Hãy để yên cho 'công chúa' ngủ

Chỉ kém một năm là đầy 30 năm tôi mới quay trở lại Phú Yên. Trong trí nhớ đã bắt đầu suy tàn của tôi, Phú Yên chỉ còn đọng lại hai địa danh Cù Mông và Đèo Cả. Chính vì thế mà khi đáp máy bay xuống sân bay Phú Yên, cảm xúc của tôi òa vỡ, cảm xúc tươi non như đứa trẻ lên 5 thời xa ngái được mẹ nắm tay đưa đi chợ sớm...

1.Xe đưa chúng tôi đi dọc đường Hùng Vương của thành phố Tuy Hòa về Vietstart Resort. Nắng vàng tươi không lay động bởi gió. Dọc hai bên là một phố cũ và một phố đang xây dựng. Bên dãy phố đang xây dựng còn ngổn ngang. Bên dãy phố cũ, những ngôi nhà hiện đại với độ cao tầm tầm giống nhau không tạo sự nhấp nhô mà cũng không có cảm giác đồng phục. Nước sơn màu sáng không bị lở chốc, khiến tôi cứ có cảm giác đang đi trên một con phố của châu Âu. Tôi hỏi chú lái xe:

- Dãy phố bên đấy là nhà dân hay nhà quan?

- Dạ nhà dân chị ạ. Nhà quan ở phố khác.

- Ôi vậy dân Phú Yên cũng giàu có thật đấy.

- Vâng, nhiều người dân Phú Yên biết làm giàu chị ạ.

Dải phân cách giữa hai làn đường hoa vàng trên cỏ xanh đang hấp him con mắt cười khi dàn tưới nước tự động vừa ngắt. Tôi học cách nói tiếng Sài Gòn để cất câu cảm thán, Phú Yên chịu chơi hè.

Ghành đá đĩa.

Ghành đá đĩa.

2.Trại sáng tác lần này do tạp chí Nhà văn và Tác phẩm kết hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên tổ chức được sự tài trợ toàn bộ của Sao Việt. Có một trại viên là một tác giả đặc biệt. Ông nguyên là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên Nguyễn Thành Quang, tên thân mật là Ba Quang. Ông đã cho một số anh chị em nhà văn những cuộc đi thâm nhập thực tế ở Phú Yên. Nếu không có các cuộc đi đó thì coi như chưa biết Phú Yên.

Buổi chiều tà ông cho chúng tôi đi dọc bờ biển, trên con đường đang được hạ cốt vì “bể mánh” dự án lọc dầu. Trước đây phía dưới con đường là ống dẫn dầu. Nước biển đang sẫm dần vì trời đang chuyển sang tối, nơi dự định làm cảng nước sâu như càng sâu hơn. Vũng Rô nhập nhoạng trong bóng tối thành huyền bí. Buổi tối chúng tôi ăn tối ở làng Cát. Những địa danh lịch sử gợi nhớ một thời hào hùng của nhân dân Phú Yên. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người đã từng chiến đấu tại mảnh đất này nước mắt chỉ chực trào ra khi kể về chuyện cũ.

Ông thường không hẹn trước mà luôn để cho bất ngờ. Ông bảo, sáng mai qua nhà ông rồi ông đưa đi chơi. Ông hẹn đến sớm nhưng cái tính nhà văn quen lề rề người nọ chờ người kia. Đến khi đến được nơi cần đến thì nắng đã đổ đầu. Sự bất ngờ ông dành cho chúng tôi là đến thăm nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền - Mũi Điện (mũi Đại Lãnh) và ngọn hải đăng.

Chúng tôi đi trên con đường đẹp trải nhựa thẳng tắp, con đường mà khi còn tại chức, dù chưa có một đồng trong tay ông vẫn quyết định làm, khi ông về hưu thì còn nút thắt cổ chai, đến nay vẫn còn nguyên đó. Con đường đó mở ra các điểm du lịch đến vũng Rô, Mũi Điện... và các dự án cho du lịch Phú Yên.

