Hậu vụ nổ Beirut, Lebanon rơi vào khủng hoảng: Vì đâu nên nỗi

Bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế, cùng nhiều vấn đề tồn đọng đã 'bùng cháy' cùng vụ nổ tại Beirut ngày 4/8, buộc chính phủ Lebanon phải từ chức ngày 10/8.

Thủ tướng Lebanon Hassan Diab phát biểu trên truyền hình, công bố quyết định từ chức của Chính phủ ngày 10/8. (Nguồn: AP)

Phát biểu trên truyền hình Lebanon, tuyên bố quyết định từ chức của Chính phủ, Thủ tướng Hassan Diab cho rằng vụ nổ ở cảng Beirut, tàn phá thủ đô và gây phẫn nộ dư luận là kết quả nạn tham nhũng tràn lan. Ông bày tỏ sự ủng hộ lời kêu gọi của người dân về đưa những người chịu trách nhiệm về “tội ác này” ra vành móng ngựa.

Trước đó, trong bối cảnh có tới 4 bộ trưởng từ chức và nhiều số khác chuẩn bị có động thái tương tự, ông Diab không có nhiều lựa chọn ngoài việc nộp đơn từ chức của Chính phủ cho Tổng thống Michel Aoun, vốn sớm được phê chuẩn ngay sau đó. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Tổng thống, Chính phủ do ông Diab đứng đầu sẽ tạm thời đảm nhận công việc đến khi nội các mới thành lập.

Vụ nổ tại Beirut ngày 4/8 không chỉ để lại hệ quả nghiêm trọng cho toàn Lebanon, song sự chậm trễ của Chính phủ Lebanon trong kiểm soát thương vong, khắc phục hậu quả từ vụ nổ mới là thứ châm ngòi cho bất ổn đã âm ỉ cháy từ lâu trong lòng xã hội Lebanon.

Thứ nhất, chính trường Lebanon thường xuyên phải đối mặt với bất ổn chính trị đến từ chia rẽ tôn giáo. Theo thống kê năm 2012 của tổ chức Dữ liệu Lebanon có trụ sở tại Beirut (Lebanon), quốc gia này có 54% dân số theo đạo Hồi (27% người Shiite, 27% người Sunni) và hơn 40,4% người theo đạo Thiên chúa (21% theo đạo Maronite).

Sự chia rẽ này thể hiện rõ trong Chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab: Dù là người theo đạo Sunni, song ông may mắn nhận được hậu thuẫn từ nhóm Hezbollah và đảng Phong trào Amal thuộc dòng Shiite, cùng Phong trào Yêu nước Tự do của Tổng thống Michel Aoun, người theo đạo Thiên chúa. Tuy nhiên, các khối chính trị thuộc dòng Sunni và đồng minh Thiên chúa giáo lại quay lưng với ông Diab, khiến nhiệm vụ của nhà lãnh đạo này, vốn không thuộc bất kỳ đảng phái chính trị nào, trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Điều này dẫn tới vấn đề thứ hai. Việc đối mặt với lực cản lớn từ phe đối lập khiến ông gặp khó khăn trong triển khai cải cách mà ông cho là cần thiết nhằm vực dậy đất nước. Thất bại trong cải cách và giải quyết hậu quả của vụ nổ ngày 4/8 cũng là điều được Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel Samad thừa nhận trong bài phát biểu từ chức hôm 9/8.

Thứ ba, cải cách thất bại làm cho nền kinh tế quốc gia Trung Đông lún sâu trong khủng hoảng. Trên thực tế, kinh tế Lebanon đã suy thoái trầm trọng từ dưới thời người tiền nhiệm của ông Diab, cựu Thủ tướng Saad Hariri. Lạm phát tăng 100% trong năm qua. Là quốc gia tiêu thụ nhiều bánh mỳ dẹt, song sản lượng nông nghiệp của quốc gia này chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu nội địa và thường xuyên phải nhập khẩu từ Nga và Ukraine.

Hậu quả của vụ nổ tại Beirut, cùng tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, càng khiến câu chuyện này khó khăn hơn bao giờ hết. Các quốc gia, tổ chức viện trợ sẽ buộc phải tìm cách vận chuyển hàng chục nghìn tấn lúa mỳ vào Lebanon, trong bối cảnh cảng lớn nhất quốc gia này bị phá hủy và phải đóng cửa để tu sửa. Phương án hiện tại là trung chuyển qua Cảng Tripoli (Libya), xong chiến sự hiện tại giữa Quân đội Quốc gia (LNA) và Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) khiến giải pháp này còn đó rủi ro.

Vụ nổ đã châm ngòi và khiến những vấn đề nêu trên “bùng cháy”, thắp lên ngọn lửa giận dữ của người dân Lebanon đối với chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab. Một sự thay đổi là cần thiết, song danh tính người mang lại khác biệt đó cho quốc gia Trung Đông vẫn là ẩn số chưa có lời giải. Quan trọng hơn, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tìm kiếm đối sách hợp lý nhằm hạn chế lây lan, kiểm soát và khắc phục tác động chính trị - kinh tế là bài toán khó với không chỉ của riêng Lebanon, mà còn của toàn thế giới.

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hau-vu-no-beirut-lebanon-roi-vao-khung-hoang-vi-dau-nen-noi-121412.html