Hậu trường showbiz thế giới sống động trong thế kỉ 20

Di sản của nhiếp ảnh gia huyền thoại Jim Marshall được khai thác và giúp độc giả có cơ hội chiêm ngưỡng những bức ảnh quý về làng giải trí và nước Mỹ những năm 1960 của thế kỉ 20.

Cuốn sách Jim Marshall: Show Me the Picture, là một tập hợp nhiều bức ảnh mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc của phóng viên ảnh Marshall về những huyền thoại của thế giới trong thế kỉ 20.

Do chính trợ lí của Marshall là Amelia Davis biên soạn, cuốn sách ảnh đen trắng ra mắt tháng 9 năm nay. Ảnh: Jim Marshall Photography LLC.

Do chính trợ lí của Marshall là Amelia Davis biên soạn, cuốn sách ảnh đen trắng ra mắt tháng 9 năm nay. Ảnh: Jim Marshall Photography LLC.

Là một nhiếp ảnh gia tự tìm tòi, học hỏi và có phong cách chụp hình riêng, Marshall được quyền tiếp cận chưa từng có trong các sự kiện, hoạt động của những huyền thoại nhạc rock, jazz và dân ca của thế kỉ 20 như John Coltrane, Bob Dylan, Grateful Dead và The Beatles vào những năm 1960 - thời kì hiện tượng văn hóa đối kháng đang phát triển ở Mỹ.

Amelia Davis, người biên soạn cuốn sách và cũng là trợ lý thân thiết của Marshall trong 13 năm cho đến khi ông qua đời vào năm 2010 cho biết: “Ông ấy đã ở đó khi tất cả điều đó bắt đầu. Ông ấy là một trong những nhiếp ảnh gia âm nhạc tuyệt vời và vì vậy các ban nhạc chỉ tin tưởng ông ấy và biết ông ấy sẽ chụp một bức ảnh tuyệt vời cho họ”.

Trong bối cảnh phức tạp của xã hội Mỹ lúc bấy giờ, bao gồm vụ ám sát John F Kennedy (JFK) vào ngày 22/11/1963, quân đội Mỹ tham chiến tại Việt Nam, các vấn đề dân quyền, nữ quyền và quyền của người đồng tính, âm nhạc đã trở thành một phương tiện để giới trẻ thể hiện tiếng nói. Để phản ánh điều này, cuốn sách ảnh cũng có nhiều bức ảnh chưa từng được công bố do Marshall ghi lại tại đường phố New York, tại các công ty khai thác than ở Kentucky hay một nơi đăng ký cử tri ở Mississippi.

Phản ứng của người dân Mỹ khi Tổng thống Mỹ John F Kennedy bị ám sát. Ảnh: Jim Marshall Photography LLC.

Hành trình của một huyền thoại nhiếp ảnh

Sinh ngày 3/2/1936 tại Chicago nhưng Marshall trưởng thành tại San Francisco. Ông tự chọn một chiếc máy ảnh, tự dạy mình cách sử dụng và đi lang thang chụp ảnh thành phố. Davis chia sẻ với DailyMail rằng ông ấy hiểu và cảm nhận được tốc độ màn trập, tốc độ cuốn phim chạy và việc sử dụng ánh sáng tự nhiên.

Khung cảnh thân mật đầy tự nhiên của Johnny Cash cùng vợ June Carter. Ảnh: Jim Marshall Photography LLC.

Sau một năm phục vụ trong Không lực Mỹ, ông chuyển về sống ở nhà của mẹ mình tại San Francisco. Năm 1960, North Beach, San Franciso là khu phố nơi những nhà thơ của thế hệ Beat, như Allen Ginsberg và Lawrence Faleighhetti, dạo chơi. Đó cũng là nơi tuyệt vời để thưởng thức nhạc jazz và giúp Marshall gặp được nghệ sĩ saxophone huyền thoại John Coltrane và có những bức hình và một cuộc phỏng vấn đầy cảm xúc.