Nắng như đổ lửa xuống đầu, đôi chân của những U60, U70 ngại ngần đang át dần cả lòng ham muốn. Ông đọc được sự ngại ngần đó nên đã gọi xe ôm cho chúng tôi. Quả là một hành trình táo bạo, con đường nhỏ ngoằn ngoèo dốc thẳng. Người lái xe dặn, chị cứ bình tĩnh ngồi yên để tôi lái. Anh lái xe đưa cho tôi chai nước suối, chị cầm đi, nắng lắm đổ mồ hôi nhiều đấy.

Tôi bình tĩnh lần từng bước xuống Mũi Điện, nơi cờ Tổ quốc đang phấp phới bay. Một tốp thanh niên từ Đà Nẵng vào, lũ trẻ mang theo cờ đỏ sao vàng để phất lên chụp ảnh. Tâm trạng thật vui khi được hòa cùng bọn chúng đến những nơi tuyệt đẹp của đất nước như thế này. Sự mênh mang của biển cả đẹp hào sảng, chỉ trách vòm ngực mình quá bé và ngôn ngữ mình nghèo nàn để không thể nào diễn tả nổi. Nước mắt trào ra rơi xuống má bỏng sót. Thêm thấu hiểu vì sao bao con người đã ngã xuống trên mảnh đất này.

Ngọn hải đăng được xây từ thời Pháp, có tuổi thọ trên trăm năm, nay đã được sửa lại. Gió mát lồng lộng. Trời quang mây tạnh, đứng trên ngọn hải đăng tầm nhìn xa phải đến hải phận quốc tế.

Thì ra người lái xe cho tôi là người gác đèn biển Nguyễn Trọng Thao. Anh quê Hà Tĩnh, anh đã gác đèn ở nhiều nơi, có nơi cả năm không có đến một bóng người khách lạ. Anh về ngọn Hải đăng này đã được bốn năm. Anh kể có khách du lịch nên vui. Có những người khách 4 giờ sáng đã đến đây để được nhìn thấy ánh bình minh sớm nhất. Dù có ngày đón hàng trăm khách du lịch nhưng các anh vẫn gìn giữ ngọn hài đăng rất sạch sẽ. Đời người gác đèn biển nay đây mai đó, không có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình nhưng sự lạc quan hình như là tính trời phú cho những người gác đèn biển. Anh Thao cười tươi rói trên gương mặt sạm đen nắng gió:

- Tôi lấy vợ muộn, hai con trai còn nhỏ. May tôi về hưu đúng là khi hai con trai đang đến tuổi nổi loạn. Có bố bên cạnh chắc các cu cậu yên ổn mà đỡ nổi loạn hơn.

3. Đến Phú Yên nhiều bạn văn thơ không quên nhắc đến nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, là một “tourguide” nổi tiếng rò re róc rách trong mọi lĩnh vực của Phú Yên. Khi anh dẫn đoàn nhà văn đi tham quan Ghềnh đá đĩa, anh đã trổ tài, kể tường tận đến từng chi tiết các biến cố vui có buồn có trên từng nẻo đường chúng tôi đi qua. Con đường đến Ghềnh đá đĩa đi xuyên qua cánh rừng phi lao. Những cây phi lao cổ thụ tốt bời bời trên cát tạo một cảm xúc về sức sống trường tồn của thiên nhiên chưa bị tàn phá. Cảm xúc này càng ngày càng bị mất đi.

Xem bao nhiêu bức ảnh về Ghềnh đá đĩa cũng không bằng một lần được đến tận nơi để chứng kiến. Sự đặc biệt của địa danh này ở chỗ, mỗi góc nhìn đều có một vẻ đẹp hoàn mĩ.

Còn một nơi nữa khiến cho tôi vô cùng hứng thú, đó là rêu xanh ở xóm rớ. Nhà văn Mộc Miên bảo với tôi:

- Để em hỏi xem rêu xóm Rớ còn không em sẽ đưa chị đi.

