Hãy để con bạn biết tôn trọng giáo viên

Câu chuyện cô giáo trường THCS Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội) bắt một nam sinh quỳ một tiết học hôm 9-5, trước gần 30 em trong lớp, cô bị đình chỉ giảng dạy 1 tuần, bị luật sư quy vào tội 'làm nhục danh dự người khác' đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Theo như lời cô giáo giải thích, hình phạt quỳ do phụ huynh đề nghị vì nhiều em không tuân thủ nội quy nhà trường.

Bản thân tôi, cũng không cổ súy cho hình thức phạt quỳ của cô giáo. Có nhiều hình thức để xử phạt khác hữu hiệu hơn như chép phạt, đứng cuối lớp, trực lớp, dọn vệ sinh... Nhưng đơn kiện của phụ huynh làm lớn chuyện và hình phạt của nhà trường đình chỉ giáo viên có là quá nặng.

Đối với nhiều bậc phụ huynh, những đứa con giờ được nâng niu như vật báu. Để bảo vệ những thứ quý giá đó, nhiều bậc cha mẹ bất biết đúng sai cứ hễ thầy cô dạy gì “quá” là đến trường lớp làm ầm ĩ; ít thì lên mạng xã hội chửi bới, lăng mạ thầy cô. Thật nguy hại! Thương con không bằng hại con! Thầy cô chán nản, áp lực, sinh ra đối phó, bình quân chủ nghĩa. Các con từ đó lên mặt, không ngại thầy cô. Đành rằng nơi nào đó, trường nào đó không thể tránh khỏi có giáo viên “có vấn đề”. Song, về cơ bản trong môi trường giáo dục đa số họ là người tử tế. Họ đều mong học sinh của mình sẽ trở thành người tốt, người có ích cho xã hội giống như họ đặt niềm kỳ vọng vào con của họ như mỗi chúng ta.

Hình phạt gắn với tình yêu thương của thầy cô sẽ khiến học trò tâm phục khẩu phục hơn.

Hình phạt gắn với tình yêu thương của thầy cô sẽ khiến học trò tâm phục khẩu phục hơn.

Điều khiến nhiều thầy cô giáo sợ “dây” vào học sinh chưa ngoan và thậm chí lờ đi không thực hiện các biện pháp xử phạt gì, bởi nhỡ ra, thông tin lên mạng xã hội kèm theo tác động của dư luận khiến cô có thể mất nghề. Áp lực ghê gớm vậy đấy!

Một cô giáo đang giảng dạy tại một trường THPT ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, trước đây, cô từng dạy ở trường giáo dục thường xuyên quận Tây Hồ. Một ngôi trường khá nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình đặc biệt, trò đặc biệt. Cái đặc biệt ở đây là đa số các con học lực yếu, đạo đức kỷ luật khỏi phải bàn… Việc học sinh hỗn láo với thầy cô giáo xảy ra hàng ngày. Có những học sinh vô lễ là bình thường như cãi lại, không chép bài, bỏ học, đi học muộn, bỏ học đi cướp, thậm chí có học sinh đối mặt với giáo viên còn dọa đâm chết. Cô còn nhớ trường hợp một học sinh ném thước kẻ vào mặt một thầy trên Sở khi nhắc em mất trật tự. Thầy giáo đó đã ốm hàng tháng trời không phải vì đau mà bị tổn thương về tinh thần.

Vậy để làm gì cho các con học sinh chưa ngoan biết vâng lời. Cô giáo cho hay, không phải là học sinh nào mình cũng thành công, nhưng mình biết chắc là đa số các con biết lắng nghe. Mỗi học sinh vi phạm mình rất mất thời gian để tâm sự và trò chuyện cùng, cởi mở để nói chuyện với các em không phải là những câu hỏi tại sao em vi phạm. Mình thường hỏi về những sở thích của các em, hỏi thăm về gia đình và dần dần các con sẽ tin yêu và tự chia sẻ ngược lại. Khi được các con tin tưởng mình bắt đầu phân tích việc các em là sai ở đâu. Trước khi nói các em sai thì mình lại đưa ra mặt mạnh của các em trước. Ví dụ như là con sống rất tình cảm, con thông minh, con hài hước, đẹp trai, xinh gái... và mình không quên khuyến mại các em nụ cười tươi ấm áp. Kế hoạch giáo dục kiểu tâm lý thành công đối với rất nhiều học sinh của mình. Nói thật là mình từng phạt học sinh, mà phạt thì học sinh sợ kinh hoàng.

Nếu như bây giờ chắc mình nổi tiếng lâu rồi vì phạt học sinh. Hình phạt tùy theo lỗi của các con nhưng mình khẳng định phạt trong tình yêu thương của người thầy nên trò nào cũng phục bố mẹ nào cũng cảm ơn. Phạt quỳ cũng có, đứng một chân có, phạt nhai 30 phút không được nghỉ nếu ăn kẹo cao su trong giờ. Phạt đứng lớp, phạt đứng lên ngồi xuống như vụ thầy thể dục bị kỷ luật. Chắc chắn là không thiếu các hình thức phạt lao động 10 phút nhổ cỏ, quét sân trường, lau bảng... các con trước khi lĩnh án phạt của mình đều được giải thích và phải hiểu mình sai và làm theo tâm phục khẩu phục.

Nói vậy không phải để thỏa hiệp với cái chưa đúng hay cái sai của ngành giáo dục. Mà việc gì chúng ta cũng nên nhìn toàn diện; tìm hiểu kỹ trước khi kết luận kết tội ai, cái gì đó. Sự chậm rãi trong phán xét vô cùng quan trọng. Nó cứu hoặc giết chết bất cứ ai, cái gì, ngành nghề nào. Nhưng ở ngành giáo dục là một sự đặc biệt.

Các thầy cô đáng được cổ vũ động viên hơn là soi mói, đay nghiến, chỉ trích, thậm chí dễ dàng kết tội. Cứ con có lỗi, thầy cô xử phạt là đến trường làm loạn lên, đưa thầy cô lên mạng xã hội luận tội, đòi kiện thầy cô ra tòa. Mà những việc làm đó, con cái của chúng ta đều biết hết. Hãy cứ suy xét kỹ mọi chuyện và hình dung một ngày nào đó con bạn không còn sợ thầy cô nữa thì chia buồn với các bạn là con cái các bạn đã bước chân rất gần đến ranh giới thành học sinh hư mất rồi.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hay-de-con-ban-biet-ton-trong-giao-vien-148510.html