Hãy đi, trước khi Venice thực sự biến mất!

Đến Venice, việc này từ lâu vẫn luôn nằm ở vị trí ưu tiên trong danh sách “những điều phải làm trước khi chết” của tôi. Một phần vì độ nổi tiếng của nơi này - tôi không thể đếm xuể bao nhiêu bộ phim từng được quay ở đây, phần vì đứa bạn thân của tôi nói: “Mày nhất định phải dắt người yêu tới Venice, lãng mạn lắm!”. Thế nhưng không đợi được đến lúc có người yêu, tôi quyết định sẽ đi Venice một mình.

CẢM XÚC ĐẦU TIÊN: KHÔNG GIỐNG NHƯ MONG ĐỢI
Tôi tới ngoại ô khi trời đã xế chiều, vội vàng cất hành lý ở khách sạn cạnh ga Mestre rồi lên tàu vào trung tâm. Chỉ mất chưa đến 10 phút để tàu vào đảo, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy thời gian trôi chậm như vậy, phải chăng do quá háo hức vì giấc mơ bấy lâu sắp trở thành hiện thực?

Tàu dừng lại tại ga cuối Venice Santa Lucia, cảm giác đầu tiên hiện lên trong tôi là thất vọng. Venice không giống như tôi tưởng tượng, chẳng yên bình, lãng mạn như trong phim “The Tourist” của Johnny Depp và Angelina Jolie, thành phố gì mà toàn người là người! Người ta hay nói: “Hãy đi Venice trước khi nơi này biến mất”, vì Venice thấp hơn mực nước biển và luôn chịu ngập lụt từ tháng mười đến tháng một hằng năm, nhưng tôi nghĩ với cái đà này, hòn đảo sẽ bị nhấn chìm bởi dòng du khách trước cả khi nước biển kịp làm điều đó. Nói đến đây, lại có một điều khá mâu thuẫn được đặt ra: hầu hết các công trình đẹp nhất ở Venice đều đang ngốn kha khá chi phí bảo tồn, và chi phí ấy sẽ lấy từ đâu nếu không phải từ nguồn thu du lịch?

Sau tầm 30 phút đi dạo, vì quá đông người chen lấn, tôi tấp đại vào một nhà hàng bên đường để ăn tối. Tôi gọi beefsteak và nhận ra rằng khẩu vị của người địa phương nơi đây khá đậm đà, nhiều người còn nêm thêm muối trong khi với tôi đồ ăn đã khá mặn. Ăn xong, tôi nán lại đi dạo để cố cứu vãn cảm xúc của ngày đầu, nhưng một lần nữa lại thất vọng. Venice ban đêm đông vui và nhộn nhịp, bầu không khí này hoàn toàn không hợp với tôi. Cảm giác không thể hòa nhập được với đám đông, tôi quyết định lên tàu và về khách sạn sớm.

ĐÂY MỚI ĐÚNG LÀ VENICE CHỨ!
Hôm sau tôi thức dậy từ 6 giờ, quyết định bỏ qua bữa sáng, mang theo ít đồ ăn nhẹ để tranh thủ ăn trong lúc trên tàu. Đó quả là một quyết định sáng suốt. Một Venice bình yên, lãng mạn mà tôi mong đợi dần hiện lên dưới lớp sương mờ. Ngay cả quảng trường San Marco vốn đông người cũng tĩnh lặng đến mức bạn có thể lắng nghe trọn vẹn tiếng đàn piano quyện với thanh âm của cello và violin từ các ban nhạc ngoài trời. Tôi ngồi sưởi nắng, thưởng thức một ly espresso ngon tuyệt và nghĩ trong đầu: “Đây mới đúng là Venice chứ!”.

Sau ngày hôm trước, tôi đã rút ra kinh nghiệm: đừng tin vào Google Map, ít nhất là khi bạn đang ở Venice, vì đôi khi bản đồ sẽ chỉ dẫn bạn đi vào ngõ cụt. Nếu có nhiều thời gian cho nơi này, bạn nên tắt luôn điện thoại và tận hưởng cảm giác đi lạc một cách chủ động. Đi bộ ở đây thật sự là một trải nghiệm khó quên, cảm giác như tôi đang lọt vào một mê cung sâu hun hút được bao quanh bởi những bức tường cổ kính. Màu vàng, đỏ, hồng của những căn nhà hòa lẫn màu xanh của trời và nước biển khiến mỗi bước chân trở nên tươi vui, sống động hơn. Một điều độc đáo là không có bất kỳ hai ngôi nhà ở cạnh nào được sơn màu giống nhau, kể cả là cửa sổ. Khi mỏi chân, bạn chỉ cần chọn đại một chỗ ngồi cũng có thể cho ra đời hàng trăm bức hình tuyệt đẹp. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác ngồi bên bờ kênh, thưởng thức một đĩa spaghetti với xốt mực đen béo ngậy, ngắm nhìn những con thuyền lướt trên mặt nước, nghe tiếng hát của người chèo thuyền cất lên, vang vọng rồi lẩn khuất trong những ngõ nhỏ.

