Hậu thâu tóm Long Châu, FPT Retail thành lập công ty con FPT Pharma có vốn điều lệ 100 tỷ

Hội đồng quản trị FPT Retail (HoSE: FRT) đã công bố nghị quyết về việc thành lập công ty con là Công ty cổ phần dược phẩm FPT Long Châu (viết tắt là FPT Pharma).

Công ty cổ phần dược phẩm FPT Long Châu (viết tắt là FPT Pharma) có vốn điều lệ 100 tỷ đồng

Công ty cổ phần dược phẩm FPT Long Châu (viết tắt là FPT Pharma) có vốn điều lệ 100 tỷ đồng

Theo đó, FPT Retail sẽ nắm 75% vốn của FPT Pharma, tương đương giá trị 75 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của FPT Pharma là bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch của FPT Retail.

FPT Pharma có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trụ sở đặt tại Quận 3, TP.Hồ Chí Minh với ngành nghề kinh doanh chính là bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh.

FPT Retail đã mua chuỗi nhà thuốc Long Châu vào tháng 1/2017. Tại Đại hội cổ đông 2018, FPT Retail đã tiết lộ kế hoạch mở rộng thêm 30 cửa hàng mới trong năm nay. Từ nay đến năm 2022, FPT Retail tham vọng sẽ mở thêm 100 nhà thuốc, kiểm soát 30% thị phần thị trường dược phẩm tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc FPT Retail cho biết những kinh nghiệm quản lý hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ các thiết bị kỹ thuật số sẽ giúp FPT Retail đạt được tham vọng của mình.

Vào tháng 6/2017, một "ông lớn" khác trong lĩnh vực bán lẻ là Thế Giới Di Động đã công bố kế hoạch tham gia vào hoạt động kinh doanh phân phối thuốc. Tháng 12/2017, Thế Giới Di Động chính thức thâu tóm chuỗi dược phẩm Phúc An Khang.

Phân phối dược phẩm là một "miếng bánh béo bở" với các nhà bán lẻ. Theo hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International, doanh thu bán lẻ dược phẩm sẽ tăng từ 4,7 tỷ USD năm 2017 lên 7,7 tỷ USD năm 2021.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, cả nước hiện có 57.000 nhà thuốc. Tuy nhiên, các nhà thuốc của Việt Nam đang bị phân mảnh, trong đó nhiều doanh nghiệp nhỏ do các gia đình điều hành.

Chi tiêu thuốc trên đầu người đã tăng gấp 4 lần, đạt mức 40 USD trong 10 năm từ 1995-2015. Theo dự đoán, con số này sẽ đạt 55 USD vào năm 2021.

Cơ hội cho các nhà bán lẻ ở Việt Nam vươn sang thị trường phân phối dược phẩm là rất lớn. Bởi lẽ, năm 2007, khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã không cam kết các điều khoản liên quan đến thị trường dược phẩm.

Tại Việt Nam, các lĩnh vực liên quan đến y tế được coi là vấn đề an ninh quốc gia. Hiện nay, luật pháp Việt Nam chưa cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ dược phẩm.

Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể thâm nhập thị trường dược phẩm Việt Nam bằng cách liên doanh với các đối tác trong nước hoặc là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nhập khẩu và bán dược phẩm cho hơn 1.000 nhà phân phối trong nước.

Hoàng Lan

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/hau-thau-tom-long-chau-fpt-retail-thanh-lap-cong-ty-con-fpt-pharma-co-von-dieu-le-100-ty-20180504224212987.htm