Hãy là người đọc văn minh và có trách nhiệm

Trong khi xu hướng của người đọc trên thế giới là sẵn sàng trả tiền cho các ấn phẩm xuất bản số có chất lượng, thì không ít người đọc ở Việt Nam vẫn tìm đến các trang web lậu để đọc sách miễn phí.

Bình luận - Phê phán

Như vậy có thể nói, những người đọc này chưa hướng tới ý thức văn minh của việc đọc sách qua ấn phẩm xuất bản chính thức, được bảo đảm. Và tình trạng này liên quan mật thiết đến chế tài xử phạt, sự kiểm soát của cơ quan quản lý.

Tháng 11-2007, Amazon cho ra đời thiết bị đọc sách điện tử Amazon Kindle và sự kiện này tạo ra một bước ngoặt trong ngành công nghiệp xuất bản thế giới. Từ đây, ngoài các sách giấy truyền thống, sự xuất hiện của sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook), tập tin (file) điểm sách rút gọn nội dung để độc giả tiết kiệm thời gian đọc... không chỉ thay đổi ngành xuất bản mà còn thay đổi thói quen đọc của người đọc. Đến nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ cũng như nhìn thấy được tiềm năng phát triển của thị trường xuất bản số, các thiết bị đọc sách độc lập dần đi vào thoái trào, thay vào đó là dòng sách điện tử tích hợp trên các hệ điều hành như Mac, Linux, iOS, Android, Windows...

Nhờ các sáng tạo công nghệ này, hình ảnh, audio hay video được tích hợp vào ebook trên tương tác thời gian thực. Và chỉ cần sở hữu một chiếc điện thoại thông minh là người đọc có thể được trải nghiệm đọc một cuốn sách với đầy đủ những hình ảnh trực quan sống động. Theo báo cáo của nền tảng xuất bản điện tử Waka, thị phần sách điện tử toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trưởng khả quan. Năm 2013, doanh số sách điện tử chỉ chiếm 12% doanh số toàn ngành sách, thì dự kiến đến cuối năm 2018, con số này sẽ tăng hơn gấp đôi, đạt 25%. Từ đó có thể nói, xuất bản số không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu của ngành xuất bản trong thời đại khoa học, công nghệ. Và qua các đặc tính ưu việt, xuất bản số đang ngày càng chứng tỏ nhiều lợi thế.

Trong bối cảnh ngành xuất bản trên thế giới có sự chuyển mình mạnh mẽ, ở Việt Nam cũng đã và đang hình thành thị trường xuất bản số với sự tham gia của các đơn vị xuất bản như: Công ty Phương Nam (thương hiệu Komo), NXB Trẻ (thương hiệu Ybook), NXB Tổng hợp (thương hiệu Sachweb), Tiki (thương hiệu Miki), hay Vinabook, Thái Hà Books, Chibooks... Theo dự báo của Google, đến năm 2020, cứ 10 người Việt sẽ có tám người dùng điện thoại di động. Đây chính là nền tảng quan trọng để ngành xuất bản Việt Nam bước vào giai đoạn 4.0. Trên thực tế, phần lớn các đơn vị phát hành, nhà xuất bản nêu trên đã dần tập trung đầu tư xuất bản các đầu sách điện tử có chất lượng. Thậm chí, có những đầu sách xuất bản và khai thác bản điện tử trước bản sách giấy. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ để tích hợp nhiều tiện ích cho độc giả không chỉ hoàn toàn chứa đựng các tiền đề tích cực. Đặc tính ứng dụng cao của các ấn phẩm điện tử cũng là cơ hội để nảy sinh một số hiện tượng tiêu cực, như tạo ra lượng người sử dụng công nghệ không đúng mục đích, đặc biệt là tình trạng vi phạm bản quyền trong xuất bản số diễn ra khá phức tạp, ngày càng gia tăng. Có thể thấy rất rõ điều này trên các trang mạng hoặc diễn đàn sử dụng tiếng Việt như sachnoionline.net, 4slibrary.blogspot.com, tailieu.vn,... nhiều cuốn sách sao chép nguyên xi từ sách đã xuất bản được công khai phát tán và tất nhiên phần lớn đều không được sự đồng ý của chủ sở hữu.

