Hậu quả của các ngân hàng trung ương nếu không thể 'hạ nhiệt' lạm phát

Các ngân hàng trung ương có nguy cơ mất lòng tin của công chúng nếu họ không hạ được nhiệt của lạm phát cao ở các nước phát triển, The Guardian đưa tin.

Agustín Carstens, Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết, các ngân hàng trung ương cần duy trì lập trường cứng rắn để chống lạm phát. Nếu không sẽ khiến một thế hệ người tiêu dùng chưa bao giờ trải qua tình trạng giá cả tăng nhanh mất niềm tin vào vai trò độc lập của họ.

Đây là một trong những lý do tại sao sự gia tăng lạm phát gần đây ở hầu hết các quốc gia là một nguyên nhân gây lo ngại.

 Một người đàn ông mua trái cây và rau quả tại chợ trung tâm ở Buenos Aires, Argentina. Đất nước này có một trong những tỷ lệ lạm phát cao nhất trên thế giới. Ảnh: Luis Robayo/AFP/Getty Images.

Một người đàn ông mua trái cây và rau quả tại chợ trung tâm ở Buenos Aires, Argentina. Đất nước này có một trong những tỷ lệ lạm phát cao nhất trên thế giới. Ảnh: Luis Robayo/AFP/Getty Images.

Ngoài ra, tác động dây chuyền của việc mất niềm tin có thể “dẫn đến tình trạng bất ổn tài chính nghiêm trọng, với chi phí rất cao cho xã hội về tăng trưởng kinh tế, việc làm, bất bình đẳng và của cải”.

Phát biểu tại Brazil, ông Carstens cũng cảnh báo rằng hàng loạt vụ sụp đổ ngân hàng gần đây ở Mỹ và việc sử dụng tiền điện tử một cách liều lĩnh có thể làm suy yếu niềm tin vào hệ thống tài chính.

Trong một bài phát biểu gay gắt khác thường, ông chủ BIS cho biết ông lo ngại rằng khả năng tăng ngân sách Chính phủ sẽ khiến họ tự chuốc lấy thất bại và góp phần gây ra lạm phát.

Ông nói thêm: “Hậu quả của việc phát hành tiền cũng có thể rất tai hại”.

Khi còn đảm nhiệm vai trò Thủ tướng Anh, bà Liz Truss đã bị chỉ trích rộng rãi vì đã đưa ra các đề xuất nhằm hạn chế sự độc lập của Ngân hàng Anh.

Những bình luận của Carstens cũng có thể được coi là một phát súng giáng thẳng vào ngân hàng trung ương Vương quốc Anh nếu ngân hàng này xem xét cắt giảm lãi suất trước khi lạm phát giảm trong một thời gian dài.

Ông nói rằng cần phải tránh sự sụp đổ của ngân hàng ở Thung lũng Silicon và việc sáp nhập Credit Suisse với UBS sau khi ngân hàng này gặp rắc rối về tài chính, để duy trì niềm tin vào hệ thống tài chính.

Agustín Carstens cảnh báo rằng ở nhiều quốc gia, 50% hoạt động cho vay được quản lý bởi các tổ chức phi ngân hàng, bao gồm các quỹ phòng hộ và các công ty bảo hiểm, nơi quy định “mỏng” hơn các quy tắc quản lý hệ thống ngân hàng.

“Nhu cầu giám sát và quản lý chặt chẽ hơn đối với khu vực phi ngân hàng đã trở nên cấp bách hơn trước những giai đoạn bất ổn gần đây", ông nói.

Điệp Nguyễn (Theo Guardian)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hau-qua-cua-cac-ngan-hang-trung-uong-neu-khong-the-ha-nhiet-lam-phat-post248576.html