- Còn chị ơi nhưng phải đi sớm kẻo triều lên ngập hết không xem được.

Sáng hôm sau, hai chị em ăn sáng rồi dềnh dàng chẳng đi được sớm. Vào được biển xóm Rớ thì cát đã bỏng chân. Dẫm chân trần trên cát bỏng tôi nhớ lại chuyện kể của ông Ba Quang, lúc nghe mà chưa hình dung ra.

- Hồi đó ở đây toàn cát là cát. Lính chúng tôi đi trinh sát phải cầm theo một cánh cây nhiều lá. Khi đi thì lấy cây che nắng, che mắt địch, khi dừng lại thì giẫm chân lên cành lá đó cho khỏi bỏng chân.

Thì ra cát bỏng là thế này đây. Lội qua bãi cát chúng tôi bước qua các tảng đá, chọn một tảng đá ngồi lên rồi thò chân xuống nước biển mát rượi rồi xem vũ điệu của rêu. Đẹp cạn lời. Nước biển trong như chưa khi nào trong đến thế. Rêu xanh nõn múa xoay tròn trong cơn sóng. Nắng vẽ những hoa lấp lánh trên cát dưới đáy biển qua làn sóng. Tôi đồ rằng không chỉ tôi mà nhiều người khác có thể ngồi đây cả ngày chỉ để xem rêu múa và nắng cười.

Tôi mê những cánh đồng bạt ngàn của Phú Yên, tôi mê tảng đá phủ rêu xóm Rớ, tôi mê cái nắng vàng tươi trong veo, tôi mê cánh rừng phi lao vạm vỡ, tôi mê nước biển Phú Yên, trong vắt lạ lùng. Có lẽ trời và biển Phú Yên luôn giao hòa là một khiến biển luôn phản ánh đúng màu da trời, trời xanh biển xanh, trời trắng biển trắng, trời xám biển xám và trời tối biển tối...

Hải đăng gành Đèn ở Phú Yên.

Trong một chuyến đi chơi được đích thân đồng chí Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin - Truyền thông Lê Tỷ Khánh lái xe, khi nghe tôi tả cảm xúc về Phú Yên, đồng chí nói:

- Phú Yên còn nghèo lắm, ít nhà đầu tư.

Tôi biết tâm tư của các nhà lãnh đạo nơi đây lắm chứ. Có nhà đầu tư là có tiền, có công ăn việc làm, GDP tăng, điều này ai chẳng muốn. Nhưng đổi lại cũng mất nhiều thứ lắm. Nước biển có còn trong xanh thế này không? Hay để cá chết trắng bãi biển? Những cánh đồng lúa bạt ngàn có còn nữa không? Dòng mương trong vắt chảy quanh cánh đồng lúa để chiều chiều lũ trẻ nhảy ùm xuống tắm liệu có còn? Hay thành dòng sông chết như sông Tô Lịch? Nắng có còn rờ rỡ thế kia, hay là bị ô nhiễm bởi các hạt li ti mà khi hít vào sẽ nằm im ở phổi? Tại sao chứ, tại sao tôi lại cứ muốn Phú Yên đừng khiến một chàng hoàng tử nào đến đánh thức nàng công chúa đang ngủ. Hãy để cho nàng ngủ yên. Những nước có nền kinh tế phát triển như nước Nhật chẳng hạn, nhiều người dân đã từ bỏ phồn hoa đô thị tiện nghi tối đa để trở về sống mộc mạc với thiên nhiên đó thôi.

Nẫu (một cách gọi nôm Phú Yên) cứ là nẫu như vầy: “Thương chi cho uổng công tình/ Nẫu về xứ Nẫu bỏ mình bơ vơ”. Biết đâu trong cuộc đi tắt đón đầu lại thành đầu tàu là nơi bảo tồn được thiên nhiên và có nguồn nước và không khí trong lành nhất, điều đó mới thật là bền vững.

Y Ban

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/hay-de-yen-cho-cong-chua-ngu-544838/