Hãy giữ lấy làn điệu Sán Cố

Sán cố là một làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số ở biên giới phía Bắc. Tiêu biểu nhất là nằm tại một số huyện miền đông tỉnh Quảng Ninh. Sán cố có nghĩa là sơn ca, hay gọi theo cách khác thì đó là tiếng hát của núi rừng. Thông thường dân tộc Hoa hay hát Sán cố, nhưng các dân tộc khác ở miền đông tỉnh Quảng Ninh cũng hát và rất say mê với làn điệu này (kể cả dân tộc Kinh)…

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi công tác trên đảo Cô Tô, vào những đêm trăng sáng tôi lại được nghe bà con nơi đây hát Sán cố. Già có, trẻ có người ta rủ nhau đến đứng chật cả sân bóng rổ để nghe bên trai, bên gái hát đối đáp. Mỗi lần hát như vậy, bên nào cũng có một vài vị “cố vấn” đã cao tuổi đứng cạnh để trợ giúp lúc bị đối phương dồn vào thế bí. Càng về khuya tiếng hát càng ngọt ngào quyến rũ. Giọng hát của đôi bên quyện vào nhau để rồi tình cảm thêm quyến luyến chẳng muốn xa rời và cứ thế họ hát thâu đêm tới sáng. Đối với tôi lúc bấy giờ đang ở cái thời trai trẻ nên cái làn điệu hát nghe ngọt ngào, êm dịu giàu chất trữ tình đã để cho tôi phải nhớ mãi…

E lệ. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh

E lệ. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh

Cuối năm 1964, tôi chuyển về đất liền công tác và đến năm 1968, tôi lại hành quân thần tốc vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Lúc nghỉ giải lao dọc đường, tôi thường bắt nhịp cho anh em hát những bài sôi nổi mạnh mẽ mang khí thế hào hùng như: Hành quân đêm, sẵn sàng bắn, không cho chúng nó thoát… Khi màn đêm buông xuống, giữa núi rừng Trường Sơn tôi lại nhớ các làn điệu hát dân ca nơi quê nhà trong đó có Sán cố.

Chiến tranh kết thúc, tôi trở lại quê hương vui với cuộc sống đời thường. Một hôm tôi lên xã Quảng Đức (Hải Hà) tìm mua một vài loại củ rừng về làm hàng giải khát. Vừa dắt được chiếc xe đạp qua khỏi dốc Cổng Trời thì từ dưới suối có tiếng hát Sán cố vang lên. Tôi lập tức đứng sững lại đưa mắt dõi theo về phía bờ suối. Thấp thoáng sau bụi cây, mấy cô gái Dao đang vừa rửa chân vừa hát vui vẻ. Tôi cố tình dắt xe đi thật chậm để được nghe các cô hát nhưng khi các cô phát hiện có người lạ thì thôi hát. Cảm xúc được khơi dậy, tôi đạp xe chầm chậm để đầu óc khoan khoái dễ chịu và chưa đầy nửa tiếng sau đã có được một bài thơ. Thời gian cũng lâu rồi. Tôi không còn nhớ hết bài thơ ấy nữa, chỉ xin được trích mấy câu trong đoạn giữa như sau: "…Vẳng nghe Sán cố đôi câu/ Ngỡ như khúc hát “Qua cầu gió bay”/ Gặp em ven suối chiều nay/ Chưa từng men rượu đã ngây ngất rồi…".

Sau chuyến đi này, cái làn điệu Sán cố lại khơi dậy trong tôi. Cũng từ đó tôi nảy ra ý tưởng muốn tìm hiểu và ghi chép được nguyên văn các bài Sán cố rồi dịch lại tiếng Việt. Tuy nhiên, vì một số lý do mà chưa thực hiện được.

Cách đây vài năm, có anh bạn người Dao ở bản Tán Chúc Tồng, xã Quảng An (Đầm Hà) mời lên dự đám cưới con, tôi vui vẻ nhận lời. Trước ngày cưới, tôi đi xe máy lên Đầm Hà rồi lên xã Quảng An và tìm đường lên bản. Đến nơi thì trời vừa tối, mọi người đã ăn uống xong xuôi. Bà con trong bản kéo nhau đến chơi khá đông. Họ ngồi vào bàn đã có sẵn chè nước để trò chuyện và hát Sán cố. Chủ nhà mời ăn cơm, thực ra thì không thấy đói, nhưng tôi cố gắng ăn nhanh chút ít để còn ra ngồi nghe hát.

Trong lúc ngồi nghe, tôi làm quen được với anh Cắm Chắn (dân tộc Hoa ở huyện Tiên Yên). Anh nói chuyện với tôi cởi mở như đã quen biết từ lâu. Anh Chắn cho biết, Sán cố là hát theo thể thơ 7 chữ 4 câu, những người hát giỏi thì phải biết luật. Ví dụ: Trong một bài hát nếu có chữ "mía" thì dứt khoát phải có chữ "ngọt" mới đủ ý.

