Hậu trường vận chuyển xe đua F1, chuyện không phải ai cũng biết

Hậu cần F1 là bộ phận vô cùng tốn kém không thua gì bề nổi của nó. Xe được vận chuyển qua 3 hình thức: đường bộ, đường biển và hàng không.

Đội đua Red Bull sử dụng xe container để chở thiết bị của mình

Đội đua Red Bull sử dụng xe container để chở thiết bị của mình

Không phải ngẫu nhiên mà F1 được mệnh danh là giải đua xe hấp dẫn nhất thế giới. Ngoài lịch sử lâu đời, F1 còn cho mọi người thấy đẳng cấp ở những khoản tiền khủng dùng để đầu tư vào giải đấu hằng năm. Điều này có thể thấy rõ ở những chiếc xe đua được nâng cấp mỗi năm với hàng loạt công nghệ mới.

Tuy nhiên, công tác chuẩn bị vẫn đang là một điều mà nhiều người chưa biết. Hậu cần F1 là bộ phận vô cùng phức tạp và tốn kém không thua gì bề nổi của nó. Trong đó, khâu vận chuyển những chiếc xe đua F1 diễn ra với cả 3 hình thức:đường hàng không, tàu thủy và đường bộ.

Vận chuyển qua đường bộ

Đối với các cuộc đua được tổ chức bên trong châu Âu, các đội có thể sử dụng xe container để chở thiết bị của mình. Các bộ phận quan trọng như: khung gầm, cánh gió, lốp xe, máy tính,... đi trước và thường là ngay sau khi cuộc đua kết thúc. Phần còn lại được chuyển đi sau đó. Tất cả được vận chuyển đến các xe container và được chuyển đến vòng đua tiếp theo. Sẽ có khoảng 3 tài xế trên xe để giúp chiếc xe chạy không nghỉ nhằm tiết kiệm thời gian.

Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu trở nên phức tạp hơn với các cuộc đua diễn ra bên ngoài châu Âu. Đây là lúc họ cần đến những chiếc máy bay và tàu thủy. Cũng tương tự như các chặng châu Âu, các thiết bị, vật liệu được chia thành các phần quan trọng và không quan trọng.

Hàng hóa chuyển bằng tàu thủy sẽ là rẻ nhất, một container nặng 5 tấn sẽ chỉ cỡ mất 6.000 USD tiền chuyên chở

Vận chuyển qua đường biển

Đây là phương án tốt nhất để vận chuyển các thiết bị cồng kềnh và không quá quan trọng trong một chặng đua. Các bộ phận không thiết yếu như giắc cắm, dụng cụ, tòa nhà văn phòng, nhà bếp,... được xếp vào ít nhất 5 bộ dụng cụ khác nhau và được vận chuyển bằng tàu biển. Số lượng của mỗi bộ dụng cụ được tính toán để đến trước chặng đua tiếp theo.

Ví dụ, trong lịch trình tại châu Á có Singapore và Nhật Bản, 2 bộ dụng cụ riêng biệt sẽ được gửi đến Singapore và Nhật Bản. Bộ dụng cụ Singapore sau khi được sử dụng sẽ được chuyển đến Brazil trong khi bộ ở Nhật Bản đang được giữ và sau đó sẽ được sử dụng tại Abu Dhabi.

Những lô máy móc được di chuyển bằng đường hàng không sẽ rời nhà máy để tới trường đua vào ngày thứ sáu, đúng một tuần trước khi hai lượt chạy thử đầu tiên diễn ra

Vận chuyển bằng đường hàng không

Đối với các bộ phận quan trọng hơn sẽ được giao bằng máy bay (được ban điều hành thuê với sự hợp tác của công ty vận chuyển bưu kiện DHL)

Những lô máy móc được di chuyển bằng đường hàng không sẽ rời nhà máy để tới trường đua vào ngày thứ sáu, đúng một tuần trước khi hai lượt chạy thử đầu tiên diễn ra. Khi DHL mang linh kiện đến nơi, họ sẽ tiếp tục nhận trách nhiệm lắp ráp chúng vào gara của từng đội.

Các đội có được các thiết bị cập bến sớm nhất sẽ có lợi thế hơn

Chuẩn bị trước ngày đua

Sang đầu tuần sau, mỗi đội sẽ cử khoảng trên dưới 20 nhân viên để thực hiện những thao tác chuyên môn như khởi động máy móc… nhằm đảm bảo chúng hoạt động tốt cho ba ngày cuối tuần. Đây sẽ là một lợi thế rất lớn cho các đội có được các thiết bị cập bến sớm nhất.

Chi phí

Hàng hóa chuyển bằng tàu thủy sẽ là rẻ nhất, một container nặng 5 tấn sẽ chỉ mất cỡ 6.000 USD tiền chuyên chở. Còn tổng chi phí mỗi năm phải chi cho việc chuyển phát máy móc thì rơi vào khoảng 3,5 triệu USD.

Về số lượng nhân viên, kỹ sư đi kèm phục vụ. Các đội được giới hạn ở mức 60 người/1 đội, đó là số nhân lực thực hiện trực tiếp những công việc liên quan tới đua xe. Nhưng bên cạnh đó đội đua cần phải mang theo đội ngũ nhân viên quảng cáo cũng như là lực lượng hậu phương như phục vụ ăn uống, bảo vệ,... Tổng cộng khoảng gần 80 người cho mỗi chuyến đi.

Hoàng Anh (tổng hợp)

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/hau-truong-van-chuyen-xe-dua-f1-chuyen-khong-phai-ai-cung-biet-d466626.html