Marshall cũng đã chụp ảnh cho nhiều hãng thu âm như Verve và Blue Note khi ông quyết định tự làm việc ở Bờ Đông, khu Greenwich Village từ cuối năm 1962. Trong hai năm tiếp theo, ông đã chụp hình nhiều ngôi sao nhạc dân ca như Joan Baez và Bob Dylan.

Ông cũng chụp hình cho nhiều ấn phẩm tin tức uy tín như Look Magazine và Saturday Evening Post. Khi JFK bị bắn vào ngày 22/11/1963, Marshall đang ở trong tòa nhà Time-Life và ông vội vã chạy ra đường để chụp ảnh phản ứng của mọi người.

Davis chia sẻ: “Bạn cảm nhận được nỗi đau của họ. Bạn cảm nhận được cảm giác sốc của họ. Ông ấy ghi lại được tất cả. Dấu ấn của Jim là ông ấy có thể nắm bắt được cảm xúc và thể hiện được cảm xúc thông qua bức ảnh của mình”.

Marshall quay trở lại San Francisco vào năm 1965 và chứng kiến thời điểm quận Haight-Ashbury trở thành trung tâm của hiện tượng văn hóa đối kháng tại Mỹ. Trong 3 năm sau đó, Marshal chứng tỏ được năng lực của mình và trở thành một phóng viên ảnh âm nhạc hàng đầu thời đại với nhiều bức hình đặc biệt giúp ông nổi tiếng thế giới.

Marshall chụp hình biểu tượng âm nhạc Janis Joblin trong hậu trường tại Winterland, San Francisco năm 1968. Ảnh: Jim Marshall Photography LLC.

Davis nói rằng các nhạc sĩ biết công việc của Marshall và cho ông quyền ưu tiên được tiếp cận họ và công việc của họ.

Marshall đã chụp ảnh các nghệ sĩ ở những thời điểm vô cùng đặc biệt và đầy cảm xúc như bức ảnh ca sĩ người Anh Roger Daltrey của ban nhạc The Who đang vung vẩy tay tại sân khấu Woodstock hay khoảnh khắc huyền thoại nhạc đồng quê Johnny Cash ở cùng cha mẹ và người vợ June Carter tại nhà của họ ở Hendersonville, Tennessee vào Lễ Tạ ơn năm 1969.

Marshall cũng có nhiều kỉ niệm với nhóm Rolling Stones trong thời điểm họ đang ở đỉnh cao. Ông ghi lại được cả những khoảnh khắc trong chuyến lưu diễn năm 1972 của họ và cả khi các thành viên ngồi trong hậu trường trò chuyện với nhau.

Nhóm Rolling Stones trò chuyện trong hậu trường. Ảnh: Jim Marshall Photography LLC.

Tất cả nhân vật trong ảnh của Marshall đều được thể hiện hết sức tự nhiên, giống như những con người trong cuộc sống đời thường. Davis bày tỏ: “Tôi nghĩ đó là những điều làm cho nhiếp ảnh của Jim trở nên nổi bật”.

Sau khi Marshall qua đời vào ngày 24/3/2010 ở tuổi 74, ông đã để lại kho lưu trữ của mình cho Davis, người bạn thân thiết của ông.

Davis chia sẻ: “Jim không có con. Ông ấy coi những bức ảnh là con của mình và ông ấy nói ‘người duy nhất tôi tin tưởng chăm sóc con tôi khi tôi đi vắng là bạn’. Ông ấy là một phóng viên ảnh thực thụ, người ghi lại những điều đã xảy ra và tôi muốn mọi người hiểu điều đó và không chỉ coi ông ấy là một nhiếp ảnh gia âm nhạc. Ông ấy làm được nhiều hơn thế”.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/hau-truong-showbiz-the-gioi-song-dong-trong-the-ki-20-post1013915.html