Hậu SEA Games 30: Giữa 'cơn mưa' tiền thưởng...

Sau một kỳ SEA Games lập kỳ tích, chuyện 'cơn mưa' tiền thưởng đổ xuống đoàn Thể thao Việt Nam chẳng có gì là khó hiểu, nếu không muốn nói là hoàn toàn xứng đáng với mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của các tuyển thủ quốc gia đã đổ xuống sân tập, sàn đấu.

Ăn cái Tết to...

Ngay sau khi tiếng còi chung cuộc trận bóng đá nam SEA Games 30 vang lên với chức vô địch lịch sử dành cho U22 Việt Nam, "cơn mưa" thưởng nhanh chóng ập tới với thầy trò HLV Park Hang Seo - 15 tỷ đồng (cả tiền mặt và hiện vật). Số thưởng này trong những ngày qua còn tăng thêm nhiều khi các Mạnh Thường Quân tiếp tục liên hệ để trao thưởng, động viên... Đó là chưa kể đến mức thưởng theo quy định của nhà nước.

Ngoạn mục hơn là đội tuyển bóng đá nữ. Với chiến thắng quả cảm trước nữ Thái Lan trong trận chung kết, các cô gái Việt Nam đã không phải chịu thiệt thòi - Tính đến đầu tuần qua, số tiền thưởng của các đơn vị dành cho đội tuyển bóng đá nữ quốc gia là 22 tỷ đồng, cùng một số hiện vật và dịch vụ dành riêng cho các cô gái vàng.

Dĩ nhiên, trong thành công chung của đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30, các vận động viên giành thành tích cao ở nhiều bộ môn khác cũng chẳng phải chịu thiệt thòi. Theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ký cuối tháng 11/2018 quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu, đoàn thể thao Việt Nam sẽ được thưởng 24 tỷ 920 triệu đồng vì thành tích đoạt 98 huy chương Vàng, 85 huy chương Bạc và 105 huy chương Đồng tại SEA Games 30. Mỗi tấm huy chương tại Đại hội thể thao Đông Nam Á được quy định lần lượt là 45 triệu đồng, 25 triệu đồng, 20 triệu đồng.

Ngoài ra, các vận động viên đã được nhận thưởng nóng 25 triệu đồng, 8 triệu đồng và 2 triệu đồng cho mỗi tấm huy chương ngay tại đại hội. Về cá nhân, nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên giữ kỷ lục về số huy chương đạt được tại SEA Games 30 với 6 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc được nhận 320 triệu đồng tiền thưởng từ nhà nước và 100 triệu đồng vì được bầu là Vận động viên xuất sắc nhất SEA Games 30. Về tập thể, dẫn đầu là đội tuyển điền kinh với 2 tỷ 845 triệu đồng, nhờ thành tích giành 16 huy chương Vàng, 12 huy chương Bạc và 10 huy chương Đồng.

Đó là chưa kể mức thưởng riêng của các địa phương, ngành cho các huấn luyện viên, vận động viên của mình giành được huy chương. Hà Nội trao 6 tỷ 225 triệu đồng; Quảng Ninh trao 1,68 tỷ đồng; Bình Dương trao 600 triệu... tất cả mang đến cái Tết to hơn, vui hơn cho các tuyển thủ.

... nhưng lo sau Tết

Thắng to - Thưởng lớn! Âu là lẽ thường tình trong thể thao nói riêng và cơ chế thị trường hôm nay nói chung. Các huấn luyện viên, vận động viên có thêm khoản thu nhập lớn sau những vất vả hy sinh; Nhà nước, địa phương và đơn vị chủ quản cũng ghi nhận những đóng góp thành tích xuất sắc; Mạnh Thường Quân không chỉ chung tay góp thêm vào ngày vui mà còn qua đó tự quảng bá cho chính mình. Mọi người đều vui và chẳng hề là quá lời khi có một tuyển thủ sau thành công tại đại hội vừa qua đã thốt lên rằng - Giá mà năm nào cũng có SEA Games!

Nhưng phần thưởng chỉ dành cho người chiến thắng và không phải năm nào cũng có người chiến thắng, còn SEA Games thì phải 2 năm mới diễn ra 1 lần, mà để chiến thắng tại SEA Games là quãng thời gian hơn 700 ngày miệt mài tập luyện.

Hơn thế, giữa "cơn mưa" tiền thưởng chẳng khó để nhận ra, sự phát triển của một nền thể thao không thể chỉ trông vào... tiền thưởng! Bài học cách đây 4 năm vẫn chưa hề mất đi tính thời sự. Khi đó, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với kỳ tích giành 1 huy chương Vàng - 1 huy chương Bạc tại Oympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016 đã đi vào lịch sử không chỉ với tư cách vận động viên Việt Nam đầu tiên vô địch Thế vận hội mà còn là khoản tiền thưởng kỷ lục tới gần 6 tỷ đồng! Nhưng 4 năm qua, bắn súng Việt Nam vẫn trong cảnh thiếu thốn bia, đạn và đó là một trong những nguyên nhân khiến Hoàng Xuân Vinh đánh mất chính mình, không còn nổi 1 thành tích quốc tế đáng kể nào, kể cả SEA Games 30 vừa qua.

Hay chuyện "mưa tiền thưởng" từ các doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân được xem là bước xã hội hóa lớn, nhưng thử hỏi, đã có bao nhiêu doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân đầu tư thực sự vào nền tảng để phát triển thể thao, trong bối cảnh ngành thể thao năm nào cũng kêu thiếu ngân sách. Bóng đá nữ là ví dụ điển hình, bởi sau 22 tỷ đồng tiền thưởng kia, năm sau liệu có thêm bao nhiêu đội bóng đá nữ, bao nhiêu cô gái quyết tâm chạy theo trái bóng tròn?

Thưởng to! Vui đấy, nhưng cũng chỉ là chuyện nhất thời.

Ngọc Minh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/hau-sea-games-30-giua-con-mua-tien-thuong-117479.html