Mỗi trang mạng, diễn đàn này thường thu hút hàng nghìn thành viên, được tải miễn phí hoặc phải trả phí mỗi lượt tải với mức rất rẻ cho ebook đã được đưa lên. Bên cạnh đó, còn có một số trang mạng thu âm không có bản quyền bản sách đã in thành âm thanh (audiobook) để người nghe nghe lại cuốn sách. Sau đó, thành viên các trang web, diễn đàn này “hồn nhiên” chia sẻ miễn phí, rộng rãi dưới các hình thức khác nhau. Hậu quả là một số cuốn sách đã hoặc sắp xuất bản lại phải cạnh tranh với phiên bản điện tử không có bản quyền, điển hình là trường hợp cuốn Nhân tố Enzym của Thái Hà Books gần đây. Với lối xuất bản bất hợp pháp này, các trang mạng, diễn đàn cũng “lờ” luôn tiền bản quyền tác giả. Đáng chú ý, các sách điện tử loại đó nếu có sai sót nội dung cũng không có ai phải chịu trách nhiệm, mà chỉ ảnh hưởng tới uy tín của tác giả, thiệt hại cho độc giả. Theo Giám đốc nội dung số của một công ty cổ phần sách, nếu những năm 2011 và 2012, có một cuốn sách của đơn vị này bị sao chép trên mạng thì hiện nay, tất cả sách điện tử của họ phát hành trên hệ thống đã bị các đơn vị khác làm lậu lại. Có trường hợp vi phạm xuất phát từ chính người trong cuộc, như có dịch giả sau khi nhận dịch sách cho các đơn vị xuất bản đã tự ý đem các bản dịch này bán cho các công ty phát hành sách điện tử, hoặc tự phát tán trên trang cá nhân.

Không chỉ gia tăng số lượng ấn phẩm vi phạm bản quyền mà còn xuất hiện ngày càng nhiều chiêu thức, mánh khóe tinh vi để che mắt chủ sở hữu và cơ quan chức năng. Chẳng hạn như tình trạng các trang mạng hoạt động dưới hình thức núp bóng việc chia sẻ tri thức cho người yêu sách để thực hiện hành vi vi phạm bản quyền, hay với tiêu chí “nhanh - nhiều - rẻ”, tốc độ sao chép lậu sách ebook cũng ngày càng gia tăng. Để tránh bị đánh cắp, một số nhà xuất bản làm ebook đã mã hóa định dạng sách của mình. Tuy nhiên, một số hacker có trình độ nhưng kém ý thức vẫn dễ dàng bẻ khóa và lập tức công bố các tools (công cụ) bẻ khóa lên mạng. Theo đại diện một đơn vị phát hành sách, nếu không phát hành ebook, thì phải từ 1 đến 2 tuần sau trên các trang chia sẻ sách, người ta mới có thể gõ lại cuốn sách với chất lượng không bằng; nhưng nếu làm ebook, chỉ sau 15 phút sách đã có thể bị bẻ khóa và tung lên mạng với chất lượng y hệt. Với các cách thức ngang nhiên, tùy tiện như vậy, chỉ vì để đáp ứng nhu cầu của bản thân cả người chia sẻ lẫn người đọc đã bất chấp quy định pháp luật, bất chấp quyền lợi của doanh nghiệp bởi kinh phí đầu tư làm ebook không nhỏ do phải đầu tư công nghệ, mua bản quyền tác giả, marketing, quảng cáo... Nên phải nói rằng với sở thích đọc sách miễn phí hoặc không muốn bỏ ra số tiền tương ứng giá thành cuốn sách, một bộ phận người đọc ở Việt Nam đang đi ngược xu hướng văn minh trong việc đọc sách. Bởi báo cáo của Liên đoàn Các nhà xuất bản có định kỳ quốc tế cho thấy sau nhiều năm ngành xuất bản nội dung số gắn với việc đăng nội dung miễn phí lên trang web, người đọc trên thế giới đang ngày càng sẵn sàng trả tiền cho nội dung chất lượng. Cụ thể, một số nhà xuất bản đã có doanh thu ngoạn mục từ việc đăng ký trả phí của người đọc thuộc thế hệ millennial (sinh từ năm 1980 đến 1998). Báo cáo còn kết luận, trong tương lai, độc giả sẽ hoàn toàn bỏ qua các nội dung miễn phí.

