Hậu trường tác nghiệp báo chí ở thượng đỉnh Mỹ-Triều

Hơn 3.000 phóng viên tham gia đưa tin tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 là hơn 3.000 câu chuyện tác nghiệp khác nhau. Háo hức có, mệt mỏi có, vất vả thì vô vàn, nhưng trong những câu chuyện ấy, tôi vẫn luôn thấy bóng dáng của một người bạn đồng hành quen thuộc: 'Việt Nam'.

Có lẽ đã từ lâu rồi, thủ đô Hà Nội mới có dịp rộn ràng đến như vậy. Trên các ngả đường khu vực trung tâm thành phố, những chiếc máy ảnh du lịch đã nhường chỗ cho ống kính chuyên nghiệp, hệ thống máy quay tối tân, gần 3.000 phóng viên nước ngoài và 550 phóng viên Việt Nam đang hối hả đưa những dòng tin nóng hổi về Hội nghị thượng đỉnh lần 2 lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Cuộc chạy đua âm thầm về tin tức, những đêm thức trắng chờ đợi, những bữa ăn vỉa hè vội vã…, tất cả đã trở thành một phần không thể thiếu của giới phóng viên tác nghiệp tại Hà Nội trong suốt những ngày qua.

Từ câu chuyện “chiếc thang 300”

Đối với cánh phóng viên, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 như một cơ hội vàng để cả “làng báo” cùng hội tụ. Quả thực, chưa có khi nào Hà Nội lại nhiều phóng viên quốc tế đến như thế. Con phố Thợ Nhuộm chỗ giao nhau với đường Lý Thường Kiệt gần khách sạn Melia - nơi nghỉ ngơi của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, biết bao phóng viên tay ống kính, cổ đeo máy ảnh, cầm đồ nghề tất tả chạy đua chỉ để kịp chớp lấy những khung hình đắt, độc.

Trong những ngày “chiến đấu” rực lửa ấy, chúng tôi vẫn hay nói đùa với nhau rằng, đặc sản của giới phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 không phải là tốc độ, mà có lẽ chính là…thang gấp.

Phóng viên nước ngoài tác nghiệp trên đường phố Hà Nội.

Phóng viên nước ngoài tác nghiệp trên đường phố Hà Nội.

Thang có mặt ở khắp mọi nơi, trước cửa khách sạn Melia, ngay cạnh rào chắn của lực lượng an ninh, đối diện khách sạn JW Marriott và ở bất cứ đâu được dự đoán hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ đi qua. Nhưng việc trang bị sẵn một chiếc thang khi bạn là phóng viên quốc tế không hề đơn giản, bởi chẳng ai dễ gì mang theo mình thứ đạo cụ cồng kềnh đó lên máy bay. Và thế là dịch vụ thuê, mua thang gấp tại chỗ ra đời.

“Nếu thuê thì 300.000đ, nếu mua thì 500.000đ, loại xịn thì 700.000đ. Thuê và nhanh quay lại nhé!”, chúng tôi bật cười khi nghe nhóm tác nghiệp tiếng Anh của kênh Arirang dặn dò anh chàng phóng viên. Kể từ đó, câu chuyện truyền miệng “cái thang 300” được ra đời.

Trong cuộc chạy đua đưa tin, một dụng cụ đơn giản như chiếc thang lại có thể giúp ích cho phóng viên rất nhiều. Với Toni Semaan, phóng viên kênh Sky News, chiếc thang sẽ giúp anh giữ được vị trí đẹp khi tác nghiệp, nhất là khi các khu vực chụp ảnh và quay phim thường khá hẹp, lại “đất chật người đông” và phải giữ chỗ từ rất sớm.

Không ít kênh truyền hình Hàn Quốc còn dùng thang để hỗ trợ dựng trường quay “dã chiến” tại khách sạn Melia. Khi bối cảnh quay ở khá xa và khung hình quá cao, chiếc thang sẽ là vị cứu tinh cho các MC để lấy trọn được góc hình đẹp nhất, như cách mà Đài KBS đã làm khi đoàn xe đưa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến khách sạn Melia vào sáng 26-2.

Đến nỗi vất vả không tên khi tác nghiệp

Nhưng nếu như bạn thậm chí không thể mang theo thang tác nghiệp thì sao? Đó chính xác là những gì đã xảy ra với nhóm phóng viên tại sân bay Nội Bài khi chuyên cơ Không Lực Một chở Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ cánh.

