Hậu trường tranh đấu sau sự sụp đổ hòa đàm của TT Trump với Taliban

Sự kiện lẽ ra là thành công lớn nhất của tổng thống Trump hóa ra lại được chuẩn bị vội vàng, rồi hủy bỏ cũng vội vàng.

Vào ngày thứ sáu trước kỳ nghỉ lễ Lao động ở Mỹ, Tổng thống Trump tập hợp các cố vấn cấp cao tại Phòng Tình huống, họ cân nhắc về kế hoạch có thể trở thành di sản lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump: một kế hoạch hòa bình với Taliban sau 18 năm cuộc chiến tại Afghanistan.

Một tuần sau đó, bằng hàng loạt tweet, Tổng thống Trump tối 7/9 tuyên bố hủy bỏ đàm phán hòa bình với Taliban, cuộc chiến 18 năm ở Afghanistan vẫn chưa thấy hồi kết.

Những diễn biến hơn một tuần qua, khi hòa bình ở Afghanistan đang “trong tầm tay” bỗng trở nên xa vời, một lần nữa cho thấy sự bấp bênh, khó lường trong cách xử lý ngay cả các vấn đề hệ trọng nhất của Tổng thống Trump.

Mọi mặt trong nhiệm kỳ của ông Trump gần 3 năm qua dường như lặp lại, gói gọn trong hơn một tuần: từ tham vọng “thắng lớn”, luôn muốn chứng tỏ mình làm được những điều người tiền nhiệm không làm nổi, đến sẵn sàng phá bỏ thông lệ, tâm trạng thay đổi thất thường, và đấu đá giữa các cấp dưới, theo bình luận của New York Times.

Chấm dứt chiến tranh Afghanistan là lời hứa tranh cử hàng đầu của ông Trump. Ảnh: New York Times.

Chấm dứt chiến tranh Afghanistan là lời hứa tranh cử hàng đầu của ông Trump. Ảnh: New York Times.

Thỏa thuận hòa bình nhưng không kèm ngừng bắn

Chấm dứt chiến tranh Afghanistan là lời hứa tranh cử hàng đầu của ông Trump. Trong gần một năm, với 9 vòng thương thảo, nhà đàm phán Zalmay Khalilzad đã thay mặt tổng thống Mỹ đối thoại với Taliban.

Trở lại cuộc họp trong Phòng Tình huống vào ngày 30/8, khi ông Trump gặp các cố vấn, viễn cảnh hòa bình lúc ấy đã gần hơn bao giờ hết, dù vẫn còn bất đồng nội bộ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo và ông Khalilzad lập luận rằng Mỹ có thể đạt thỏa thuận để dần rút quân, đồng thời nhận được cam kết không tiếp tục khủng bố của Taliban.

Còn cố vấn an ninh quốc gia theo xu hướng “diều hâu” John Bolton cho rằng ông Trump vẫn có cách để vừa có thể giữ lời hứa tranh cử là rút quân Mỹ, vừa không phải bắt tay với lực lượng đã gây ra nhiều cái chết của lính Mỹ.

Pompeo và đồng minh ngày càng cô lập được Bolton, theo New York Times.

Tổng thống Trump thích thú với ý tưởng sẽ mời các bên đến hoàn tất đàm phán ở Washington - một viễn cảnh sẽ thỏa mãn mong muốn “bất di bất dịch” của ông: biến mọi thứ thành những màn trình diễn đầy kịch tính.

Ngoại trưởng Mike Pompeo (trái) và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton có quan điểm khác nhau về lộ trình hòa bình ở Afghanistan. Ảnh: New York Times.

Ông thậm chí còn muốn mời Taliban đến trại David ở Maryland, nơi nghỉ dưỡng của các tổng thống Mỹ - một ý tưởng vô cùng táo bạo. Trong mắt người Mỹ, trại David như một biểu tượng của chức tổng thống Mỹ, và là nơi sẽ tổ chức kỷ niệm long trọng buổi tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố 11/9. Ông Trump lại muốn mời một tổ chức mà Mỹ coi là khủng bố tới đây.

Khalilzad, nhà đàm phán của Mỹ, tuyên bố đã đạt được thỏa thuận “về nguyên tắc” để đưa cuộc chiến 18 năm - dài nhất trong lịch sử Mỹ - đến hồi kết. Theo đó, 5.400 trong số 14.000 lính Mỹ sẽ rút trong vòng 4 tháng rưỡi, số còn lại sẽ rút sau đó.

Nhưng ông Khalilzad không nói rõ về các nhượng bộ của Taliban, theo Economist. Dù Taliban đang hứa sẽ không che giấu các phần tử khủng bố như al-Qaeda, chưa rõ điều kiện này sẽ được thực thi như thế nào. Không có lời hứa nào về ngừng bắn. Thay vào đó, thương thảo tập trung vào việc giảm bạo lực xung quanh các căn cứ Mỹ. Lực lượng Afghanistan, vốn chịu thương vong nhiều nhất trong cuộc chiến, dường như không nhận được nhượng bộ nào, theo Economist.

Những ngày sau đó, ngày càng có nhiều ý kiến hoài nghi về hướng đi của đàm phán. Chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cũng nói chưa có các biện pháp đảm bảo ổn định. Một số vụ đánh bom ở Kabul làm chết hàng chục dân thường.

Một số quan chức, nghị sĩ Mỹ, nhất là John Bolton, cảnh báo ông Trump rằng khó có thể tin một nhóm như Taliban trong việc đẩy lùi khủng bố al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo (IS).

