Hãy dừng lại những thói quen tai hại này nếu không muốn thận bị tổn thương

Chức năng của thận sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu bạn tiếp tục những thói quen xấu dưới đây.

Thận là cơ quan nội tiết quan trọng có chức năng lọc máu, thải độc cho cơ thể. Nếu phải hoạt động quá sức, thận sẽ bị suy yếu, khiến cơ thể bị nhiễm độc cùng nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng đến tính mạng.

Thận là cơ quan nội tiết quan trọng trong cơ thể - Ảnh minh họa: Internet

Thận là cơ quan nội tiết quan trọng trong cơ thể - Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh việc xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, bạn nên thay đổi những thói quen dưới đây để có sức khỏe tốt cũng như đảm bảo chức năng của thận.

Sử dụng quá nhiều muối

Muối đóng vai trò rất quan trọng trong bữa ăn hàng ngày. Trong khi chế biến, chỉ cần thêm một ít muối, các món ăn sẽ trở nên đậm đà, tròn vị. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều muối sẽ khiến cơ thể bạn gặp nhiều vấn đề rắc rối, đặc biệt là thận.

Nguyên nhân là việc tiêu thụ quá nhiều muối sẽ làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, từ đó dẫn đến tăng huyết áp. Bên cạnh đó, việc ăn quá nhiều muối cùng với các yếu tố căng thẳng thần kinh sẽ làm tăng hoạt động của hệ enin - angiotensin, dẫn đến tăng tình trạng tái hấp thụ natri ở ống thận và gây ra tăng huyết áp.

Đây là một vòng tròn rất có hại cho sức khỏe, không chỉ ảnh hưởng đến thận mà còn gây hậu quả xấu cho hệ tim mạch.

Tiêu thụ quá nhiều muối sẽ khiến thận làm việc quá tải - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Võ Hoài Ân, Trưởng khoa Nội thận lọc máu bệnh viện quận Phú Nhuận cho biết: "Ăn quá nhiều muối là nguyên nhân hàng đầu khiến bạn bị tăng huyết áp, dẫn đến thận phải làm việc vất vả hơn. Quá trình này khéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hệ tim mạch và thận. Nếu không phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời, bệnh suy thận sẽ âm thầm tiến triển, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và tính mạng.

Mối ngày, người bình thường chỉ nên ăn 5-6 gram muối. Với những người mắc bệnh về huyết áp, tim mạch, thừa cân, nên hạn chế ăn muối ở mức tối đa. Đặc biệt, người từ 45 tuổi trở lên phải hạn chế ăn muối để đảm bảo sức khỏe tốt. Nên luyện tập thói quen ăn nhạt, nêm nếm ít muối ngay từ bây giờ để giảm áp lực làm việc cho thận".

Thiếu ngủ

Thiếu ngủ hay ngủ không ngon giấc sẽ khiến cơ thể bạn mệt mỏi, gặp phải các vấn đề về suy giảm trí nhớ. Đồng thời, các cơ quan nội tạng như gan và thận cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong khi ngủ, các mô thận được tái tạo, phục hồi sau những giờ làm việc vất vả. Sau đó, từ 4 giờ sáng, thận bắt đầu tích cực làm việc, thực hiện chức năng lọc máu, thải độc. Nếu không ngủ hoặc ngủ không ngon giấc, thận sẽ không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo, lâu dần sẽ suy kiệt.

Nếu không ngủ hoặc ngủ không ngon giấc, thận sẽ không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo, lâu dần sẽ suy kiệt - Ảnh minh họa: Internet

Bạn nên điều chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi phù hợp. Không nên thức quá khuya để ảnh hưởng đến chức năng gan và thận. Nên ngủ đủ giấc (8 tiếng mỗi ngày) để đảm bảo sức khỏe cho công việc và học tập.

Không uống đủ nước

Nước là yếu tố rất quan trọng hình thành nên sự sống của mọi vật cũng như con người. Trong cơ thể người, nước đóng vai trò là dung môi để dễ dàng thực hiện quá trình hòa tan và hấp thụ các chất dinh dưỡng.

Đặc biệt, quá trình lọc máu và thải độc của thận rất cần nước. Nhờ nước, thận giảm được áp lực, thực hiện chức năng hiệu quả hơn. Nếu mỗi ngày bạn không uống đủ nước, các độc tố sẽ tích tụ trong máu rất nhiều khiến thận phải làm việc vất vả gấp nhiều lần.

Uống đủ nước mỗi ngày giúp thận làm việc hiệu quả hơn - Ảnh minh họa: Internet

Tùy vào thể trạng và sức khỏe của mỗi người mà nên uống lượng nước thích hợp. Người bình thường, nên uống đủ từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. Với người mắc các vấn đề về tim mạch, phổi, gan, thận thì không được uống quá nhiều nước và phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nhịn tiểu

Nhịn đi tiểu là thói quen của rất nhiều người nhưng ít ai biết hậu quả của nó rất có hại cho thận. Nguyên nhân của thói quen này có thể do lười, bận việc hoặc không muốn dậy khi đang ngủ để đi tiểu tiện.

Nước tiểu bị giữ lại quá lâu trong bàng quang có thể tích tụ và tạo thành các viên sỏi. Kích thước các viên sỏi này sẽ tăng theo thời gian, đến một mức độ nhất định sẽ gây ra các cơn đau nhức dữ dội và buộc phải có sự can thiệp của y khoa. Đồng thời, thói quen này cũng gây gia tăng áp lực nước tiểu lên thận, lâu dần sẽ dẫn đến suy thận.

Nhịn tiểu quá lâu khiến bạn dễ dàng mắc phải các vấn đề về thận - Ảnh minh họa: Internet

"Thói quen nhịn đi tiểu cũng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Trước hết, nó tích tụ chất thải gây ra sỏi thận, ảnh hưởng đến đường tiết niệu. Nghiêm trọng hơn, nếu nhịn tiểu quá lâu sẽ khiến chức năng của thận bị suy giảm" - Bác sĩ Võ Hoài Ân nói.

Loại bỏ những thói quen có hại là điều mà chúng ta phải thực hiện để có sức khỏe tốt. Bên cạnh đó, nên xây dựng chế độ làm việc, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý để các cơ quan không hoạt động quá tải.

Hoàng Oanh

Nguồn PNSK: https://phunusuckhoe.vn/hay-dung-lai-nhung-thoi-quen-tai-hai-nay-neu-khong-muon-than-bi-ton-thuong-c25a311386.html