“Chẳng gì khó bằng tác nghiệp sân bay”, anh đồng nghiệp trẻ tuổi khẽ lắc đầu khi tôi tò mò hỏi. Anh kể lại, để tham gia đoàn đưa tin sân bay, bên cạnh thẻ tác nghiệp đã phải đăng ký từ trước đó, các phóng viên còn cần phải tập trung từ 6 tiếng trước khi chuyên cơ hạ cánh để cùng di chuyển đến sân bay trên chiếc xe do Bộ Ngoại giao chuẩn bị. Để đảm bảo an ninh, phóng viên khi đi qua cổng kiểm tra sân bay đều phải để lại hầu hết các đồ đạc, balo, chỉ được mang máy ảnh, ống kính và một số thiết bị tác nghiệp cần thiết.

Phóng viên nước ngoài chờ đón Chủ tịch CHDCND Triều Tiên trước khách sạn Melia.

Nhưng, những phóng viên ấy vẫn sẵn sàng chờ đợi 6 tiếng đồng hồ trong điều kiện tiết trời lạnh giá, mưa phùn, tầm nhìn chụp ảnh hạn chế, chỉ được đứng ở vị trí cố định, vốn thường ở rất xa. Tôi tự hỏi, nếu không phải vì tình yêu nghề, bằng cách nào họ có thể kiên trì và máu lửa đến thế? Nhìn nụ cười rạng rỡ nở trên môi anh bạn đồng nghiệp khi chớp được “khoảnh khắc vàng” của Tổng thống Trump lúc rời chuyên cơ, tôi chẳng cần phải đi tìm câu trả lời thêm nữa.

Rảo bước về khách sạn Melia giữa những dòng suy tư về câu chuyện sân bay, tôi không khỏi trầm trò trước số lượng phóng viên hùng hậu đến từ các hãng thông tấn, truyền thông nổi tiếng như: Yonhap, Reuters, AP, NHK, SBS, DPA... luôn sẵn sàng túc trực tại đây.

Khách sạn Melia chính là nơi nghỉ ngơi của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng phái đoàn trong suốt kỳ thượng đỉnh này. Vì lẽ đó, một loạt máy quay từ các hãng thông tấn lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản luôn được dựng sẵn bất kể ngày đêm.

Bắt đầu từ sáng 27-2, hàng trăm phóng viên đã “đổi hướng”, đổ dồn về khách sạn Metropole và túc trực ở đây từng phút, bởi đây là nơi sẽ chính thức diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều. Những bữa trưa vội trên đường phố trở nên quen thuộc với cánh phóng viên “trực chiến”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Kim Tae Hwan, thành viên đoàn tác nghiệp của Đài MBC, Hàn Quốc tiết lộ, mặc dù đã có một kế hoạch làm việc tổng thể được lên từ trước, nhưng lịch trình tác nghiệp của phóng viên MBC “luôn luôn bị xáo trộn”. “Nếu phái đoàn Triều Tiên di chuyển đến đâu, chúng tôi sẽ phải ngay lập tức rời đi theo họ và chờ đợi ở đó”, anh Hwan nói.

Tại khách sạn JW Marriott, nơi nghỉ ngơi của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mặc dù đang là giữa trưa nhưng đối diện cổng chính của khách sạn, một nhóm phóng viên Đài SBS vẫn đang cầm chắc tay máy để chờ đợi đoàn xe tùy tùng của phái đoàn Mỹ chở trang thiết bị đi qua.

Một phóng viên thuộc Đài SBS chia sẻ chân tình khi đang ăn vội ổ bánh mì rằng: “Ai cũng muốn chụp lại những khoảnh khắc quan trọng trước hội nghị. Dù đó là hành động gì chăng nữa, chúng tôi không thể bỏ qua”.

Còn đối với Yonhap News TV, những quay phim thuộc đội ngũ đưa tin xác định luôn trong tình trạng “dốc tận lực” (all-in), sẵn sàng cắm chốt tại khách sạn Metropole dù sớm hay khuya.

Theo anh Eun Sung Lee, quay phim của Yonhap, đội ngũ phóng viên tác nghiệp của hãng được chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu phụ trách đưa tin chuẩn bị cho hội nghị đã đến Hà Nội từ ngày 16-2. Nhóm thứ 2 có mặt tại thủ đô từ 24-2 sau khi nhóm 1 rời đi và sẽ tác nghiệp tại đây cho đến khi hội nghị kết thúc.

Vững tin tác nghiệp khi có Việt Nam bên mình

Hơn 3.000 phóng viên tham gia đưa tin tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 là hơn 3.000 câu chuyện tác nghiệp khác nhau. Háo hức có, mệt mỏi có, vất vả thì vô vàn, nhưng trong những câu chuyện ấy, tôi vẫn luôn thấy bóng dáng của một người bạn đồng hành quen thuộc: “Việt Nam”.

