'Hãy gọi tôi là cô giáo'

Hôm nay bác định 'đa chiều' vấn đề gì? - Hôm nay, ngày 20/11, không thể không bàn về nghề giáo, nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý.

- Vâng. Em rất ấn tượng với thiện cầu của nguyên Phó Chủ tịch nước: “Hãy gọi tôi là cô giáo Doan”.

- Đúng thế, còn gì vinh dự hơn được làm người thầy. Nhất là đối với dân tộc ta là dân tộc có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy cơ mà.

- Vâng. Cho dù truyền thống ấy theo năm tháng, lại bị tác động bởi “thị trường” nên có phần mai một, song nghĩa thầy, theo em là bất di bất dịch.

- Gần đây, chuyện tình nghĩa thầy trò, không phải là không có vết gợn, dưng nhìn một cách tổng thể, nhiều tấm gương người thầy đã để lại trong mỗi chúng ta bao niềm cảm kích.

- Vừa mới đây thôi, anh em mình chả bàn đến sự anh dũng của những cô giáo ở Phú Yên, quên mình cứu học trò trong bão lũ, với câu nói dứt ruột: “Thà mình chết, chứ không để học sinh chết”.

- Có dịp đi thực tế ở vùng sâu, vùng xa mới thấy cảm phục vô cùng trước sự hy sinh vất vả của những người thầy ở đây. Nhiều cô giáo cắm bản quên cả hạnh phúc riêng tư để “đem cái chữ” đến với con em đồng bào.

- Họ không những chỉ là người thầy, mà còn là người cha, người mẹ của các em. Ở đấy chứa đựng bao nhiêu tình cảm, mà nếu không có lòng yêu nghề, yêu trẻ thì không thể có được.

- Có thể nhắc tới những người thầy ở bản Piêng Coọc, xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An. Con đường vào bản để gieo chữ với người thầy ở đây rất đỗi gian nan, vất vả. Đường sá đi lại cực kỳ khó khăn, nắng thì bụi mịt mù, khi trời mưa, đường trơn trợt lại dốc đứng, đi bộ cũng đã khó chứ chưa nói đến chuyện đi xe máy. Những lúc đó, để đến được với học sinh, những người thầy đành phải bỏ xe tại điểm trường chính rồi đi bộ mất hơn hai tiếng đồng hồ mới vượt được dốc Piêng Coọc để vào bản, chỉ với một mong ước mong sao cho các em nên người.

- Hình ảnh những người thầy như thế ở vùng sâu, vùng xa thì nhiều lắm. E cứ thấy day dứt một điều, đó là một lòng vì nghề vất vả như thế, dưng đời sống của người thầy còn nhiều vất vả, khó khăn. Để yên tâm với nghề, họ đã phải bươn chải, vật lộn với cuộc sống thường ngày để tồn tại, để tiếp tục gắn bó với sự nghiệp cao quý của mình.

- Đúng thế, chẳng cứ những người thầy ở vùng khó khăn, mới đây chuyện một cô giáo ở ngay thị xã Sơn Tây cũng khiến chúng ta suy nghĩ trước những chia sẻ của cô: “Mỗi nghề đều có sự cao quý riêng. Trút bỏ bộ quần áo đứng lớp, tôi cũng là người mẹ, người vợ. Thế nên làm gì ra tiền, miễn là lao động chân chính, tôi đều làm cả. Từ nhặt ve chai đồng nát, đến lau nhà, quét vôi, quét sơn... tôi không nề hà. Dẫu sao tôi vẫn thấy hạnh phúc bởi nhiều người còn khó khăn hơn gấp vạn”.

- Thật là một tấm lòng, một nhân cách không dễ gì có được. Nhân đây, xin được nhắc lại câu chuyện “những giọt nước mắt” của các cô giáo mầm non trước đồng lương hưu ít ỏi mà ta vừa bàn hôm trước. Đúng là rất đáng suy nghĩ.

- Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, song những tấm gương người thầy tận tụy với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu vẫn nở rộ ở khắp mọi miền đất nước. Chỉ điều ấy cũng đủ để chúng ta tôn kính và giữ vững truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

- Và một khi còn những tấm gương như thế, ta mới cảm được hết niềm tự hào với lời đề nghị của nguyên Phó chủ tịch nước: “Hãy gọi tôi là cô giáo Doan”.

Thiện Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hay-goi-toi-la-co-giao-64509.html