Hậu trường ghi chép lời tổng thống Mỹ khi hội đàm với lãnh đạo quốc tế

Dù bị cản trở bởi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, các quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn ghi lại được biên bản hội đàm của ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nếu Tổng thống Mỹ Joe Biden có bất cứ thông điệp riêng tư nào gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hội nghị thượng đỉnh ngày 16/6 tới đây tại Geneva, Thụy Sĩ, các phiên dịch viên và nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng sẽ ghi lại toàn bộ.

Đây là một phần của hệ thống tồn tại hàng thập kỷ qua ở Mỹ, nhằm đảm bảo các quan chức cấp cao và nhà sử học có thông tin về những gì tổng thống Mỹ nói với các lãnh đạo nước ngoài, theo AP.

Đối phó với ông Trump

Quy trình được duy trì ngay cả khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tịch thu bản ghi chép của người phiên dịch sau cuộc gặp với ông Putin năm 2017.

Việc ông Trump muốn giữ bí mật nội dung trao đổi với ông Putin làm dấy lên lo ngại từ Mỹ, khi quan hệ giữa hai nhân vật này được đánh giá là “nồng ấm”, theo AP.

Các quan chức Mỹ nhận ra xu hướng thích giữ bí mật của ông Trump. Một quan chức giấu tên cho biết ông Trump thường bỏ qua các cuộc gặp với người phụ tá để được giải thích tình hình, trước khi hội đàm với lãnh đạo nước ngoài.

 Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sau cuộc hội đàm tại Helsinki, Phần Lan năm 2018. Ảnh: NBC.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sau cuộc hội đàm tại Helsinki, Phần Lan năm 2018. Ảnh: NBC.

Quan chức này tiết lộ “các biện pháp mau lẹ” được áp dụng để giữ lại biên bản cuộc gặp của ông Trump với người đồng cấp Nga.

Sau hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tại thủ đô Helsinki, Phần Lan năm 2018, người phiên dịch cho ông Trump lập tức báo cáo tới các quan chức cấp cao về nội dung của cuộc họp, bao gồm việc kích hoạt hiệp ước cho phép Nga tham gia thẩm vấn quan chức Mỹ.

Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2017 tại Đức, dù ông Trump thu lại ghi chép của người phiên dịch, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn có thể phục hồi biên bản nhờ ghi chép của cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson. Tuy vậy, phiên bản này có thể không đầy đủ và chi tiết như phiên bản bị tịch thu.

Khi Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania Trump trò chuyện trong bữa tối với ông Putin tại Hamburg, báo chí Mỹ tường thuật “không có người Mỹ nào khác nghe được” hai nhà lãnh đạo trao đổi gì.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn có thể tái tạo biên bản từ phụ tá của đệ nhất phu nhân, người ngồi cạnh bà hôm đó.

Tổng thống Trump vô tình giúp việc ghi chép lại biên bản rõ ràng hơn, vì ông thường xuyên yêu cầu phiên dịch nhắc lại lời của ông Putin, theo vị quan chức giấu tên.

Biên bản họp sẽ được gửi tới các quan chức cấp cao và lưu trữ. Nó chỉ được giải mật sau một khoảng thời gian quy định.

Các phiên dịch viên đóng vai trò quan trọng trong việc ghi chép lại lời của tổng thống trong cuộc hội đàm với lãnh đạo nước ngoài. Ảnh: AP.

Quy trình ghi chép

Dù ít được chú ý, các nhà ngoại giao, phiên dịch viên và phụ tá tổng thống có vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho giới hoạch định chính sách những gì mà các nhà lãnh đạo nói, dù bản thân tổng thống không mong muốn.

Giới nhà sử học nghiên cứu về các đời tổng thống Mỹ cho rằng đây là một phần cốt yếu trong sự vận hành của chính phủ Mỹ. "Điều quan trọng là sự minh bạch của chính phủ. Khi có khuất tất, sự lạm quyền sẽ xảy ra", giáo sư Đại học New York Timothy Naftali cho biết.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul, người ghi chép chính thức của cựu Tổng thống Barack Obama trong những lần gặp chớp nhoáng với lãnh đạo Nga, miêu tả quy trình ghi lại biên bản các cuộc gặp này là “mệt mỏi”.

Sau khi hai nhà lãnh đạo trò chuyện, ông McFaul phải lập tức phỏng vấn phiên dịch viên của ông Obama và của Bộ Ngoại giao Mỹ, khi ký ức của họ chưa lu mờ. "Điều này rất quan trọng. Đây là cách chính phủ Mỹ biết về những quyết định được đưa ra”, ông nói.

Cho đến những năm 80 của thế kỷ trước, dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan, phiên dịch viên của Bộ Ngoại giao là người có trách nhiệm làm biên bản họp mặt, theo ông Dimitry Zarechnak, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Zarechnak từng phiên dịch trong cuộc gặp giữa Tổng thống Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Biên bản hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/6 sắp tới cũng sẽ được ghi chép cẩn thận. Ảnh: AP.

Theo quy trình khi đó, phiên dịch viên sẽ ghi chép lại để phục vụ quá trình phiên dịch, rồi dùng chúng để lập biên bản. Lúc này, biên bản bao gồm nguyên văn phát ngôn của các nhà lãnh đạo, và phải được hoàn thành trong ngày.

Ông Zarechnak từng phải thức xuyên đêm để hoàn thành biên bản sau một ngày phiên dịch cho Tổng thống Reagan. Kể từ đó, quy trình có sự thay đổi. Một người ghi chép chuyên nghiệp sẽ tham dự cuộc gặp và viết biên bản chính thức. Sau vài thập kỷ, chính phủ Mỹ sẽ giải mật các tài liệu này.

Dựa vào quy trình như trên, Tổng thống Trump có thể né tránh người viết biên bản khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo biết tiếng Anh. Bởi ông có thể đòi tiếp xúc riêng và trò chuyện trực tiếp với họ mà không cần phiên dịch hay phụ tá.

Một quan chức giấu tên nói trên cho biết ông Trump giữ bí mật hoàn toàn cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. “Các anh đi mà hỏi ông Macron”, ông Trump nói với các phụ tá sau cuộc gặp khi được hỏi về nội dung hội đàm.

Việt Hà

Theo AP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hau-truong-ghi-chep-loi-tong-thong-my-khi-hoi-dam-voi-lanh-dao-quoc-te-post1226663.html