Hãy làm từ thiện đúng cách, bảo đảm an toàn, đạt hiệu quả tốt nhất

Trong những ngày qua, cả nước hướng về miền Trung ruột thịt đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ lụt lịch sử, trong đó rất nhiều đoàn từ thiện tự phát đã đi vào vùng lũ. Tinh thần 'lá lành đùm lá rách' của dân tộc ta rất là đáng quý, nhưng cần được làm đúng cách để vừa bảo đảm an toàn, vừa đạt hiệu quả tốt nhất.

Đừng tự biến mình thành gánh nặng cho địa phương

Đoàn công tác của Báo Quân đội nhân dân Điện tử trong hành trình cơ động cùng các lực lượng khắc phục hậu quả bão lũ ở miền Trung khi đi trên Quốc lộ 1A qua các địa phương Hà Tĩnh, Quảng Trị đã thấy rất nhiều đoàn xe chở hàng cứu trợ từ mọi vùng miền của Tổ quốc hướng về các khu vực chịu ảnh hưởng của bão lũ. Thậm chí, tại một số đoạn tại khu vực huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, các đoàn cứu trợ nối đuôi nhau gây ách tắc nhiều đoạn, nhất là các địa điểm phát hàng cứu trợ của người dân. Phần lớn các hoạt động trên là tự phát, theo phong trào với phần lớn là các loại thực phẩm ăn liền như: Mì tôm, bánh chưng... Những thực phẩm này thực sự rất phù hợp trong thời điểm nguy cấp khi nước lũ dâng cao, các khu vực dân cư bị chia cắt do ngập lụt. Tuy nhiên, khi nước rút, nhu cầu thực sự của người dân vùng lũ không phải là các sản phẩm thực phẩm ăn liền kia, mà là thuốc vệ sinh môi trường, lúa gạo và các loại thuốc men thiết yếu...

Có mặt tại huyện Lệ Thủy, đoàn công tác Báo Quân đội nhân dân Điện tử thậm chí đã được một đoàn cứu trợ mời bánh chưng vì thực tế người dân địa phương không cần loại thực phẩm có thời gian bảo quản ngắn và dễ ôi thiu này.

 Quần áo cũ bị chất đống tại các địa phương vùng lũ do người dân không có nhu cầu. Ảnh: Nguyễn Linh

Quần áo cũ bị chất đống tại các địa phương vùng lũ do người dân không có nhu cầu. Ảnh: Nguyễn Linh

Không chỉ cứu trợ thực phẩm, nhiều đoàn còn mang ủng hộ bà con vùng lũ quần áo cũ. Thực tế đây không phải là mặt hàng thiết yếu với bà con địa phương. Trong khi đó, do thiếu thông tin và phân loại, quần áo cũ đủ chủng loại, thậm chí là phản cảm được các đoàn thiện nguyện chuyển cho chính quyền địa phương. Dù tấm lòng của các đoàn thiện nguyện là tốt, nhưng với lực lượng mỏng ở chính quyền cấp thôn xã - vốn đang phải thực hiện nhiệm vụ quan trọng hơn là khắc phục hậu quả sau lũ - thì việc phân loại và chuyển các mặt hàng không thiết yếu này tới tay người dân là không thể.

Một vấn đề phát sinh đối với các đoàn thiện nguyện tự phát đi vào vùng lũ là thiếu các phương tiện bảo hộ cần thiết. Dù nước lũ đã rút, nhưng tại các vùng ngập lụt vẫn ẩn chứa nguy cơ mất an toàn. Trong khi chính quyền địa phương đang phải căng mình hỗ trợ người dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả bão lũ, thì chính các đoàn cứu trợ tự phát sẽ tạo ra gánh nặng cho người dân ở địa phương. Thiếu phương tiện, đồ dùng bảo hộ lại cố gắng đi vào các vùng nước lũ chưa rút khiến các đoàn cứu trợ có thể trở thành nạn nhân của dòng nước lũ bất kỳ lúc nào. Trên mạng xã hội Facebook, không hiếm thông tin về các vụ lật xuồng của những đoàn cứu trợ. Dù chưa ghi nhận thiệt hại về người, nhưng những hoạt động của các đoàn thiện nguyện ẩn chứa nguy cơ mất an toàn, tạo gánh nặng cho chính quyền địa phương.

Theo quan sát của nhóm phóng viên Báo QĐND Điện tử, bên cạnh những đoàn cứu trợ xuất phát từ tấm lòng, cũng không thiếu “con sâu bỏ rầu nồi canh” là các đoàn cứu trợ vào vùng lũ mà như đi chơi. Hoạt động cứu trợ dân ở đâu không thấy, nhưng hình ảnh “check in” thì luôn được cập nhật liên tục trên mạng xã hội. Khi chính quyền địa phương bận rộn trong công tác khắc phục hậu quả bão lũ, thì họ lại lớn tiếng cho rằng cán bộ địa phương không quan tâm tới đời sống của nhân dân...

Thiện nguyện đúng cách

Đúng với mong muốn của các đoàn thiện nguyện là hàng cứu trợ được sớm tới tay người dân đang bị chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lụt, thì việc quan trọng trước hết là phải xây dựng và duy trì kênh kết nối với chính quyền, đoàn thể địa phương. Chính quyền các địa phương chính là nơi gần và sát dân nhất. Đây cũng là nơi nắm thông tin gia đình nào thiệt hại rõ nhất, biết rõ người dân cần gì lúc này để hỗ trợ kịp thời.

Trong đợt cứu trợ bão lũ vừa qua, đã xuất hiện việc tranh giành hàng cứu trợ do các điểm cấp phát không được tổ chức quy củ, tự phát khiến người dân chen lấn, xô đẩy gây mất an toàn. Chính vì thế, việc kết hợp với chính quyền địa phương sẽ giúp giải quyết việc phân phối hàng cứu trợ an toàn và hiệu quả tới tận tay người dân. Nếu cần thiết, các đoàn thiện nguyện có thể xin địa chỉ các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ từ chính quyền địa phương để tới tận nơi cứu trợ.

Những mặt hàng thiết yếu sẽ giúp ích rất nhiều để người dân các địa phương bị ảnh hưởng do bão lũ sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất. Ảnh: Nguyễn Linh.

Chính quyền Xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh phân phối hàng cứu trợ khá bài bản, phân loại theo từng danh mục hàng hóa.

Cùng với đó, việc duy trì kênh kết nối 2 chiều cũng giúp công tác thiện nguyện đạt hiệu quả cao nhất. Chính quyền địa phương có thể đề nghị các nhà thiện nguyện ủng hộ các mặt hàng thiết yếu nhất, cần thiết để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, thay vì các loại thực phẩm ăn sẵn, thời vụ.

Điều quan trọng hơn nữa là sự thấu hiểu giữa các đoàn thiện nguyện với cán bộ địa phương, những người vốn cũng bị chịu ảnh hưởng bởi bão lũ, nhưng đang căng mình hỗ trợ người dân địa phương trước. Chính sự thấu hiểu giữa các bên sẽ giúp công tác thiện nguyện đạt được hiệu quả cao nhất và mang tấm lòng của người dân cả nước hướng về miền Trung ruột thịt để họ nhanh chóng phục hồi sau bão lũ...

Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/hay-lam-tu-thien-dung-cach-bao-dam-an-toan-dat-hieu-qua-tot-nhat-641882