Nạn vi phạm bản quyền là điểm mấu chốt ngăn cản một thị trường sách điện tử lành mạnh phát triển. Sách điện tử lậu gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế và uy tín đối với đơn vị xuất bản, kinh doanh sách điện tử nghiêm túc, đầy đủ tư cách pháp nhân. Trong khi đầu tư cho sách điện tử là rất lớn thì doanh thu thu được không nhiều, thậm chí còn phải bù lỗ do người đọc phần lớn lựa chọn “sách chùa”, sách miễn phí. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng số liệu sách điện tử bản quyền được số hóa chỉ chiếm vài phần trăm so với sách giấy hằng năm xuất bản. Theo ông Nguyễn Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, thì sự tồn tại của những trang mạng lậu vi phạm bản quyền một cách công khai không chỉ làm thiệt hại trực tiếp cho tác giả và nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách điện tử, mà còn làm xói mòn thị trường sách điện tử mới manh nha hình thành. Điều này không chỉ gây hệ lụy trước mắt mà về cả lâu dài. Nếu tình trạng vi phạm bản quyền tiếp tục tái diễn như hiện nay, trong tương lai, các đơn vị sở hữu tác phẩm có giá trị sẽ e dè khi lựa chọn Việt Nam làm điểm đến hoặc sẽ thắt chặt các điều khoản, khiến thị trường sách Việt Nam khó hòa nhập với thị trường sách quốc tế. Như trường hợp vì lý do muốn bảo đảm quyền lợi của tác giả uy tín đang viết sách cũng như doanh số bản quyền, nhà xuất bản danh tiếng HarperCollins (Mỹ) đã từng xem xét việc ngừng giao dịch bản quyền với Việt Nam. Đó là chưa tính tới nguy cơ các đơn vị xuất bản ebook tại Việt Nam phải ngừng hoạt động vì không cạnh tranh được với tình trạng tràn lan của sách không bản quyền, trong khi ebook là xu hướng xuất bản tất yếu.

Ở Việt Nam, việc xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử đã được quy định khá cụ thể tại Luật Xuất bản năm 2012 tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản. Tuy nhiên, khả năng thực thi, hậu kiểm cho thấy cả phía cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp thực hiện vẫn chưa đủ lực và chất. Do đó tạo ra nghịch lý là trong khi luật quản khá chặt chẽ các đơn vị phát hành ebook có bản quyền, thì đến nay, nhiều đơn vị vi phạm bản quyền vẫn ngang nhiên hoạt động.

Đây là một trong các nguyên nhân khiến tình trạng sách vi phạm bản quyền vẫn đang là vấn đề nhức nhối với người viết sách và các nhà xuất bản nghiêm túc. Đến nay, hầu hết nhà xuất bản trong nước đang phải tự tìm cách chống lại nạn xâm phạm bản quyền ebook, mong đợi vào ý thức tự giác của độc giả, và thực tế chưa nhiều nhà xuất bản, hoặc tác giả nào giải quyết vấn nạn trên cơ sở pháp luật? Cũng cần đề cập tới hiện tượng một số bạn trẻ vì thiếu ý thức và kiến thức pháp luật, nên đã chia sẻ trên mạng các cuốn sách không có bản quyền nhưng không hề biết đó là vi phạm pháp luật, thậm chí có người không biết tại sao chia sẻ sách lên mạng lại là vi phạm bản quyền! CHO nên, dù đã có hành lang pháp lý, song để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản số, bên cạnh vai trò cùng sự kiên quyết của cơ quan chức năng, các đơn vị xuất bản, phát hành, thì người đọc vẫn là một yếu tố then chốt. Vì thế, mỗi độc giả cần trở thành người đọc thông minh, có trách nhiệm, tự nâng cao ý thức về bản quyền sách để thay đổi thói quen “đọc chùa”, hạn chế tối đa việc sao chép, chia sẻ các tác phẩm không có bản quyền. Bởi thái độ văn minh trong khi đọc sách luôn bao gồm việc biết tôn trọng quyền của tác giả, tôn trọng lợi ích của nhà xuất bản đã đem tới cho chúng ta những cuốn sách bổ ích.

KHÁNH MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/38720802-hay-la-nguoi-doc-van-minh-va-co-trach-nhiem.html