Hãy chung tay 'cứu' vỉa hè

Trên nhiều tuyến đường, vỉa hè vốn dĩ dành cho người đi bộ nay lại đang 'bất đắc dĩ' trở thành nơi dừng đỗ xe, địa điểm bán hàng rong, tập kết vật liệu xây dựng thậm chí là 'đường đi riêng' cho ô tô, xe máy vào giờ cao điểm. Đáng nói, nhiều vỉa hè trong Thành phố lại đang có dấu hiệu xuống cấp, gây ảnh hưởng đến người đi bộ và mỹ quan đô thị

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số tuyến đường như: Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Phong Sắc, Khuất Duy Tiến, Tố Hữu, Lê Văn Lương... không ít đoạn vỉa hè đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân chính là do hàng ngày phải “cõng” trên lưng hàng nghìn xe máy, ô tô. Số gạch lát trên vỉa hè không chỉ bị vỡ mà nhiều đoạn bị “cày xới” lổn nhổn rất mất mỹ quan.

Vỉa hè Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy lúc tan tầm (Ảnh: Lê Thắm)

Vỉa hè Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy lúc tan tầm (Ảnh: Lê Thắm)

Đoạn đường vỉa hè Tố Hữu đoạn qua địa quận Hà Đông là một ví dụ. Theo quan sát, vào giờ cao điểm sáng và chiều hằng ngày, xe máy liên tục “leo” lên vỉa hè để di chuyển khiến cho vỉa hè ở đây nhiều chỗ xuống cấp nghiêm trọng.

Bức xúc về tình trạng này, ông Đỗ Văn Ngọc (Hà Đông) chia sẻ: “Tình trạng xe máy “leo” lên vỉa hè giờ cao điểm thường xuyên diễn ra trên con đường này. Mỗi ngày có hàng trăm cái xe máy chở người, chở hàng, chở đủ thứ đồ cứ nhắm vỉa hè mà đi thì tình trạng xuống cấp nhanh chóng là điều hiển nhiên”.

Không chỉ gây mất mỹ quan mà việc vỉa hè bị xe cộ “cày xới” cũng ảnh hưởng tới an toàn của người đi bộ nhất là những lúc trời tối. Bà Vân Anh (Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy) chia sẻ: “Chỗ vỉa hè từ số 89 đến số 85 Nguyễn Phong Sắc bị xuống cấp cũng khá lâu rồi, gạch đá lổn nhổn, rất nguy hiểm cho người đi bộ đặc biết là vào buổi tối. Tối hôm trước hai bà cháu tôi ra đường đi dạo, không để ý vấp ngã xây xát hết cả chân tay”.

Vỉa hè Nguyễn Phong sắc từ số nhà 89 đến 85 xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: Lê Thắm)

Theo tìm hiểu, tại Khoản 4, Điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26-5-2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng với mỗi hành vi như điều khiển xe máy đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà).

Trường hợp điều khiển ô tô đi trên vỉa hè sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Tuy nhiên, trên thực tế việc xử phạt đối với hành vi điều khiển xe đi trên hè phố hầu như chưa được thực hiện.

Vỉa hè bị xe máy, ô tô “cày xới” đã tồn tại suốt thời gian dài nhưng vẫn chưa được các đơn vị liên quan giải quyết triệt để.

Để lập lại trật tự trong quản lý đô thị, trả lại vỉa hè dành cho người đi bộ, các cơ quan chức năng cần sớm khắc phục các điểm vỉa hè bị xuống cấp. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay bảo vệ vỉa hè.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hay-chung-tay-cuu-via-he-81183.html