Hậu quả từ trồng đinh lăng theo phong trào

Cây đinh lăng được ví như củ sâm, một loại thảo mộc quý hiếm, từ rễ đến lá đều có thể sử dụng vào nhiều mục đích, chủ yếu là làm thuốc, do vậy nhu cầu tiêu thụ của thị trường khá cao.

Có thời điểm giá 1kg đinh lăng lên tới 45.000-50.000 đồng. Chính vì thế, vài năm nay, nhiều hộ dân một số xã thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã phá bỏ các loại cây truyền thống của địa phương để trồng đinh lăng. Nhưng vì trồng ồ ạt theo phong trào, không theo quy hoạch nên nhiều gia đình đang chịu thiệt hại nặng nề.

 Ông Nguyễn Văn Viễn ngậm ngùi chặt bỏ vườn đinh lăng đến kỳ thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Viễn ngậm ngùi chặt bỏ vườn đinh lăng đến kỳ thu hoạch.

Cùng ông Nguyễn Đức Đông, Trưởng thôn Hòa Bình, xã Đôn Nhân đến thăm một số cánh đồng được trồng nhiều đinh lăng nhất xã, trước mắt chúng tôi là nhiều ruộng đinh lăng cao sản (hay còn gọi là đinh lăng Tàu, đinh lăng lai) bị chặt phá hoang tàn. Ở đây, đinh lăng được trồng ở khắp nơi từ ven đường, bờ ao, sườn đồi cho đến những ô ruộng. Ông Đông giãi bày: "Thôn Hòa Bình có 233 hộ, với 870 nhân khẩu. Khoảng 4 năm nay, thấy một số hộ trồng đinh lăng có thu nhập tốt nên dần dần người dân cứ thế làm theo ồ ạt, không kiểm soát nổi. Các gia đình đua nhau trồng đinh lăng, từ vườn nhà cho đến cánh đồng, chỗ nào có đất trống là trồng vì giống cây này vừa dễ trồng vừa dễ chăm sóc". Ông Nguyễn Văn Viễn, nhà ở thôn Hòa Bình vừa ngậm ngùi chặt những cây đinh lăng gần đến kỳ thu hoạch vừa kể: "Thấy bà con trồng đinh lăng đem lại lợi nhuận cao, gia đình tôi cũng bỏ hoa màu để trồng theo. Với giá cây giống khoảng 80.000 đồng/kg, tổng đầu tư cho 5 sào ruộng trồng đinh lăng của gia đình tôi vào khoảng 35 triệu đồng. Nhưng từ năm ngoái đến nay, giá đinh lăng xuống thấp dần, từ 40.000 đến 45.000 đồng xuống còn 5.000-6.000 đồng, đến cuối năm 2017, chỉ còn 2.000 đồng/kg mà thương lái còn không đến mua". Sau hơn một năm trồng, chăm sóc, nay lại phải mất công chặt bỏ để chuyển đổi trồng bưởi và ổi. Nhiều hộ có diện tích vườn đồi thì chuyển đổi trồng bạch đàn và keo làm cây nguyên liệu giấy. Được biết, không riêng gia đình ông Viễn mà rất nhiều hộ dân tại địa phương này cùng chung cảnh ngộ.

Gần 10 năm về trước, thấy có nhiều thương lái về mua thanh hao hoa vàng nên bà con ở đây cũng trồng ồ ạt, đến khi các cánh đồng phủ kín loài cây này thì lại không có người mua nữa. Bài học đó chưa quên, nay nhiều người lại mắc phải. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tất, Chủ tịch UBND xã Đôn Nhân, cho biết: "Mặc dù huyện và chính quyền các xã đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, cảnh báo nhưng người dân chỉ làm theo những gì nhìn thấy. Đấy là củ, cành, lá đinh lăng bán được giá cao, lại không lo sâu bệnh, mất mùa. Vì vậy, bà con ồ ạt trồng đinh lăng. Đến nay, không có người mua nữa nên nhiều hộ phải cắn răng phá bỏ để chuyển sang trồng cây khác".

Thực tế ở nhiều địa phương trên cả nước, cảnh tượng trồng rồi lại chặt, hay được mùa mất giá diễn ra rất phổ biển. Bởi nhiều người dân chỉ nhìn thấy cái lợi nhỏ trước mắt mà chưa có sự tính toán lâu dài và chính quyền các địa phương cũng tuyên truyền chưa thực sự sâu sát. Chính vì vậy, để giúp bà con nông dân, cần có sự phối hợp, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ người nông dân cho đến chính quyền và doanh nghiệp. Có như vậy mới giải đáp được vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi đối thoại với nông dân tại tỉnh Hải Dương vừa qua đã đặt ra: "Trước khi gieo hạt, bà con phải nghĩ đến tiêu thụ ở đâu".

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hau-qua-tu-trong-dinh-lang-theo-phong-trao-538829