'Hậu sinh khả úy'

'Với Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu được tổ chức lần thứ nhất, chúng ta càng lạc quan hơn bởi người Việt 'hậu sinh khả úy' toàn cầu hội tụ về đây vì non nước', GS.TSKH Trần Văn Nhung- Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) chia sẻ với Tiền Phong.

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 27-29/11, quy tụ 200 trí thức trẻ Ảnh minh họa: Xuân Tùng

Thưa ông, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 27-29/11, quy tụ 200 đại biểu tri thức trẻ tiêu biểu trong nước và ngoài nước. Ông có kỳ vọng gì về sự kiện này?

Tôi đánh giá cao sáng kiến của Ban tổ chức diễn đàn này. Sự gặp gỡ, giao thoa, thảo luận giữa các bạn trẻ trong, ngoài nước sẽ là một cơ hội hiếm có để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong nước và quốc tế; đóng góp cho những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn nhiều thách thức, phức tạp ngày nay.Đất nước chúng ta có những thuận lợi lớn về thiên nhiên, vị trí địa lý và nhân tố con người, nhưng tại sao chưa tận dụng hết được để phát triển nhanh? Phải chăng do chúng ta chưa giải phóng được tư duy, chưa phát triển được khoa học và giáo dục nước nhà? Tại diễn đàn này, các trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu cần bàn bạc, tư vấn, cung cấp các bài học kinh nghiệm quốc gia, quốc tế để góp phần phát triển đất nước nhanh chóng.

Tôi hy vọng diễn đàn này của thanh niên sẽ góp phần thiết thực và hiệu quả để Việt Nam lên kịp chuyến tàu tốc hành cách mạng công nghiệp 4.0 của cả thế giới. Trong số những hành trang của công dân toàn cầu thì công nghệ thông tin, truyền thông và tiếng Anh rất quan trọng. So với công nghệ thông tin, tiếng Anh của chúng ta còn yếu hơn, cần nhanh chóng khắc phục, để có thể đi đều cả “hai chân”. Tôi xin kiến nghị phải coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau tiếng Việt, khi bước vào cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông nhìn nhận như thế nào về đội ngũ trí thức trẻ hiện nay?

Đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam hiện nay vừa tuân theo những nguyên tắc phát triển chung của nhân loại, vừa có những đặc thù riêng thú vị. Nhìn chung, thế hệ trẻ của chúng ta giàu hoài bão, cần cù, thông minh và nhanh nhạy nắm bắt cái mới. Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng các bạn trẻ ở trong nước đã có nhiều bứt phá, sáng tạo, đóng góp để phát triển khoa học, công nghệ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các bạn trẻ Việt Nam ở trong nước và ngoài nước đã có những phát minh, đóng góp cho nhân loại về toán học, vật lý học, công nghệ thông tin, âm nhạc, nghệ thuật... được cả thế giới khâm phục.

Trong xu thế phát triển của thế giới và Việt Nam hiện nay, theo ông trí thức trẻ đang có cơ hội và thách thức nào?

Thách thức lớn nhất đối với các trí thức trẻ Việt Nam hiện nay ở trong nước và ngoài nước là khoảng cách rất lớn giữa trình độ khoa học, công nghệ, giáo dục, quản lý của thế giới và thực tế Việt Nam. Làm sao vận dụng được những thành tựu và tiên bộ mới nhất của thế giới văn minh vào hoàn cảnh Việt Nam? Làm sao để chúng ta theo kịp tiến trình của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới, trong khi nền sản xuất của chúng ta còn lạc hậu và ngổn ngang, đang đan xen từ 0.4 cho đến 4.0?

Là một nhà khoa học thành công, ông có bài học kinh nghiệm vượt khó nào muốn chia sẻ với đội ngũ trí thức trẻ hiện nay?

Tôi chưa được xem là một nhà khoa học thành công. Nhưng trong cuộc đời chưa thành công của mình tôi đã rút ra hai bài học quan trọng để vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn. Thứ nhất, trong quá trình phấn đấu để trở thành một con người, một nhà khoa học thì nghị lực, khả năng tự học thêm, rèn luyện thêm, tự hoàn thiện là rất quan trọng, có tính quyết định. Nói một cách hình ảnh: Đỉnh tự học cùng với ba đỉnh gia đình, nhà trường và xã hội, tạo thành một tứ diện giáo dục hay một hình chóp đáy tam giác. Cả bốn yếu tố này phối hợp lại mới tạo thành một con người, một công dân, một nhà khoa học. Trong đó yếu tố tự học (suốt đời) đóng vai trò quyết định.

Thứ hai, luôn lấy tấm gương những người thầy mẫu mực, những đồng nghiệp xuất sắc để noi theo, học tập và vươn lên. Tìm cảm hứng từ họ để phấn đấu bền bỉ suốt cuộc đời mình, theo tinh thần mà William A. Ward đã nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”.

Xin cám ơn giáo sư!

Xuân Tùng (ghi)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/hau-sinh-kha-uy-1349657.tpo