Chín cựu đặc phái viên của Mỹ ở Afghanistan cảnh báo rút quân quá nhanh sẽ chỉ dẫn đến nội chiến, theo Economist.

Zalmay Khalilzad, nhà đàm phán Mỹ, đã tuyên bố thỏa thuận “về nguyên tắc” đã đạt được giữa Mỹ và Taliban. Ảnh: New York Times.

Trại David là nguồn cơn bất đồng?

Sau đàm phán ngày 1/9 ở Doha, Qatar (hai ngày sau cuộc họp ông Trump với các cố vấn), hai bên đã soạn ra thỏa thuận, và đã ký nháy vào bản thảo để gửi lại cho chủ nhà Qatar.

Trước khi họp xong, ông Khalilzad mời Taliban đến Washington, và Taliban đồng ý, với điều kiện chuyến đi diễn ra sau khi công bố thỏa thuận.

Đây được cho là điểm bất đồng căn bản khiến đàm phán đổ vỡ, theo New York Times. Ông Trump muốn trại David là nơi hoàn tất thỏa thuận. Dù không tham gia vào chi tiết đàm phán - vốn là những vòng thương thảo tế nhị, mong manh nhằm đem lại hòa bình cho một khu vực phức tạp, nhưng ông Trump vẫn muốn đứng ra là “người hùng” giúp các bên đạt được thỏa thuận.

Ông Trump cũng đã cử cấp dưới mời chính phủ Afghanistan. Tổng thống Ghani không có nhiều lựa chọn. Trong nhiều tháng, người Mỹ như đã dùng cuộc bầu cử tháng 9 ở Afghanistan làm “con tin”. Ông Ghani muốn tái đắc cử, nhưng nếu thỏa thuận Mỹ - Taliban thành công, cuộc bầu cử nhiều khả năng sẽ bị lùi lại.

Riêng Taliban dường như không thích ý tưởng gặp ông Ghani ở trại David. Ngày 8/9, nhóm này cho biết ông Trump đang “lầm tưởng” nếu cho rằng có thể để hai bên ngồi lại với nhau ở đây, vì “chúng tôi không công nhận chính phủ ở Kabul”.

Phái đoàn Taliban ở Doha, Qatar vào tháng 7. Ảnh: AFP.

Xung đột sẽ ngày càng đẫm máu

Theo New York Times, người Mỹ cũng đã vội vàng trong việc giải quyết những vấn đề tồn đọng, chỉ vài ngày trước cuộc gặp ở trại David - vốn cũng đã là ý tưởng phút chót. Một tồn tại là việc thả hàng nghìn tù nhân Taliban trong các nhà tù Afghanistan.

Chính phủ của ông Ghani cho rằng người Mỹ đã quyết định thay họ, và coi đó là điều không thể chấp nhận. Nếu vậy, đổi lại, Taliban sẽ phải đồng ý ngừng bắn, điều mà nhóm nổi dậy không hề muốn vì bạo lực là lá bài duy nhất của họ.

Những ngày đàm phán cuối cùng hòng “cán đích” thỏa thuận hòa bình đã diễn ra trong bối cảnh bạo lực gia tăng. Quân Mỹ gia tăng sức ép, giữa lúc Taliban tiếp tục tấn công.

Đến ngày 5/9, các cố vấn báo với ông Trump về vụ đánh bom xe giết chết 12 người, bao gồm một lính Mỹ. Đến lúc này, cấp dưới của ông Trump không còn chia rẽ nữa. Tất cả nhất trí sẽ không thể chào đón Taliban tại trại David sau khi một lính Mỹ thiệt mạng trong cuộc tấn công của chính nhóm này.

Đến tối ngày 7/9, sau loạt tweet của ông Trump, thế giới mới biết cuộc đàm phán đã bị hủy bỏ, và địa điểm đàm phán hóa ra là ở trại David.

Taliban phản ứng, cho biết quyết định của ông Trump sẽ chỉ gây hại cho nước Mỹ. Economist bình luận nếu đây là cách ông Trump muốn gây áp lực lên Taliban, thì sẽ phản tác dụng, vì Taliban chưa bao giờ tin tưởng Mỹ.

Chính phủ Afghanistan đổ lỗi cho Taliban, và nói bạo lực chỉ làm cho tiến trình hòa bình khó khăn hơn.

Tổng thống Ashraf Ghani của Afghanistan. Chính phủ của ông đã không được tham gia vào đám phán. Ảnh: New York Times.

Quan chức Mỹ thì nói mọi chuyện chưa kết thúc. Cuộc đàm phán đã bị hủy bỏ, nhưng thỏa thuận chưa được chấp thuận, cũng chưa bị từ chối. Với ông Trump là người quyết định, chuyện gì cũng có thể xảy ra, New York Times bình luận.

Theo Economist, ngay lúc này, bạo lực sẽ chỉ leo thang, khi hai bên đều muốn chứng tỏ mình không ngần ngại hủy bỏ đàm phán.

Tình hình quân sự trên thực địa vẫn sẽ không thay đổi. Taliban vẫn đang giành thêm kiểm soát, và Mỹ sẽ không thể thắng. Quân đội Afghanistan vẫn tiếp tục tổn thất một cách khó duy trì lâu dài. Người Mỹ ngày càng mệt mỏi. Cuối cùng, hai bên có thể sẽ bế tắc đến mức phải nối lại đàm phán, theo Economist, nhưng trước mắt cuộc chiến 18 năm vẫn sẽ leo thang.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hau-truong-hon-loan-sau-su-sup-do-hoa-dam-cua-tt-trump-voi-taliban-post988077.html