Vừa hạ cánh xuống sân bay Nội Bài đêm 24-2, Steffen Schwarzkopf, phóng viên của kênh truyền hình Welt Channel, Đức cùng ê kíp đã vội vã di chuyển đến khách sạn Melia để kịp thời tham gia “cuộc chạy đua” tin tức.

Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ hiếm hoi, Steffen kể cho tôi nghe cảm nhận của anh về “Thành phố vì hòa bình”. Steffen từng đến Hà Nội du lịch cách đây 15 năm, và giờ anh trở lại nhưng với vai trò của một phóng viên. Dù hóm hỉnh đùa với tôi rằng “Hồ Gươm thì vẫn đẹp như xưa”, nhưng điều khiến Steffen ấn tượng nhất chính là khâu tiếp đón nồng hậu của nước chủ nhà. Anh và đồng sự không gặp bất cứ trở ngại nào trong khâu đăng ký, nhập cảnh và tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí quốc tế.

“Mặc dù tôi không có nhiều thời gian chuẩn bị và mới hạ cánh vào tối qua, nhưng tôi nhận thấy Việt Nam, cụ thể là Hà Nội, đã chuẩn bị rất tốt cho sự kiện này, từ truyền thông, đăng ký tác nghiệp, đưa tin trong thành phố... đến hỗ trợ phóng viên”, anh chia sẻ.

Với anh Hiroshi Kanzaki, phóng viên của Đài Kansai, dù đã tham gia tác nghiệp ở nhiều sự kiện quốc tế lớn, anh vẫn cảm thấy ấn tượng đặc biệt với công tác tổ chức của Việt Nam, đặc biệt đối với Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.

“Điều tôi ấn tượng nhất tại sự kiện này chính là Trung tâm Báo chí quốc tế. Mọi thứ đều rất gọn gàng, có đủ chỗ cho tất cả mọi người và đặc biệt là rất nhiều thức ăn”.

Ngay trước thềm thượng đỉnh Mỹ-Triều, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chọn Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô làm Trung tâm Báo chí Quốc tế (IMC). Được hoàn thiện chỉ trong vòng 10 ngày, Trung tâm Báo chí Quốc tế với những tiện ích, cơ sở vật chất hiện đại được ví như ngôi nhà luôn chào đón và đáp ứng các yêu cầu của gần 4.000 phóng viên hoạt động đồng thời.

Ngoài khu làm việc được trang bị đầy đủ thiết bị văn phòng và dịch vụ viễn thông, trung tâm còn có các phòng riêng để các hãng thông tấn sử dụng. Để hỗ trợ các phóng viên, Trung tâm Báo chí Quốc tế còn thiết kế một khu nhà ăn riêng với nhiều món ăn truyền thống như phở, bún chả, bên cạnh nhiều món ăn được chế biến theo phong cách phương Tây.

Louies Ulrika Bergsten, phóng viên Đài Truyền hình Thụy Điển nhận xét, Hà Nội đã tạo điều kiện tốt nhất cho phóng viên để tác nghiệp không kém gì Singapore - nơi Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên diễn ra.

Không chỉ vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên quốc tế tác nghiệp, Việt Nam và cụ thể là TP Hà Nội còn đưa ra nhiều chính sách ưu tiên dành cho báo chí. Trong suốt quá trình tác nghiệp, các phóng viên được di chuyển miễn phí đến các địa điểm tác nghiệp bằng xe buýt hai tầng và bằng hệ thống taxi chuyên biệt.

Với tấm thẻ tác nghiệp đã đăng ký từ trước, các phóng viên cũng được tham gia các tour du lịch miễn phí quanh Hà Nội, Hạ Long và Ninh Bình, và miễn phí 100% vé tàu hỏa đi tất cả các tuyến trước, trong và sau hội nghị. Rồi cánh phóng viên còn được tặng mô hình trống đồng làm từ gốm Chu Đậu, bộ tem đặc biệt chào mừng hội nghị, tranh Đông Hồ, nón lá…

Sự kiện đã qua, nhưng với các nhà báo quốc tế, một tuần tác nghiệp ở Việt Nam thực sự đã để lại ấn tượng mạnh về sự chuyên nghiệp và hiếu khách của nước chủ nhà.

An Nhiên - Duy Tiến

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/chuyen-hau-truong-tac-nghiep-bao-chi-o-thuong-dinh-my-trieu-tien-535604/