'Hãy cứu giáo viên chúng tôi thoát khỏi mô hình trường học mới VNEN'

Đó là lời của một giáo viên tiểu học hiện đang công tác tại Kiên Giang khi được hỏi về mô hình trường học mới VNEN.

Năm học 2012 - 2013, Dự án Mô hình trường học mới VNEN triển khai tại 63 tỉnh, thành phố với tổng số trường tham gia Dự án là 1.447 trường. Từ đó cho đến nay, mỗi khi nhắc đến mô hình trường học mới VNEN là các giáo viên lại thở dài ngao ngán khi dự án đầy những bất cập nhưng vẫn thí điểm khắp nơi và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Bộ GD&ĐT cũng đã nhận ra bất cập của mô hình trường học mới VNEN nhưng lại chưa “thực sự dũng cảm” để loại bỏ nó ra khỏi hệ thống giáo dục khi Dự án này đã hết thời gian thử nghiệm.

Bộ GD&ĐT chỉ ra công văn khuyến khích các trường triển khai VNEN trên cơ sở tự nguyện. Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng VNEN, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của nó để đổi mới phương pháp.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT không hề hướng dẫn cụ thể các địa phương quy trình, biện pháp thực hiện nguyên tắc “triển khai VNEN trên cơ sở tự nguyện” như thế nào. Nhiều ý kiến cho rằng, dù nhận ra nhiều bất cập của Dự án này nhưng nhiều trường vẫn đăng ký tiếp tục triển khai mô hình này theo kiểu “cố đấm ăn xôi”?

Lớp học theo mô hình VNEN

Chia sẻ với PV báo Infonet, một giáo viên tiểu học tại Kiên Giang cho biết: “Xin hãy cứu giáo viên và học sinh thoát khỏi VNEN. VNEN cho đến nay đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh theo chúng tôi vào cả giấc ngủ.

Cho đến giờ tôi đã đứng lớp được hơn chục năm và có 4 năm dạy chương trình VNEN kể từ khi mô hình này được áp dụng tại Việt Nam.

Với kinh nghiệm của mình, tôi có thể thẳng thắn chia sẻ, mô hình VNEN không hề phù hợp với học sinh Việt Nam. Học sinh thì ngày càng kém đi, phụ huynh tất tả tìm chỗ học thêm chui cho con, giáo viên thì mệt nhoài và căng thẳng với bài toán “thành tích”. Đó là những gì VNEN mang lại.

Theo thông tin tôi được biết, năm học 2017 – 2018 tới sẽ có quyết định phủ 100% mô hình này tại các trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Không biết thực hư thế nào nhưng nếu đúng thế thì tôi vô cùng hoang mang và lo lắng”.

Giải thích kỹ hơn về những bất cập của mô hình VNEN, giáo viên này cho biết: “Với mô hình VNEN, giáo viên chúng tôi đã trở thành một diễn viên và công việc hàng ngày là diễn nhiều hơn dạy.

Khi nhận dạy chuyên đề trong mô hình VNEN, đầu tiên học sinh và giáo viên đều phải tập diễn cho giờ dạy mẫu: Nào là giới thiệu bản thân, sở thích, tập luyện các trò chơi, tập tự học…Nhiều hôm cả cô trò diễn tới mệt nhoài mà vẫn chưa đạt đúng nội dung của mô hình VNEN.

Nhiều khi giáo viên diễn còn chưa chuẩn thì học sinh làm sao mà diễn được? Đó mới chỉ là tiết học mẫu còn thế, học thật thì mọi người tưởng tượng thế nào rồi đó.

Giáo viên diễn chưa chuẩn cũng đúng thôi, trước khi chính thức dạy mô hình này chúng tôi được đưa đi tập huấn theo dự án. Tập huấn vẻn vẹn trong vài buổi, có những giáo viên tập huấn xong còn hoang mang hỏi không biết sau này dạy cái gì vì tập huấn chỉ diễn ra trong vài buổi theo kiểu chắp vá đầy bất cập.

Đó là chưa kể, mô hình này đang biến học sinh – thế hệ tương lai của đất nước thành những con vẹt thực sự. Không phải học sinh nào cũng có khả năng tự tìm tòi và chiếm lĩnh kiến thức nhât là khi một lớp học có sĩ số khoảng 40 em. Mô hình này chỉ hợp với học sinh có lực học khá giỏi chứ những em học kém ngày càng trở nên tự ti, thụ động vào người khác.

VNEN đang làm học sinh lười học, ngồi nhóm theo mâm thì nói chuyện. Đáng sợ hơn cả, không ít lần tôi gọi học sinh nhận xét ý kiến của bạn. Hầu hết các con đều nói: “Con đồng ý với ý kiến của bạn” nhưng khi tôi yêu cầu học sinh nhắc lại ý kiến của bạn là gì thì các con đều im lặng không nói nổi.

Rồi cũng không hiếm gì những chuyện, hỏi các con đáp án, các con nói đúng ngay nhưng khi vặn lại, “tại sao còn tìm được đáp án này” thì các con cũng lặng im luôn. Vì sao ư? Vì đơn giản là các con đang chép bài của bạn học tốt nhất trong nhóm, ví dụ nhóm trưởng là được bài là các thành viên còn lại thi nhau chép.

Là một giáo viên, tôi khẩn thiết mong Bộ GD&DT sớm có những quyết sách giải quyết triệt để tình trạng trên. Hãy đưa ngay VNEN ra khỏi hệ thống giáo dục vì tương lai của biết bao thế hệ học sinh”.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hay-cuu-giao-vien-chung-toi-thoat-khoi-mo-hinh-truong-hoc-moi-vnen-post232261.info