Hát Sán cố tôi đều thấy bà con hát bằng tiếng Hoa, nếu như cũng với làn điệu này ta chuyển sang hát tiếng dân tộc khác có được không? - Tôi hỏi anh.

Được chứ! Bác thích nghe à? - Nói xong anh Chắn quay sang gọi một chị khoảng trên 40 tuổi đến hát để tôi nghe. Thật tiếc, chị ta xấu hổ với người lạ nên đã bỏ chạy. Để chứng minh lời nói của mình là đúng, anh Chắn nói với tôi:

Bây giờ tôi sẽ hát bằng tiếng Ngái. Trước khi hát tôi kể cho bác nghe một câu chuyện: Có một ông già đã trên 70 tuổi nhà giàu có nhưng chỉ có một cậu con trai chừng 9 - 10 tuổi. Ông bỏ tiền ra cưới vợ cho con, hằng mong ước có cháu bế ẵm để vui với tuổi già. Cô con dâu chăm chỉ, nết na đang ở độ tuổi 18 đôi mươi, nhưng vì cha mẹ quá nghèo nên đành chịu về làm vợ cậu bé. Một năm, hai năm rồi ba năm trôi qua mà con dâu vẫn không chịu sinh được cháu, ông già buồn lắm. Buổi sáng đứng trước cửa nhìn mặt trời lên ông cất giọng hát:

Nhét thẩu sụt lỏi dịt tèm phổng
Ngảy mủn díu hằm slê dáp dổng Chẹp ken tà phá mổ kẹt cồ Hôi ngảy hài nhì tám phun ống

Tạm dịch:

Mặt trời ló lên một điểm hồng
Nhìn cây xanh tốt mãi chờ mong Chỉ thấy đơm hoa không đậu quả Để khổ con tôi phải vun trồng.

Cô con dâu nghe bố chồng than vãn bằng lời hát như vậy thì cũng khổ tâm lắm, biết giải thích sao cho bố chồng hiểu được. Cô đành cất giọng hát:

Thẳn chày slê slê pán cô háng
Ngảu chày slê slê mổ lít mắng Lể thẻo mổ díp slám sun thù Mun nỉ vổ meo tèm doong sáng

Tạm dịch:

Sợi dây thừng nhỏ vắt sang bên
Nghé non còn nhỏ sức chưa bền Lưỡi cày không sâu ba tấc đất Hỏi sao cây lúa mọc được lên.

Từ lời hát đối đáp bằng tiếng Ngái, anh Cắm Chắn thể hiện bằng làn điệu Sán cố nghe rất hay. Tôi vội dịch lại những vần thơ trên đây và nảy ra ý dùng làn điệu Sán cố để hát bằng tiếng Kinh. Hôm sau khách đến dự đám cưới rất đông. Họ vừa ăn uống vừa hát đối đáp. Giữa lúc mọi người đang vui vẻ thì tôi có chút việc gia đình phải về ngay.

Trước lúc chia tay bà con, tôi đã hát chào tạm biệt bằng tiếng Kinh:

Quảng An vui lắm hỡi người ơi!
Đường xa chẳng ngại tìm đến chơi Sán Cố lời ca giàu tình cảm Ra về nỗi nhớ đọng tim tôi.

Vừa dứt câu thì có mấy anh thanh niên chạy đến nói với tôi: “Bác đọc lại để cháu chép”. Tôi trả lời: “Các cháu không cần ghi chép gì hết, sau này sẽ có người lên đây ghi chép lại những bài hát theo tiếng dân tộc rồi dịch lại bằng tiếng Kinh. Hát Sán cố nghe rất hay, các cháu phải giữ cho bằng được cái làn điệu này”.

Ngồi xe máy trên đường về, vừa đi tôi vừa suy nghĩ và tự trách mình về cái tính hay “bốc đồng”. Nói rằng sẽ có người lên ghi chép rồi dịch lại bằng tiếng Kinh, vậy thì ai đây?.

Riêng với huyện Hải Hà, làn điệu Sán cố còn nằm tại các xã vùng cao Quảng Sơn, Quảng Đức và ngay trong thị trấn Quảng Hà cũng còn vài người nắm giữ cái vốn quý báu này. Qua bài viết này, tôi mong rằng tất cả những người có tâm huyết hãy cùng nhau giữ lấy làn điệu Sán cố để không đánh mất đi một làn điệu hay nằm trong kho tàng quý báu về văn hóa - văn nghệ dân gian của huyện Hải Hà nói riêng và trong tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Lương Hùng Thanh (Hải Hà)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202104/hay-giu-lay-lan-dieu-san-co-2527941/