Hãy giữ vững niềm tin

Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồng, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đang được trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII xem xét, cho ý kiến. Tuy nhiên, xung quanh dự thảo luật này còn có những ý kiến khác nhau.

Trước hết việc xây dựng dự thảo dự án Luật này là cụ thể hóa Kết luận số 21 ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị về các vấn đề xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế hành chính đặc biệt Vân Đồng (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Và mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng các đặc khu kinh tế trên là góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nước nhà phát triển.

Phú Quốc là một trong những nơi dự kiến xây dựng khu kinh tế đặc biệt

Lâu nay nói đến đặc khu kinh tế không phải ai cũng hiểu. Vậy đặc khu kinh tế là gì? Đặc khu kinh tế, tên tiếng Anh (Speecial Economic Zone- SEZ) là khu vực có không gian kinh tế riêng biệt với môi trường đầu tư - kinh doanh thông thường, được hưởng các chính sách đặc biệt thuận lợi. Thậm chí, có người hiểu SEZ là khu kinh tế tự do (khu tự do, khu kinh tế), khu kinh tế đặc biệt, khu kinh tế mở, khu thương mại tự do. Dẫu hiểu theo góc độ nào, thì đặc tính chung của các SEZ của tất cả các quốc gia trên thế giới luôn có những chính sách đặc biệt, đặc quyền để tạo ra giá trị lợi ích tối đa trong việc tăng trưởng nền kinh tế khu vực. Trong đó, các chính sách về thuế được miễn giảm, cơ chế về lao động được linh hoạt hơn; Dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, dịch vụ thương mại đạt chuẩn quốc tế; Cơ sở hạ tầng hiện đại.. Và trên thế giới hiện có khoảng 4.300 khu kinh tế tự do tại 140 quốc gia. Trong đó, Thâm Quyến (Trung Quốc) là khu CEZ được cho là thành công nhất.

SEZ Thâm Quyến (Trung Quốc) được hình thành những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, từ một làng chài nhỏ, đến nay theo tính toán của các chuyên gia kinh tế thế giới, trong năm nay quy mô kinh tế của khu kinh tế này có thể đạt con số 350 tỷ USD. Và Thâm Quyến trở thành một trong những thành phố năng động nhất Trung Quốc cũng như thế giới thời gian qua.

Rõ ràng không còn nghi ngờ gì nữa, đặc khu kinh tế đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế, những quốc gia có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh… họ đều có CEZ. Và với nước ta, tuy muộn nhưng cùng một thời điểm Chính phủ quyết định thành lập 3 đặc khu kinh tế tại ba miền đất nước, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc “tạo thế chân kiềng” để vực dậy nền kinh tế, đưa đất nước ngày càng phát triển, an ninh - quốc phòng được đảm bảo.

Tuy nhiên, vấn đề mà người dân quan tâm là làm sao cụ thể hóa cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để các đặc khu này đáp ứng được kỳ vọng đề ra. Nếu như hiện tại, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã thể hiện được là một trong hai đầu tàu kinh tế đất nước, đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước, ngân sách cho quốc gia cũng như tạo ra nhiều chỗ việc làm lớn cho người lao động. Thì CEZ Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc tới đây cũng phải đáp ứng được nhu cầu này.

Đặc biệt, liên quan đến dự thảo Luật này, thời gian qua trên hệ thống thông tin đại chúng, mạng xã hội có rất nhiều ý kiến người dân góp ý với lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên tinh thần xây dựng. Trong đó, đa số đề nghị xem xét không nên quy định thời hạn thuê đất kéo dài 99 năm; hoặc làm rõ dư địa chí về an ninh- quốc phòng đối với tương lai đất nước. Những ý kiến này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe và trả lời rất chi tiết với báo giới bên hành lang Quốc hội. Theo đó, quan điểm của Chính phủ xem xét lại về thời hạn cho thuê đất…

Một dự án Luật đưa ra nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân; đặc biệt liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia điều này thêm một lần nữa khẳng định, tình yêu Tổ quốc luôn chảy tràn trong huyết quản của mỗi người con đất Việt được kế tiếp từ đời này qua đời khác. Chính vì tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do”, không bao giờ khuất phục trước ngoại bang mà hơn 4.000 năm lịch sử những Hai Bà Trưng, Ngô Quyền và các thời Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn…đã phất cờ khởi nghĩa, thu phục lòng dân dẹp tan quân thù, mang lại nền độc lập cho dân tộc.

Ngày nay trong thời đại “Hồ Chí Minh” thấm nhuần tư tưởng của Người “Dễ vạn lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, phương châm của Đảng, Nhà nước là “Xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, dựa trên nền tảng “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Do đó, việc các ý kiến của người dân liên quan đến dự luật đặc biệt quan trọng này đã được Quốc hội, mỗi đại biểu Quốc hội lắng nghe và đang tiếp tục thảo luận.

Trong lúc chờ Quốc hội cho ý kiến và biểu quyết, quan điểm của Chính phủ cũng hết sức cầu thị chúng ta phải bình tĩnh và không được giao động, để các thế lực thù địch lợi dụng chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Cần phải khẳng định một lần nữa Tổ quốc luôn là số 1. Phát triển kinh tế- xã hội gắn với đảm bảo an ninh- quốc phòng; không bị động, bất ngờ luôn là chủ trương xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ. Thế nên, việc soạn thảo dự án Luật này các cấp, ngành, Chính phủ, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã tính toán rất kỹ vấn đề này. Người dân, trong đó cócông nhân lao động không nên xao động trước những thông tin khá nhiễu loạn thời gian qua. Hãy luôn tin Đảng, Nhà nước, đã có những quyết sách, tầm nhìn để những đặc khu này (nếu được Quốc hội chỉnh sửa, thông qua) sẽ vừa tạo động lực phát triển kinh tế cho đất nước, vừa đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia.

PV

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hay-giu-vung-niem-tin-74596.html