Hậu World Cup, bằng tiến sĩ 'cắm' ở tiệm cầm đồ đi đâu, về đâu?

Theo chia sẻ của các chủ tiệm cầm đồ, rất nhiều các văn bằng, chứng chỉ như bằng tiến sĩ, đại học… sau khi bị cầm cố lấy tiền cá độ World Cup, hầu hết không được chủ nhân 'chuộc' lại.

Một nam thanh niên đi "cắm" bằng đại học mùa World Cup 2018 - Ảnh: cắt từ clip.

Anh N.Q.T (38 tuổi), chủ một tiệm cầm đồ trên phố Lương Định Của (Đống Đa, Hà Nội), đưa cho chúng tôi xem một xấp giấy tờ bao gồm bằng đại học, chứng minh nhân dân và cả bằng lái xe của một nam thanh niên quê ở Thanh Hóa.

“Cầm từ đợt Euro 2016, giờ vẫn vứt xó đấy”, anh T. kể. Cũng theo nam chủ quán, với 3 loại giấy tờ trên, anh đã cho thế chấp với số tiền lên đến 10 triệu đồng, và giờ thì chúng trở thành những giấy tờ gần như vô giá trị.

“Bán cũng không được mà về tận quê đòi tiền thì cũng không bõ công”, anh T. ngán ngẩm và cho hay số tiền 10 triệu chẳng đủ chi phí cho một “ekip” đòi nợ vượt hàng trăm cây số từ Hà Nội về Thanh Hóa.

Theo tìm hiểu thực tế của PV Báo Lao Động, tình trạng này từng diễn ra khá phổ biến tại các tiệm cầm đồ trên địa bàn Hà Nội. Một số tuyến đường nổi tiếng với những dịch vụ cầm cố đồ đạc như đường Láng (Đống Đa), phố Đặng Dung (Ba Đình) hiện tại đã không nhận thế chấp các loại văn bằng, chứng chỉ này.

Chủ tiệm cầm đồ cùng một số giấy tờ bao gồm bằng đại học chưa được "chuộc" lại.

Để tránh tình trạng bị người cầm cố “xù nợ” kiểu này, theo tìm hiểu, tại một số tiệm cầm đồ gần các khu trường đại học như Bách Khoa, Thương Mại, Mỏ - Địa chất…, có 2 đội ngũ chuyên môn khác nhau: Đội thẩm định giá và đội đòi nợ.

Khi một người có nhu cầu cầm cố thẻ sinh viên, bằng đại học…, đội thẩm định giá sẽ “vào việc”. Với thẻ sinh viên, đội thẩm định giá sẽ tìm hiểu bảng điểm, tình trạng học tập và khả năng tài chính của người cầm cố để đưa ra mức thế chấp phù hợp.

Với các loại văn bằng như đại học, thạc sĩ thậm chí cả tiến sĩ, phía thẩm định giá sẽ tìm hiểu về công việc, đời sống thường ngày của những người này qua các kênh đồng nghiệp, người ở cùng xóm trọ, người thân…

“Chúng tôi cũng hoạt động như nghiệp vụ của ngân hàng thôi, không có gì sai pháp luật cả”, một nam thanh niên chuyên công việc thẩm định giá cho một tiệm cầm đồ cho biết.

Đội đòi nợ có công việc nhắc nhở, thu tiền lãi suất hàng tuần, hàng tháng của người cầm cố. Khi người cầm cố có dấu hiệu xù nợ, không muốn chuộc lại đồ, những thành viên này sẽ gây áp lực.

Chính cách hoạt động như vậy đã giúp các tiệm cầm đồ gần các khu vực trường đại học hạn chế tối thiểu rủi ro khi nhận cầm cố các loại văn bằng, chứng chỉ.

“Mùa World Cup 2018, tôi nhận cầm 3 bằng đại học nhưng cũng không lo lắng lắm vì đã nắm hết đầu mối thông tin của những người cầm cố rồi”, một nam chủ tiệm cầm đồ trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm kể.

Tình trạng cầm cố đồ đạc diễn ra rầm rộ mùa World Cup.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, việc các chủ tiệm cầm đồ nhận cầm cố các văn bằng, chứng chỉ không vi phạm pháp luật nhưng không đúng với các quy định liên quan đến hoạt động cầm đồ.

Theo đó, các bên nhận cầm đồ hoàn toàn không thể bán các loại văn bằng này đi theo cách thông thường, mà chắc chắn phải gây áp lực bằng hình thức tín chấp đó để buộc bên cầm đồ phải thanh toán tiền.

“Trong trường hợp nếu có bán các loại văn bằng này thì lại sử dụng vào các hình thức không hợp pháp, ví dụ bán cho các tổ chức chỉnh sửa bằng hay làm giả giấy tờ, tài liệu, từ đó phát sinh ra các hành vi khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây hệ lụy xấu cho xã hội”, luật sư Quách Thành Lực cho hay.

Nhóm PV LĐO

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/hau-world-cup-bang-tien-si-cam-o-tiem-cam-do-di-dau-ve-dau-619109.ldo