cái bóng một tác phẩm văn học - văn bản chữ viết để mở lòng đón nhận những hình ảnh, âm thanh và câu chuyện của một tác phẩm điện ảnh./.

Nguyên Nguyên- Thanh Xuân

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hay-mo-long-don-nhan-kieu-voi-hinh-anh-am-thanh-va-cau-chuyen-cua-mot-tac-pham-dien-anh-20210412111921949.htm