Hậu 'thiên đường' của lao động nước ngoài ở Singapore

Những công nhân nước ngoài tại quốc đảo Singapore đang phải sống chật vật với mức lương thấp và suất ăn nghèo dinh dưỡng.

Công nhân xây dựng ngủ dưới gầm cầu đường cao tốc trong giờ nghỉ trưa tại Singapore

Công nhân xây dựng ngủ dưới gầm cầu đường cao tốc trong giờ nghỉ trưa tại Singapore

Đằng sau sự hoành tráng, hoa lệ của các tòa cao ốc hiện đại trên quốc đảo Singapore, những công nhân đã góp sức mình xây dựng nên chúng đang phải sống chật vật với mức lương thấp và suất ăn nghèo dinh dưỡng.

Một thế giới khác của quốc đảo giàu có

Singapore nổi tiếng thế giới với những hình ảnh xa hoa, lộng lẫy tại Gardens by the Bay (Những khu vườn bên Vịnh), khu nghỉ dưỡng phức hợp Marina Bay Sands, được nhắc đến nhiều trong bộ phim Hollywood nổi tiếng Crazy Rich Asians (Con nhà siêu giàu châu Á).

Tuy nhiên, ngành xây dựng trị giá gần 22,5 tỷ USD vào năm 2018 của nước này đang phụ thuộc vào lượng lớn các công nhân nhập cư từ Ấn Độ, Bangladesh và Myanmar. Những công nhân này hiện chỉ đang được trả từ 13-15 USD/ngày làm việc (kéo dài từ 10-12 tiếng), do Chính phủ Singapore không quy định mức lương tối thiểu.

Thu nhập này đồng nghĩa với việc các lao động nhập cư phổ thông được trả lương khoảng 400 USD (khoảng 9 triệu VND) cho một tháng làm đủ ngày và hầu hết các công nhân người nước ngoài này sẵn sàng làm thêm giờ để gia tăng thu nhập.

Do thời gian nghỉ ngơi eo hẹp cùng số tiền lương ít ỏi, những người lao động này tìm đến dịch vụ cung cấp các suất ăn giá rẻ. Với chi phí 90-110 USD/tháng, bên dịch vụ sẽ giao mỗi ngày 3 bữa tới tận nhà trọ và công trường xây dựng. Nghe có vẻ phù hợp và thuận tiện, nhưng trên thực tế, các suất ăn thiếu dinh dưỡng đến mức khó chấp nhận và đôi khi còn ôi thiu do thực phẩm không đảm bảo.

Một bữa sáng thường bao gồm 2 hoặc 3 lát bánh mỳ dẹt theo kiểu paratha hoặc chapatti của Ấn Độ, ăn kèm đậu lăng nấu bơ, hoặc đậu lăng khô và cà ri. Còn bữa trưa và bữa tối thường là cơm trắng với món cà ri (kết hợp thịt và rau củ).

Không chỉ nghèo nàn về dinh dưỡng, bữa trưa thường được giao kèm cùng bữa sáng, để bên cung cấp dịch vụ tiết kiệm chi phí vận hành. Do vậy, đồ ăn không còn nóng và ngon miệng. Có trường hợp các suất ăn này bị thiu, hỏng dưới thời tiết nóng ẩm của Singapore.

Đây cũng là lý do mà Mominul Hassan, một lao động 32 tuổi người Bangladesh, đã sụt mất 10 kg (từ 65 xuống 55kg) trong vòng 8 năm kể từ khi tới Singapore làm công nhân xây dựng.

“Thức ăn khá ổn khi được giao tới nhưng đến khi ăn, chúng đã bị hỏng. Thông thường, tôi sẽ bỏ lại khoảng nửa phần cơm vì không thể nuốt nổi”, Hassan nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).
Hassan giấu kín thực tế đáng buồn này với vợ con ở quê nhà và đang cố gắng kiếm đủ tiền bù lại khoản chi phí đi xuất khẩu lao động. Và tất nhiên, người công nhân này không phải trường hợp duy nhất tại quốc gia phát triển hàng đầu châu Á.

Không có nhiều lựa chọn

Một bữa ăn nghèo nàn dinh dưỡng của lao động nhập cư Bangladesh tại Singapore

Tình huống của những người lao động trình độ thấp tại Singapore được ví như việc “bị mắc kẹt trong góc tối hay tầng hầm của một căn nhà lộng lẫy”.

Khoảng 1,5 triệu lao động dạng này đều là những người cố gắng chi hoặc vay tiền để đi xuất khẩu lao động, với mong muốn kiếm nhiều tiền hơn gửi về quê nhà. Nhưng, thực tế khắc nghiệt tại Singapore đã càng đẩy họ tới việc phải biết chấp nhận hoàn cảnh và cố gắng tiết kiệm hơn nữa.

Không có đồ ăn đủ no bụng, nhiều công nhân dùng nước tăng lực có chứa caffeine để quên đi cơn đói và giữ đầu óc tỉnh táo làm việc.

Anh A. Rajah, công nhân Ấn Độ đã sống ở Singapore 7 năm cho hay, mặc dù ý thức rõ được tác hại về lâu dài của các loại nước tăng lực, như tăng áp huyết và tiểu đường, tim mạch... nhưng anh ta không có lựa chọn nào khác.

“Đồ uống tăng lực rẻ và có vị ngọt giúp tôi tỉnh táo. Tôi không phải là người duy nhất. Nếu bạn tới khu nhà dành cho công nhân nhập cư vào buổi sáng, bạn sẽ thấy vỏ lon nước tăng lực chất đống bên ngoài các phòng trọ”, Rajah nói.

Còn đối với những công nhân sống trong khu nhà được trang bị đầy đủ phương tiện nấu ăn, tình hình chỉ tốt hơn một chút. Bởi các siêu thị trong khu này thường đắt đỏ hơn những nơi khác, trong khi siêu thị bên ngoài ở rất xa khu nhà ở công nhân và họ thường không đủ sức đi xa khi trở về mệt mỏi vào cuối ngày.

Về phía những nhà cung cấp thực phẩm cho công nhân, họ cũng đang phải chiến đấu để vừa duy trì sự cạnh tranh về giá, lại vẫn có lợi nhuận. Do đó, chất lượng thực phẩm sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Một người cung cấp thực phẩm cho biết, công nhân không thể mong đợi nhiều hơn cho số tiền họ đã trả. Công ty của ông phục vụ 4.000 công nhân với 3 bữa ăn mỗi ngày. Với giá 105 USD/ tháng, mỗi bữa ăn có giá khoảng 1,2 USD, chỉ bằng một nửa bữa ăn tương tự tại khu ẩm thực vỉa hè ở trung tâm thành phố.

Nhưng ông Luke Tan, Giám đốc điều hành của Tổ chức nhân đạo về Kinh tế nhập cư, một tổ chức từ thiện giúp đỡ người lao động nhập cư tại Singapore cho rằng, các doanh nghiệp cung cấp suất ăn đang lợi dụng sự khó khăn của lao động nhập cư.

“Lương thấp đồng nghĩa với việc người lao động không có lựa chọn nào khác ngoài chi tiêu càng ít càng tốt cho các bữa ăn để còn có tiền gửi về nhà. Họ sẵn sàng hy sinh quyền lợi và sức khỏe vì tương lai. Chính điều này biến họ thành mục tiêu bị bóc lột”, ông Tan nhận xét.

Thùy Dương

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/hau-thien-duong-cua-lao-dong-nuoc-ngoai-o-singapore-d417364.html