Đối với một kẻ ưa thích sự yên tĩnh như tôi, Venice đúng là thiên đường. Không có tiếng còi xe, ô nhiễm hay bụi bặm vì ở đây mọi người di chuyển bằng phương tiện công cộng đường thủy. Chiếc thuyền dài, nhọn với các anh chàng chèo thuyền điển trai mà ta thường thấy trong phim được gọi là thuyền gondola, với giá từ 80-100 euro cho một tiếng dạo quanh đảo. Thi thoảng người chèo thuyền sẽ chiêu đãi bạn những bài hát lãng mạn, tuy nhiên không phải anh chàng nào cũng biết hát và điển trai, bạn nên kiểm tra trước. Nếu muốn len lỏi vào những kênh rạch nhỏ hơn, bạn cũng có thể chọn thuyền taxi, hay tiết kiệm hơn là thuyền bus, loại thuyền có thể chở từ 100-200 người/chuyến.

ÔNG CHỦ HÀNG KEM KỲ QUẶC
Vào sâu trong một con hẻm, tôi bắt gặp cửa hiệu kem Gelateria Alaska - quán kem Gelato ngon nhất ở đây. Lúc tôi ghé qua, ông chủ đang quát nạt một nhóm khách chỉ vì họ muốn xem hết các vị kem trước khi quyết định sẽ mua vị nào. Thật kỳ quặc! Đến lượt mình, rút kinh nghiệm nên tôi nhanh chóng chọn hai viên kem vị gừng và hạt dẻ cười. Kem rất mềm và mịn. Đến nửa giờ sau, khoang miệng tôi vẫn còn vị nồng, đăng đắng cùng chút ngọt của gừng tươi. Ở đó cũng có khá nhiều vị kem độc đáo bạn có thể thử như quế, lê, nghệ, cần tây hoặc măng tây.

Cũng giống ông chủ hàng kem kia (nhưng thân thiện hơn nhiều), hầu hết người dân nơi đây sống bằng những nghề dịch vụ du lịch như chèo thuyền, mở khách sạn, nhà hàng, quán cà phê hoặc cửa hàng bán rượu vang, thịt nguội, phô mai và cicchetti - món khai vị của người Ý. Nhiều cửa hàng lưu niệm bày bán các loại mặt nạ được làm thủ công, đa dạng từ hình dáng, chất liệu cho tới màu sắc, dù sặc sỡ nhưng vẫn có chút kỳ dị. Lấp lánh và đắt đỏ nhất có lẽ vẫn là những cửa hàng đồ thủy tinh được làm từ các nghệ nhân thủ công sống trên đảo Murano – một đảo nhỏ nằm trong quần đảo Venice. Ở đó có món như những bức tranh theo trường phái trừu tượng, món lại tinh xảo, sắc nét như một bức tượng được điêu khắc cầu kỳ.

NHỮNG QUYỂN SÁCH ĐI THUYỀN
Sau khoảng một tiếng cho phép bản thân “đi lạc”, tôi quyết định hỏi đường để tìm đến hiệu sách Libreria Acqua Alta. Hiệu sách nằm gần nhà thờ Santa Maria Formosa, mở cửa từ 9 giờ sáng cho đến 8 giờ tối hằng ngày. Vì cách khá xa quảng trường San Marco nên những con hẻm dẫn tới đây khá yên tĩnh.

“Acqua Alta” trong tiếng Ý có nghĩa là triều cường, cái tên có lẽ xuất phát từ cách mà hiệu sách này đối phó với tình trạng ngập lụt: những cuốn sách được xếp bên trong chiếc thuyền gondola, thùng gỗ hay thậm chí bồn tắm - những thứ có thể nổi lên trên mặt nước. Bên cạnh những đầu sách chủ đề văn học, nghệ thuật, lịch sử hình thành và phát triển của Venice, nhiều cuốn sách cũ đã bị rách, ố vàng chỉ dùng để trang trí và được coi là một phần nội thất độc đáo của hiệu sách, tạo thành một chiếc cầu thang được làm từ những cuốn bách khoa toàn thư. Rời hiệu sách, tôi mua cho mình một tấm bản đồ mô phỏng Venice thời cổ với giá 5 euro.

Để ý kỹ, ở những địa điểm tham quan nổi tiếng như quảng trường San Marco sẽ có những con đường lát ván gỗ để du khách và người dân có thể đi lại thuận tiện hơn mùa nước ngập. Mức nước ngập có khi lên tới 150cm, ấy vậy mà lễ hội hóa trang Venice sôi động diễn ra vào mùa này vẫn thu hút tấp nập khách du lịch. Còn tôi, với tư cách là một công dân Sài Gòn, việc phải đối phó với tình trạng ngập lụt ở thành phố quê nhà mỗi mùa mưa đã là quá đủ rồi!

Cảm ơn Venice đã luôn dành cho tôi một khoảng thảnh thơi giữa đâu đó những ồn ào của một địa danh du lịch. Nhưng khác với những lần từng đặt chân tới các địa điểm xinh đẹp và luôn muốn quay trở lại, sau lần này, tôi không có ý định quay lại Venice. Không phải vì ghét bỏ nơi đây mà chỉ vì tôi muốn dành thêm cơ hội cho những ai đang có ý định đến vùng đất này. Trong tương lai, chính quyền Venice sẽ siết chặt các hoạt động du lịch trước nguy cơ các đảo vẫn đang lún đi 1-2mm mỗi năm. Bạn hãy đi, trước khi Venice thực sự biến mất!

Bài và ảnh VIỆT HUY
Phụ trách thiết kế TRẦN THỊ THANH TÂM
Thiết kế NGỌC ANH HOÀNG

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/magazine/hay-di-truoc-khi-venice-thuc-su-bien-mat/