'Hãy dạy trẻ biết phải làm gì khi không biết làm gì'

Chủ tịch Hiệp hội các trường quốc tế ở Malaysia cho rằng giáo viên cần khuyến khích và chú trọng phát triển tư duy phản biện, giải quyết vấn đề của học sinh.

Ông Andrew Dalton - Chủ tịch Hiệp hội các trường quốc tế ở Malaysia (AIMS), Giám đốc Giáo dục trường Quốc tế Park City Kuala Lumpur (ISPKL) và trường Quốc tế Park City Hanoi (ISPH) - cho hay tại Malaysia, năm 2011, có 24 trường quốc tế. Đến năm 2019, con số này tăng lên 179 trường.

Hệ thống giáo dục tại Malaysia cũng chia ra công lập và tư thục, quốc tế. Ông Andrew cho rằng dù là công hay tư, chương trình giảng dạy chỉ là khung, yếu tố thực sự quan trọng là cách giáo viên cung cấp kiến thức cho học trò.

Trong bài viết gửi Zing.vn, Chủ tịch Hiệp hội các trường quốc tế ở Malaysia đưa ra quan điểm của ông về giáo dục học sinh trong thế kỷ XXI.

Thước đo của giáo dục không phải điều học sinh biết

Con người đang sống trong thời đại của sự thay đổi, nơi tương lai thường không thể đoán trước và không phải lúc nào cũng tích cực. Cách tốt nhất để quản lý sự thay đổi là dự đoán và chuẩn bị cho nó. Giáo dục là phương tiện tốt nhất để làm điều đó.

Không có khoản đầu tư nào tốt hơn là cho nền giáo dục chất lượng cao cho con bạn. Nhưng, cha mẹ hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình: Thế nào là nền giáo dục tốt?

Ông Andrew Dalton - Chủ tịch Hiệp hội các trường quốc tế Malaysia - cho rằng trẻ em nên được dạy về cách suy nghĩ, không phải điều cần suy nghĩ. Ảnh: Q.Q.

Ông Andrew Dalton - Chủ tịch Hiệp hội các trường quốc tế Malaysia - cho rằng trẻ em nên được dạy về cách suy nghĩ, không phải điều cần suy nghĩ. Ảnh: Q.Q.

Một nền giáo dục để thế hệ trẻ thành công trong thế giới hiện đại phải giúp tư duy tiến bộ. Nó bao gồm và vượt xa các kỹ năng đọc, viết, toán học, và khuyến khích trẻ thành thạo nhiều hơn một ngôn ngữ. Một phần thiết yếu của giáo dục ngày nay là học sinh phải biết công nghệ thông tin và truyền thông.

Ngoài ra, nếu thực sự chuẩn bị cho trẻ có một cuộc sống tích cực trong thế kỷ XXI, cha mẹ, thầy cô cần khuyến khích và phát triển tư duy phản biện, giải quyết vấn đề. Những gì học sinh biết không còn là thước đo quan trọng nhất về chất lượng giáo dục. Thước đo thực sự là khả năng tham gia những gì các em không biết và tìm ra giải pháp.

Điều này liên quan nghiên cứu của nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Jean Piaget. Ông định nghĩa trí tuệ là "biết phải làm gì khi không biết làm gì”. Nói một cách thực tiễn trẻ em nên được dạy về cách suy nghĩ, không phải điều cần suy nghĩ.

Giáo viên là nhân tố đầu tiên quan trọng trong cộng đồng trường học. Những tòa nhà, cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy tốt nhất đều không đáng kể nếu chúng ta không tuyển dụng và giữ chân những giáo viên giỏi nhất.

Trẻ em học tốt nhất khi chúng vui vẻ, thư giãn và thực sự quan tâm những gì chúng đang làm ở trường. Học tập là kết quả tự nhiên của sáng tạo và tò mò của trẻ. Nhà trường nên làm mọi thứ có thể để khuyến khích sở thích hiện tại, tối đa hóa việc học tập xảy ra trong quá trình đó của học trò.

Giáo viên là nhân tố quan trọng nhất

Giáo viên có năng lực và phẩm chất tốt là người chủ chốt để thực hiện những điều trên. Một nụ cười chào đón và thái độ ân cần từ giáo viên mỗi ngày sẽ cho phép trẻ em thấy an toàn và được chú ý, từ đó phát triển sự tự tin của chúng. Giáo viên làm mẫu trong cách cư xử với trẻ em bằng cách tạo ra môi trường tích cực để hỗ trợ việc dạy học trong lớp.

Thầy cô giáo sẽ giúp các em hiểu rằng mỗi người là một cá thể khác biệt, tài năng theo các cách khác nhau. Các em học từ cách khác nhau và học lẫn nhau. Mỗi em sẽ đóng góp điều gì đó riêng cho nhà trường và xã hội. Người dạy cần tôn trọng và chào đón sự khác biệt đó, tạo ra môi trường - nơi các em không cảm thấy mình tốt đẹp hơn hay người khác xấu xí hơn.

Thế giới luôn đa dạng quốc tịch và văn hóa, ngày càng trở nên nhỏ hơn do sự phát triển về công nghệ và du lịch. Các em cũng cần được dạy giao tiếp tự tin và sống và làm việc hòa hợp với những người khác trên toàn cầu.

Nhân tố thứ hai quan trọng không kém trong giáo dục là quá trình nuôi dạy của cha mẹ. Chìa khóa cho phụ huynh là tạo cảm giác phấn khích trong hành trình học tập của trẻ, không gây ra căng thẳng hay lo lắng. Điều này đòi hỏi người lớn phải tham gia các hoạt động đơn giản ở nhà như đọc sách, nói chuyện khích lệ, kích thích trí tò mò và khơi dậy trí tưởng tượng.

Thứ ba, đội ngũ nhân viên của nhà trường cũng quan trọng. Họ tuy ở hậu trường, lại giúp cơ sở giáo dục vận hành hiệu quả. Các bộ phận hành chính, tài chính, an ninh, vệ sinh… đều cần những người tận tâm, nhiệt tình và cống hiến vì lợi ích của học sinh.

Tuy không phải yếu tố tiên quyết, cơ sở vật chất hiện đại, được trang bị đầy đủ cũng hỗ trợ rất lớn cho người học, đặc biệt là những môn liên quan vận động, thí nghiệm...

Ngoài ra, trường học cũng cần có môi trường thú vị, hứng thú, được tổ chức tốt cho học tập như gọn gàng, sạch sẽ, thông tin được hiển thị nơi dễ thấy. Điều đó giúp tạo ra môi trường vui vẻ, trật tự, được quản lý tốt và tập trung việc học.

Thành công của một cộng đồng trường học sẽ không chỉ được đánh giá bằng kết quả học thuật của học sinh, mà bằng mức độ tham gia của các em trong quá trình học tập, sự cống hiến cho xã hội như là những công dân phát triển toàn diện, chủ động về mặt thông tin và năng động.

Gia đình Nam Phi không cho con đến trường, đi nhiều nước để học hỏi Đến Việt Nam dịp Tết Nguyên đán, anh Nasir Pasha (Nam Phi) muốn con biết nhiều hơn về văn hóa, con người nơi đây. Anh không cho con đến trường, mà đi nhiều nơi để học từ thực tế.

Andrew Dalton

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hay-day-tre-biet-phai-lam-gi-khi-khong-biet-lam-gi-post921289.html