Hậu quả từ sự thiếu hiểu biết của người dân

Hiện nay trong một số bộ phận người dân vẫn đang tồn tại quan niệm 'có bệnh thì vái tứ phương', thay vì tới bệnh viện để khám, điều trị thì một số người đã chữa bệnh qua tìm hiểu trên mạng internet hoặc truyền tai nhau chia sẻ kinh nghiệm, những nơi chữa bệnh mà với họ đó là uy tín, là hiệu quả. Họ không ý thức được rằng việc chữa trị như vậy sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Những ngày này, câu chuyện mẫu máu của 42 người dân xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ nhiễm HIV, trong đó nhỏ tuổi nhất là bé gái 18 tháng tuổi, lớn tuổi nhất là cụ bà 80 tuổi, đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người dân trong làng cho rằng nguyên nhân lây bệnh do một “bác sỹ làng” tên Th. thường xuyên điều trị cho họ khi ốm đau. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc, điều tra làm rõ nguyên nhân.

Trước khi nguyên nhân được làm rõ, một thực tế đáng bàn là chỉ đến khi sự cố xảy ra, người dân nơi đây mới ngỡ ngàng khi biết người mà họ vốn cho là bác sĩ và đặt niềm tin tưởng bấy lâu nay chỉ là y sĩ - được nâng lên từ điều dưỡng viên của trung tâm y tế dự phòng huyện - và nơi điều trị bệnh cho người dân của y sĩ này chưa được cấp phép hoạt động khám chữa bệnh.

Tương tự, lâu hơn nữa vào cuối tháng 7/2017, vụ việc hàng loạt bé trai ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên mắc bệnh sùi mào gà nghi do cắt bao quy đầu tại nhà một y sĩ chưa được cấp phép hoạt động, không biển hiệu,… cũng đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ.

Trạm y tế xã Kim Thượng (Tân Sơn, Phú Thọ) - xã có nhiều người dân nhiễm HIV chưa rõ nguồn lây (Ảnh: T.L - Đ.T)

Qua những câu chuyện đó, chưa vội bàn về trách nhiệm đúng, sai của các y sĩ, của cơ quan ban ngành chức năng mà trước hết có thể nhận thấy rằng trên thực tế hiện nay trong một số bộ phận người dân vẫn đang tồn tại quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương”.

Thay vì tới bệnh viện để khám, điều trị thì một số người đã chữa bệnh qua tìm hiểu trên mạng internet hoặc truyền tai nhau chia sẻ kinh nghiệm, những nơi chữa bệnh mà với họ đó là uy tín, là hiệu quả. Họ không ý thức được rằng việc chữa trị như vậy sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Mặc dù các bác sĩ đã nhiều lần cảnh báo nhưng dường như cha mẹ vẫn chủ quan, lơ là, bỏ ngoài tai những lời cảnh báo đó.

Câu chuyện đó không chỉ xảy ra ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện cơ sở khám chữa bệnh còn thiếu, người dân ít kiến thức về y tế, tâm lý ngại đến viện phải tốn kém chi phí mà thậm chí ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, các bậc cha, mẹ vẫn vô tư chọn các y, bác sĩ là những người đang công tác tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội hoặc những bác sĩ đã nghỉ hưu làm nơi gửi gắm chữa “bách bệnh” cho con em mình mà không mảy may quan tâm phòng khám đó đã được cấp phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề,... hay không.

Để rồi những câu chuyện các bác sĩ kê đơn lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn tới kháng thuốc kháng sinh hoặc truyền dịch không đúng quy định dẫn tới sốc thuốc, lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm vẫn đang xảy ra trong cộng đồng cùng với đó là bao nỗi ân hận, dày vò, hối tiếc vì sự chủ quan của biết bao người dân.

Trước những vụ việc đó là hồi chuông cảnh tỉnh về cách chữa bệnh truyền tai mà nhiều người dân đang tin theo cùng với đó là trách nhiệm của y tế cơ sở đối với mỗi địa phương.

Muốn làm tốt, làm tròn nhiệm vụ quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người dân thì mỗi địa phương cần tăng cường truyền thông trực tiếp giúp người dân hiểu, có thông tin để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân. Đồng thời mỗi người dân cần có sự phân biệt rõ giữa y sĩ và bác sĩ, chỉ nơi chọn những nơi đã được cấp phép khám, chữa bệnh để chữa trị bệnh khi có nhu cầu. Có như vậy, bi kịch mang tên “bác sĩ làng” và tình trạng lây nhiễm bệnh mới có thể hạn chế xảy ra.

Hoa Nguyễn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hau-qua-tu-su-thieu-hieu-biet-cua-nguoi-dan-78432.html