Hậu quả của việc sử dụng lao động trẻ em

Việc sử dụng lao động trẻ em có thể mang lại những lợi ích trước mắt, nhưng để lại hậu quả lâu dài. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị chức năng và mỗi gia đình cần chủ động giảm thiểu, phòng ngừa lao động trẻ em.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Số liệu khảo sát quốc gia về lao động trẻ em vào năm 2012, nước ta còn 1,75 triệu trẻ em, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em từ 5 đến dưới 17 tuổi phải tham gia lao động hoặc có nguy cơ lao động sớm.

Theo các chuyên gia, do đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, cho nên dù không muốn, các gia đình vẫn phải để trẻ em tham gia lao động. Trẻ em phải làm việc nhiều nhất trong ngành nông nghiệp với 67%, tiếp đến là ngành dịch vụ với 16,6%, ngành công nghiệp, xây dựng với 15,8%...

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết: "Qua khảo sát thực tế về lao động trẻ em tại thời điểm năm 2019, bước đầu, chúng tôi có thể khẳng định, số lượng lao động trẻ em đã giảm nhiều so với năm 2012. Số liệu chính thức sẽ được công bố vào cuối năm nay".

Cục trưởng Cục Trẻ em đánh giá, trẻ em làm việc nhà, được truyền một số nghề không phải là hình thức lao động, cho nên các gia đình có thể khuyến khích trẻ em làm việc số một công việc phù hợp với độ tuổi, sở thích.

Ngoài hình thức lao động trực tiếp để tạo ra sản phẩm có thể nhận diện rõ nét, hiện nay, các quốc gia còn nhìn nhận, đánh giá lao động trẻ em theo hình thức gián tiếp, trong cả chuỗi cung ứng.

Ví dụ, trong một doanh nghiệp may mặc nào đó, trẻ em không trực tiếp cắt, may, đóng gói sản phẩm tại xưởng sản xuất, nhưng có tham gia trồng bông, nhuộm vải, làm bao bì từ những nơi khác để cung ứng cho doanh nghiệp, thì sản phẩm may mặc hoàn chỉnh vẫn bị đánh giá có sử dụng lao động trẻ em…

“Đối với nước ta, việc gián tiếp sử dụng lao động trẻ em cần được lưu tâm, bởi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đều yêu cầu mọi quốc gia thành viên phải tuân thủ quy định về điều kiện lao động, môi trường làm việc. Nếu để trẻ em tham gia vào quy trình sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, chắc chắn thương hiệu sản phẩm, uy tín quốc gia sẽ bị ảnh hưởng”, ông Nam nói.

Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, người sử dụng lao động không được sử dụng lao động chưa thành niên (dưới 18 tuổi) làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trẻ em từ đủ 13 đến dưới 15 tuổi có thể làm diễn viên ở nhiều loại hình nghệ thuật, vận động viên năng khiếu của nhiều môn thể thao, làm một số nghề thủ công truyền thống như vẽ tranh sơn mài, dệt thổ cẩm, thêu ren, mộc mỹ nghệ… Trẻ em dưới 13 tuổi cũng có thể làm một số công việc nhẹ nhàng tại các làng nghề.

ANH THƯ

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/doi-song/hau-qua-cua-viec-su-dung-lao-dong-tre-em-738637.ldo